Giá bản quyền truyền hình ASIAD 18 nhìn từ Hồng Kông
Bị rao giá 6 triệu USD, cuối cùng giá bản quyền truyền hình Á vận hội 2018 ở Hồng Kông chỉ còn 2 triệu USD
Không có bản quyền, khán giả Việt Nam phải xem tuyển Olympic thi đấu thông qua kênh "Truyền hình... Xôi lạc"
Asian Games (Á vận hội - ASIAD) là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất trên thế giới, với số lượng VĐV tham dự gần bằng với một kỳ Thế vận hội. Vì vậy, nhiều đài truyền hình quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á buộc phải trích kinh phí mua bản quyền phục vụ người dân để họ được tiếp cận, cổ vũ các VĐV nước nhà dù giá bản quyền mắc, rẻ khác nhau.
Sự kiện ASIAD 18 năm nay, nước chủ nhà Indonesia phát sóng trực tiếp 38 môn thi thể thao diễn ra tại Jakarta và Palembang, Nam Sumatra. "Chúng tôi sẽ sử dụng tổng cộng 427 camera độ nét cao để phát sóng tất cả các sự kiện thể thao trực tiếp ngoại trừ hai môn đánh bài và bóng quần", Giám đốc truyền hình, Ủy ban Olympic Indonesia (INASGOC) Linda Wahyudi cho biết.
Bản quyền truyền hình ASIAD 18 có giá "cắt cổ" khiến nhiều quốc gia than trời - Ảnh minh họa
INASGOC đã thuê Swiss International Games and Broadcast Services phụ trách hạ tầng, Dentsu giữ bản quyền ASIAD 2018 và Tập đoàn Emtek Group chịu trách nhiệm bản quyền phát sóng ở Indonesia. "Sóng trực tiếp các môn thể thao tại Asian Games 2018 sẽ được phát cho tất cả các nước ở châu Á, châu Mỹ Latin trừ Brazil", bà Linda nói thêm.
Bên cạnh đó, chi phí để sản xuất một chương trình trực tiếp một môn thể thao tại đấu trường ước chừng 350.000 USD kèm theo ít nhất 5 máy quay. Số lượng các môn thi thể thao được phát sóng trực tiếp đã giảm từ 55 môn xuống còn 38.
"Để hàng ngàn VĐV đến từ 54 quốc gia tham dự ASIAD 18 được lên sóng trực tiếp, BTC Asian Games 2018 phải sử dụng 37 máy quay, một máy bay trực thăng, và khoảng bốn xe gắn máy, tất cả có giá khoảng 1 triệu USD cho riêng môn điền kinh", Linda nói. Bà cũng cho biết đây là lần đầu tiên nước chủ nhà Indonesia đầu tư "khủng" nhất về mặt truyền thông để tổ chức sự kiện thể thao cấp châu lục này, và cũng là lần thứ hai Indonesia đăng cai tổ chức Asian Games, lần đầu tại Jakarta năm 1962.
Cuộc chiến chống ăn cắp bản quyền cũng trở nên gay gắt, căng thẳng
Vì vậy, chi phí để mua bản quyền truyền hình trực tiếp các môn thi đấu tại ASIAD 18 cũng không hề rẻ, tầm khoảng 6 triệu USD, như tại Hồng Kông. Đài truyền hình sẵn sàng "móc tiền túi" để phát sóng miễn phí, phục vụ người dân. Tuy nhiên, mức giá trên được xem là quá đắt đỏ khiến chính quyền có lúc muốn "buông tay" trong thương vụ này. Trong thời gian đàm phán và chờ đợi Công ty Dentsu hạ giá thì cuối cùng người dân xứ Cảng thơm cũng được tận mắt theo dõi sự kiện thể thao châu lục khi đài hợp tác với đài truyền hình cáp i-cable cùng mức phí 2 triệu USD trả cho Dentsu.
Hồng Kông mang đến ASIAD 18 lực lượng đông đảo và hùng hậu với mục tiêu đoạt nhiều huy chương ở các bộ môn tranh tài. Vì vậy người hâm mộ rất mong muốn được theo dõi trực tiếp các VĐV của họ thi đấu. Việc mua bản quyền truyền hình trực tiếp các kỳ Thế vận hội hay Á vận hội đều khiến đài truyền hình hao tốn khá nhiều chi phí nhưng không mang lại lợi nhuận. Tuy vậy, các nhà chức trách Hồng Kông cho rằng lợi nhuận không quan trọng bằng tinh thần cảm xúc, họ sẵn sàng giúp VĐV và người hâm mộ tương tác thông qua các phương tiện truyền thông. Đó cũng là động lực giúp VĐV thi đấu hiệu quả và đạt thành tích cao hơn.
Đáp lại chính quyền, đơn vị i-cable đã hỗ trợ kinh phí mua bản quyền. Trước đó, họ đã từng mua trọn gói bản quyền truyền hình tại các kỳ Asian Games ở Bangkok 1998, Busan 2002, Doha 2006, Guangzhou 2010 và Incheon 2014. Ngoài hệ thống truyền hình cáp và truyền hình đảo, người dân Hồng Kông còn tha hồ được theo dõi trực tiếp hơn 700 VĐV đảo tham gia tranh tài ở các môn thi đấu thông qua những ứng dụng miễn phí của i-cable, đó cũng là cách họ quảng bá thương hiệu.
Hiện tại, đã có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền phát sóng ASIAD 18. Trong đó, 16 đơn vị có giữ bản quyền gồm CCTV của Trung Quốc với khoảng 400 nhân viên có mặt trong một phim trường lớn để truyền dẫn, thu và phát sóng. Những đài khác nhỏ hơn như KBS, MBC… cũng có khu vực riêng khi tác nghiệp tại Indonesia.
Bà Linda rất tiếc khi Việt Nam không có sóng ASIAD 18 dù Việt Nam và Indonesia là láng giềng cùng khối ASEAN. Giám đốc truyền hình ASEAN Games 2018 cũng phân tích giá bản quyền mỗi năm mỗi khác, ngày một tăng và để các nhà đài quyết định đổ tiền ra mua là điều không đơn giản. Bởi thế, cuộc chiến chống ăn cắp bản quyền cũng trở nên quyết liệt và căng thẳng hơn.
Tại New Delhi, Ấn Độ, Công ty Sony phải nhờ Tòa án Tối cao Delhi can thiệp, tìm cách hạn chế hơn 300 hệ thống truyền thông, các đài truyền hình sử dụng "sóng bẩn" để trình chiếu trực tiếp trận cricket giữa Ấn Độ và Anh cùng sự kiện ASIAD 18 mà không xin phép. Sony sở hữu giấy phép độc quyền cho cả hai sự kiện thể thao này và công ty cũng cho biết họ được quyền bán sóng trực tiếp cho các quốc gia Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
Nếu Việt Nam mua trước 2018 thì đã khác
Việc VTV từ chối mức giá mà đơn vị sở hữu bản quyền của Hàn Quốc là KJSM đưa ra cũng nhận được sự đồng tình từ một bộ phận khán giả vì cho rằng nếu để các đối tác ép giá mà vẫn cố gắng mua, sẽ tạo ra tiền lệ xấu là trong tương lai, sẽ còn bị nâng giá nhiều giải đấu hơn nữa.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì lẽ ra VTV đã có được bản quyền với mức giá thấp hơn rất nhiều lần. Cách đây 2 năm, khi đơn vị truyền thông Dentsu của Nhật Bản cho biết họ nắm giữ bản quyền ASIAD 18 và gửi lời chào hàng đến các nhà đài ở Việt Nam, VTV đã tiến hành đàm phán. Hai bên đã đạt được những thống nhất chung và dự kiến sẽ ký hợp đồng vào tháng 11 năm 2017.
Tuy nhiên, phút chót không hiểu sao Dentsu lại đột ngột rút lui, để KJSM nhảy vào giành bản quyền ASIAD 2018. Sau hiệu ứng U23 Việt Nam, đơn vị cung cấp bản quyền của Hàn Quốc đã chào bán với giá rất cao, thậm chí có nguồn tin cho biết hơn 5 triệu USD. Chính vì vậy mà VTV quyết định từ chối.
Anh Dũng