Gặp chung 1 vấn đề này, lợi nhuận hàng loạt DN Việt Nam đã bốc hơi cả nghìn tỷ trong năm 2015

21/04/2016 09:21 AM | Kinh doanh

Năm 2015, khi Việt Nam phá giá tiền đồng, các doanh nghiệp đi vay ngoại tệ như yên Nhật hay USD ngay lập tức lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá, kéo theo lợi nhuận cả năm teo tóp.

Năm 2015 đã trôi qua được gần 4 tháng, phần lớn các doanh nghiệp trên thị trường đều đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh tới cổ đông, từ HOSE, HNX, UPCoM đến OTC... Trong đó, một hiện tượng ảnh hưởng chung đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, là yếu tố tỷ giá.

Khá nhiều doanh nghiệp dù hoạt động kinh doanh cốt lõi diễn ra tốt đẹp, doanh thu tăng trưởng nhưng kết quả lợi nhuận lại giảm mạnh so với năm trước. Nguyên nhân hầu hết xuất phát từ các khoản chi phí tài chính khổng lồ, mà cụ thể là các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá.

Lấy ví dụ như ở trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư có lẽ đã quá quen thuộc với mã PPC của Nhiệt điện Phả Lại, khi lãi lỗ của doanh nghiệp này nhảy nhót từng năm theo tỷ giá đồng yên Nhật.

Năm 2014, nếu như PPC lãi chênh lệch tỷ giá gần 600 tỷ đồng thì sang năm 2015 lại đảo chiều lỗ gần 300 tỷ đồng. Sự biến động này khiến lợi nhuận chung cả năm 2015 chỉ bằng khoảng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Sở dĩ có sự thay đổi như vậy, là do tỷ giá đồng JPY/VND giảm mạnh trong năm 2014 nhưng tăng vọt trở lại trong năm 2015 và hiện vẫn đang tăng tiếp trong năm 2016.


Tỷ giá JPY/VND giảm mạnh trong năm 2014 nhưng tăng trở lại từ giữa năm 2015 và đang tiếp tục đà tăng trong năm 2016

Tỷ giá JPY/VND giảm mạnh trong năm 2014 nhưng tăng trở lại từ giữa năm 2015 và đang tiếp tục đà tăng trong năm 2016

PPC đến cuối năm 2015 còn vay nợ dài hạn hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là khoản tiền được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho PPC vay lại nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) để đầu tư xây dựng Dự án nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2. Khoản vay này sẽ kéo dài đến năm 2028 và diễn biến lãi lỗ của PPC sẽ còn biến động theo đồng yên trong 12 năm tới.

Một doanh nghiệp khác trên sàn là NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng có diễn biến lợi nhuận chịu tác động lớn từ tỷ giá thế giới.

Tại ngày 31/12/2015, giá trị khoản vay dài hạn của NT2 bằng ngoại tệ là 123,6 triệu USD và 112,9 triệu euro, giảm khoảng 23 triệu USD và 21 triệu euro so với cuối năm trước.

Với lượng vay ngoại tệ lớn, NT2 lãi tỷ giá nếu đồng USD và euro xuống thấp, tiêu biểu là giai đoạn 3 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên sau đó, cả đồng euro và USD đều mạnh lên, khiến NT2 mất tới 400 tỷ đồng chỉ trong 2 quý II và III năm 2015.

Khoản lỗ tỷ giá trong quý II và quý III cũng khiến lợi nhuận NT2 bị kéo lại. Lãi sau thuế hết quý I đạt 503 tỷ đồng thì đến quý II chỉ lên được 622 tỷ đồng và quý III là 692 tỷ đồng. Mãi tới quý IV, khi NT2 bớt lỗ tỷ giá, lợi nhuận công ty mới tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhưng tổng kết năm vẫn không bằng năm 2014.


Tỷ giá EUR/VND giảm mạnh từ năm 2014 kéo sang đầu năm 2015, nhưng sau đó đã hồi phục trở lại

Tỷ giá EUR/VND giảm mạnh từ năm 2014 kéo sang đầu năm 2015, nhưng sau đó đã hồi phục trở lại

Không chỉ có các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, mà các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết cổ phiếu cũng phải nếm trái đắng trong năm vừa qua.

Viettel Global, "niềm tự hào toàn cầu" của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel là doanh nghiệp dấn thân đi phát triển mạng viễn thông tại các quốc gia trên thế giới, nơi mà thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. Để có vốn đầu tư, Viettel Global cần rất nhiều vốn và công ty đã thực hiện vay ngắn hạn và dài hạn tới gần 18.000 tỷ đồng, diễn giải bằng gần 40 khoản mục khác nhau trên báo cáo tài chính.

Viettel Global cho biết, nếu nếu tỷ giá đồng USD tăng 10% thì công ty sẽ lỗ ngay 1.145 tỷ đồng. Con số này có thể lên trên 1.200 tỷ đồng nếu các đồng tiền khác như Haitian, Mozambique, Cameroon... tăng giá. Thực tế, trong năm vừa qua, Viettel Global lỗ chênh lệch tỷ giá tới hơn 1.500 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ. Hệ quả là lợi nhuận của Viettel kỳ này chỉ đạt 500 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có thể kể thêm một doanh nghiệp quy mô khổng lồ cũng chịu lỗ tỷ giá, đó là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), khi công ty vừa công bố lợi nhuận năm 2015 bốc hơi gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2014.

Cho dù doanh thu tăng nhưng do đồng yên lên giá, chênh lệch tỷ giá của ACV từ lãi gần 1.500 tỷ đồng năm 2014 đã chuyển sang chịu lỗ 641 tỷ đồng năm 2015. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng giá trị các khoản vay bằng đồng yên Nhật của ACV là 70,6 tỷ đồng.

Sở dĩ các doanh nghiệp trải qua một năm đầy biến động về tỷ giá là bởi trong năm 2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thay đổi chính sách và phá giá tiền đồng.bằng cách tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 3%, kết hợp điều chỉnh lãi suất VND và lãi suất USD đồng thời mua bán ngoại tệ can t hiệp thị trường.

Vậy, sang năm 2016, liệu tỷ giá có còn "nhảy múa"?

Nếu như giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái, tỷ giá biến động mạnh khiến cơ quan quản lý phải bán ra một lượng ngoại tệ lớn để can thiệp thì 3 tháng đầu năm 2016, diễn biến tỷ giá hối đoái khá yên tĩnh, trong bối cảnh cung lớn hơn cầu. Từ giữa tháng 1, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Đồng thời, cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước bán 1 tỷ USD kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng.

Còn về phía yếu tố thế giới, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ số lần nâng lãi suất cho năm nay từ 4 xuống còn 2, trong khi các ngân hàng trung ương của Nhật và châu Âu vẫn giữ lãi suất ở mức thấp hoặc hạ thêm lãi suất. Cộng thêm các động thái kích cầu khiến các đồng tiền đều lên giá so với USD.

Nếu tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục ổn định, có thể kỳ vọng vào việc tỷ giá sẽ không quá biến động trong thời gian tới. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tỷ giá trong năm 2016 theo cách thức mới, linh hoạt hơn, với mục tiêu nhất quán và kiên định là ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM