Gắn đinh vào đầu tôm xuất sang Nhật: "DN Việt không muốn mất uy tín đâu, nhưng không kiểm soát được"
Liên quan đến câu chuyện thủy sản xuất Nhật gặp khó do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, hay thậm chí gắn đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng, một doanh nghiệp xuất thủy sản sang Nhật chia sẻ: Không doanh nghiệp nào muốn mất uy tín, nhưng có nhiều vấn đề họ không kiểm soát được…
Tại một hội thảo về nông nghiệp mới đây, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ: Trên thị trường xuất khẩu, có một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu.
“Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm, kể cả gắn đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng”, TS. Doanh cho biết.
Kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang Nhật đã giảm từ năm 2014. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Chia sẻ về câu chuyện này, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nhật cho biết: Không doanh nghiệp nào muốn mất uy tín, nhưng có nhiều vấn đề họ không kiểm soát được.
“Không phải doanh nghiệp nào cũng khép kín được chuỗi sản xuất, tức đảm bảo được khâu nguyên liệu. Một doanh nghiệp để xuất khẩu tôm, họ phải đi mua tôm. Để kiểm tra chất lượng tôm họ có thể đi kiểm định được từng con tôm? Hay chỉ lấy mẫu tôm để kiểm định?”, ông Nguyễn Văn Khải – Thành viên HĐQT Công ty Thủy sản Bến Tre – nói.
Trong khi không nhiều doanh nghiệp khép kín được chuỗi sản xuất, việc tìm một doanh nghiệp cung ứng lại cực khó.
“Việt Nam không có những nông trại nuôi tôm cực lớn để các công ty xuất khẩu ký hợp đồng, nên họ buộc phải mua tôm qua thương lái. Thương lái lại gom tôm từ nông dân”, ông Khải kể.
Trong vô số những nông dân thương lái thu gom rất khó đảm bảo họ đều tuân thủ các tiêu chuẩn phía khách hàng nước ngoài đặt ra.
Việc bơm nước hay tạp chất vào tôm, thậm chí nhét đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng, chắc chắn chẳng doanh nghiệp nào làm. Nhưng với các khâu thu gom của thương lái và nhiều khâu khác, họ không thể kiểm soát được toàn bộ.
“Đó chính là rủi ro của ngành nông nghiệp Việt Nam khi chúng ta phát triển manh mún”, ông Khải nhận định.
Chuỗi cung ứng nông nghiệp phải là Doanh nghiệp – Doanh nghiệp chứ không thể là Doanh nghiệp – Nông dân
Với một doanh nghiệp cung ứng lớn, chữ tín của họ cực quan trọng. Nhưng với nông dân, lời lãi 100 đồng/kg cũng là nhiều.
“Mọi người cứ hỏi tại sao doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo không ký hợp đồng với nông dân để mua lúa gạo cho người dân. Câu trả lời là KHÔNG LÀM ĐƯỢC. Bởi với phần đông nông dân, lời 100 đồng/kg cũng là nhiều”, ông Khải giải thích.
Ví như doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký được với nông dân vào đầu vụ là 7.500 đồng/kg – mức giá có thể nông dân đã có lời. Nhưng cuối vụ, khi ngoài chợ bán 7.800 đồng/kg thì nông dân lại đòi phải 7.800 đồng/kg họ mới bán.
Trong khi đó, khi ký với nông dân 7.500 đồng/kg, doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu rồi. Việc đòi tăng giá này sẽ khiến doanh nghiệp vỡ kèo.
Ngoài ra, nếu là doanh nghiệp cung ứng lớn, ngoài việc phải giữ chữ tín, các doanh nghiệp này cũng rất khó lật kèo khi số lượng cung ứng trong một mùa vụ khá lớn. Trong khi đó, sản lượng sản xuất/nông hộ chỉ ở mức 10 – 15 tấn gạo, không khó tìm người mua.
“Câu chuyện sản xuất hàng hóa để tạo được chuỗi cung ứng phải là Doanh nghiệp - Doanh nghiệp, chứ Doanh nghiệp - Nông dân không làm được!”, đại diện Thủy sản Bến Tre khẳng định.