Gen Z Việt Nam cần trung bình 2,5 năm để thăng chức, nhưng làm chưa đầy 2 năm đã nhảy việc

07/11/2024 17:25 PM | Quản trị

Theo Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi Việt Nam 2024, Gen Z cần trung bình 2,5 năm để thăng chức, trong khi tất cả những thế hệ trước đều mất 3 năm. Tuy nhiên, thời gian gắn bó của Gen Z chỉ chưa đầy 2 năm, tức là công ty chưa kịp thăng chức thì đã nghỉ việc.

Gen Z Việt Nam cần trung bình 2,5 năm để thăng chức, nhưng làm chưa đầy 2 năm đã nhảy việc- Ảnh 1.

Tại sự kiện The Makeover 2024 diễn ra vào ngày 15-16/10 ở TP.HCM do Talentnet tổ chức, Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi Việt Nam 2024 đã được công bố. Tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát để thực hiện báo cáo năm nay là 653, trong đó có 594 công ty đa quốc gia và 59 công ty trong nước. Dữ liệu bao quát 3.481 vị trí từ hơn 551.380 người lao động trên khắp Việt Nam.

Một vấn đề nổi bật trong báo cáo, cũng như tại sự kiện, liên quan đến lực lượng nhân sự Gen Z (1997 - 2012). Cơ cấu lao động chia theo độ tuổi năm 2024 cho thấy Gen Z đang chiếm 24,1%, Gen X (1965 – 1980) chiếm 10,5% và đông nhất là Gen Y (1981-1996).

Báo cáo đưa ra con số thú vị về số năm trung bình để một nhân sự thuộc mỗi thế hệ được thăng chức, cùng số năm gắn bó trung bình của họ với một tổ chức.

Theo đó, các thế hệ trước đều mất trung bình 3 năm để được thăng chức. Tới Gen Z, con số này chỉ còn 2,5 năm. Tuy nhiên, số năm gắn bó với tổ chức lại có sự khác biệt cực kỳ lớn giữa các thế hệ và giảm ngày càng mạnh.

Với thế hệ Baby Boomers (1946 - 1964), số năm gắn bó trung bình với nơi làm việc lên đến 15,9. Tới Gen X, con số này rút xuống còn 13,3 năm. Sang Gen Y, báo cáo chia ra thành những người sinh từ năm 1981 - 1989 gắn bó trung bình khoảng 8 năm, còn nhóm sinh từ 1990 - 1996 chỉ còn 4,2 năm.

Đối với Gen Z, số năm gắn bó trung bình với nơi làm việc chỉ còn 1,9 năm, thấp hơn tới 7 lần so với “thế hệ bố mẹ” Gen X.

Gen Z rời đi sau chưa đầy 2 năm, trong khi cần khoảng 2,5 năm để thăng thức cho các bạn. Lúc đó thì các bạn đã nghỉ rồi”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự Talentnet cho biết.

Gen Z Việt Nam cần trung bình 2,5 năm để thăng chức, nhưng làm chưa đầy 2 năm đã nhảy việc- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự Talentnet trình bày tại sự kiện The Makeover 2024.

Tình trạng này được cho rằng khá nan giải đối với sự phát triển của các tổ chức, bởi nơi đâu cũng cần thế hệ tiếp nối.

Cũng theo báo cáo của Talentnet, xét theo cấp bậc, hầu hết những người nắm vị trí điều hành hiện nay đều thuộc Gen X – chiếm 74,3%, còn lại 20,6% thuộc Gen Y và 5% thuộc thế hệ Baby Boomers. Với cấp quản lý, đa số cũng thuộc Gen Y – chiếm 71,8% và chỉ có 1,5% thuộc Gen Z.

Tuy nhiên, theo dự báo, sang năm 2025 Gen Z sẽ chiếm 28% lực lượng nhân sự và chiếm thế đa số trên thị trường lao động vào năm 2030 – với tỷ lệ 48%. Khi đó, Gen Y sẽ chiếm 41% và Gen X chỉ còn 4%.

Nếu nhìn xa hơn nữa đến năm 2035, Gen Z sẽ bắt đầu chiếm đa số trong nhóm quản lý. Sau năm 2040, tức là 15 năm nữa, các bạn sẽ thống lĩnh nhóm điều hành doanh nghiệp”, bà Phương chỉ ra.

Với những dữ kiện trên, Talentnet cho biết các doanh nghiệp cần lên kế hoạch đào tạo, phát triển để Gen Z đón đầu, sẵn sàng nắm giữ những vị trí quan trọng trong tổ chức ở giai đoạn tới.

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học FPT từng đưa ra một góc nhìn khác. Tại một buổi tọa đàm với sinh viên do chương trình “Cơ Hội Cho Ai?” tổ chức năm ngoái, ông bày tỏ sự ủng hộ Gen Z nhảy việc.

Tôi nghĩ Gen Z bây giờ thực sự nên đổi chỗ làm sau 2-3 năm. Các bạn cũng nên suy nghĩ nghiêm túc về việc đổi nghề sau một số năm nào đấy, nếu cảm thấy nhàm chán, thất vọng. Điều này phải ủng hộ", ông Tiến nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Dương Long Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thắng Lợi cho rằng Gen Z có lợi thế về khả năng cập nhật, học hỏi công nghệ rất nhanh. Dẫu vậy, các bạn nên kiên định với một số mục tiêu cá nhân. Nếu nhảy việc hay thay đổi công việc thì cũng phải bám sát mục tiêu đã đặt ra.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM