Gánh bánh mì “độc lạ Bình Dương” của bà cụ 86 tuổi: “Ai không có tiền ngoại cho luôn để bà con ăn lót dạ"
"Bán 5 ngàn một ổ riết người ta nói ngoại bán rẻ quá, Tết rồi cái gì cũng lên, ngoại bán lên đi. Nhưng thôi kệ, có mình ngoại ăn à, ăn có bao nhiêu đâu con. Ngoại bán cho như vậy được rồi, cho bà con ăn, không có bán lên đâu", bà Sáu miệng cười móm mém.
Gánh bánh mì 5 ngàn của bà ngoại 86 tuổi: “Ít tiền cũng bán, không tiền ngoại cho luôn để bà con ăn lót dạ”
Gánh bánh mì "độc lạ", rẻ nhất Bình Dương
4h30 sáng, tiếng rôm rả chuyện trò của những người dân vang lên một góc đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn đầu dốc suối Cạn, phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương).
- Bà Sáu lấy con 1 ổ nữa, bỏ xíu mại nha Sáu.
- Để con tự làm luôn cho, ăn riết bánh mì của bà con ghiền luôn.
- Ở đây bán bánh mì 2 ổ có 10 ngàn à, bả 86 tuổi rồi đó, nhìn vậy chứ còn ngon (khỏe) lắm! Bà Sáu bả bán bánh mì 5 ngàn miết mà bả nhỏ con vậy á, chứ bán 5 ngàn rưỡi là bự hơn chút rồi!
Tờ mờ sáng, gánh bánh mì của ngoại Sáu đã rôm rả tiếng nói cười...
Tiếng cười đùa của những người dân lao động chốc chốc lại vang lên, tất cả đều vây quanh gánh bánh mì của bà Nguyễn Thị Ngang (86 tuổi, hay còn gọi là ngoại Sáu). Người mua 1 ổ, người lấy 2 ổ, người ngồi ăn tại chỗ, người xách mang về…, ai nấy đều nói cười vui vẻ.
Mấy chục năm qua, hình ảnh người bà còng lưng, đều đặn 4h sáng mỗi ngày quẩy gánh bánh mì đi bán đã trở nên quen thuộc với người dân lao động nghèo ở Bình Dương. Dù bánh mì của bà chỉ bán với giá 5 ngàn nhưng vẫn đầy đủ chả bì, xíu mại, rau dưa…, khiến không ít người bất ngờ.
"Bán 5 ngàn một ổ riết người ta nói ngoại bán rẻ quá, Tết rồi cái gì cũng lên, ngoại bán lên đi. Nhưng thôi kệ, có mình ngoại ăn à, ăn có bao nhiêu đâu con. Ngoại bán cho như vậy được rồi, cho bà con ăn, không có bán lên đâu", bà Sáu cười móm mém.
Theo ngoại Sáu, trước khi có dịch Covid-19, ngoại bán mỗi ổ 3 ngàn để bà con công nhân, lao động có cái ăn lót dạ. Sau hơn 1 năm nghỉ bán, vì vật giá leo thang, ngoại mới dám tăng giá bánh mì lên 4 ngàn rồi 5 ngàn như hiện tại. Hơn 40 năm cùng gánh bánh mì để mưu sinh, điều mà ngoại Sáu hạnh phúc nhất là có thể san sẻ gánh nặng bữa ăn sáng cho những người lao động nghèo.
Không ít lần có nhiều mạnh thường quân thấy ngoại Sáu bán cực khổ, ngỏ ý muốn mua hết tất cả số bánh mì còn lại để ngoại về nghỉ sớm nhưng bà không đồng ý. Bởi nếu bà bán hết thì các em học sinh, những người công nhân, lao động nghèo mất đi một bữa ăn sáng với giá bình dân.
Dù chỉ với 5 ngàn/ổ nhưng bánh mì ngoại Sáu vẫn đầy đủ thịt, chả...
"Mấy bả nói ngoại bán 5 ngàn không có lời. Ngoại nói có, có lời ngoại mới đi chứ không lời ngoại đâu có đi. Mọi người tội lắm, cứ kêu ngoại bán lên mà ngoại bán như vậy được rồi, lên gì. Nay ngoại bán nhiều, lời được cỡ trăm ngàn chứ lúc trước lời có mấy chục hà. Một mình ngoại ăn đâu có hết đâu con…", bà Sáu vui vẻ nói.
"Ai không có tiền ngoại cho luôn, nhiều lúc phải dí theo trả tiền thừa…"
Để chuẩn bị cho gánh bánh mì, ngoại Sáu phải thức dậy từ lúc 2h sáng. Sau khi chuẩn bị hết phần chả bì, nấu xíu mại, rau dưa, nước tương…, 4h ngoại lại quẩy gánh đi bộ 2km từ nhà ra chỗ dốc suối Cạn. Nhiều bữa gặp mưa lớn, ngoại Sáu phải lủi thủi đi về vì chủ lò không bỏ được bánh.
Với gần 100 ổ bánh mì, hôm nào đắt khách, ngoại bán đến tầm 6h30 là xong. Bán hết ngoại lại đi chợ để chuẩn bị nhân bánh cho ngày hôm sau. Nhiều lúc mệt mỏi, ngoại cũng tính nghỉ ngơi nhưng nghĩ đến những người công nhân, lao động nghèo cần bữa sáng rẻ, ngoại Sáu lại cố gắng, nào đi không nổi nữa mới thôi bán bánh mì.
"Ngoại mệt chứ, nhưng nghỉ tý là khỏe hà. Mệt mà vui, mấy đứa con cứ nói giờ má già rồi, má nghỉ đi. Mà bà nói thôi, má đi vầy mà má khỏe hơn ở nhà, ở nhà mệt thêm.
Bà hỏi con chứ ngồi nhà nhòm ra ngoài thấy mệt không? Đi ra ngoài còn nói chuyện với bà con đồ, như con hỏi còn nói chuyện, còn cười đùa. Ở nhà biết nói chuyện với ai. Con cháu bà nó đi mần hết tới chiều mới về, chiều về kế nó ăn rồi nó ngủ chứ có nói chuyện gì với mình đâu", bà Sáu tâm sự.
Theo ngoại Sáu, dù 3 người con liên tục năn nỉ bà nên nghỉ ngơi nhưng bà nhất quyết không chịu. Bà rất mừng vì các con cháu của bà đều hiếu thảo, dành sự quan tâm, chăm sóc cho bà ở cái tuổi xế chiều. Số tiền mà bà kiếm được từ gánh bánh mì, bà ăn một mình không hết. Vậy nên cứ thấy ai khó khăn, không có tiền ăn sáng, bà lại tặng miễn phí.
"Nhiều người không có tiền, ngoại cho luôn. Như chú hồi nãy á, ngoại không có lấy tiền, thấy tội, chú đó bệnh có mần được gì đâu mà có tiền.
Cũng có nhiều người đưa tiền dư cho ngoại, họ chạy luôn, ngoại dí theo mà không kịp để trả. Nói con nghe chứ họ kêu 2 ổ bánh mì 7 ngàn, thành có 14 ngàn mà đưa 50 ngàn rồi đi. Ngoại phải chạy theo để thối chứ, mà nhiều người vậy đó con, ăn rồi cứ cho thêm ngoại riết à", bà Sáu kể lại.
Nhiều người đưa tiền thừa cho ngoại Sáu, bà nhất định "dí" theo để trả lại
Mặc dù không muốn lấy tiền thừa của khách nhưng nhiều người mua bánh mì cứ nói ngoại cầm đi, nếu người nào khó khăn thì ngoại giúp đỡ lại cho họ. Thế là ngoại Sáu đành phải nhận thêm tiền thừa, gặp ai khó ngoại lại san sẻ lại. Ngoại kể có nhiều gia đình công nhân, tận 4-5 miệng ăn, nếu mua bánh mì 10 ngàn thì mỗi sáng ít nhất mất 40 ngàn. Ở đây ngoại bán có 20 ngàn/4 ổ, nhiều bữa ngoại bán luôn bánh mì 2 ngàn, chan tý nước rồi bỏ xíu chả bì để bà con ăn lót dạ.
"Năm nay thất nghiệp mà con, chưa Tết mà mấy ổng bả (công nhân) nghỉ cả rồi. Tết nay không có tiền ăn, con thấy thương không? Mọi năm làm riết tới Tết còn có tiền lãnh, năm nay nghỉ sớm quá thì làm gì có tiền.
Mấy ổng bả nói nghe tội lắm. Mai mốt bà chết rồi ai bán cho con ăn. Người không có tiền 2 ngàn ngoại cũng bán, bỏ dưa, chan nước tương rồi thêm chút chả bì cho thơm thơm", bà Sáu chia sẻ.
Có lẽ trong suốt mấy chục năm gắn bó với gánh bánh mì, điều ngoại Sáu cảm thấy hạnh phúc nhất là được thấy những người lao động nghèo có được một bữa sáng lót dạ. Bánh mì ngoại Sáu, 5 ngàn một ổ nhưng đầy đủ cả thịt chả, rau dưa… Và đặc biệt, ổ bánh mì còn chứa cả tấm lòng bao dung, nhân hậu của một người mẹ, người bà luôn nghĩ đến người khác, nhất là người lao động nghèo khó.
Những ngày cuối năm, ngoài trời se lạnh nhưng gánh bánh mì của ngoại Sáu vẫn ấm áp và đong đầy tình thương, sáng rực giữa một góc đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương từ tờ mờ sáng…