Có DN Việt gắn đinh vào đầu tôm xuất khẩu sang Nhật để tăng trọng lượng

15/07/2016 11:05 AM | Kinh tế vĩ mô

Thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, thậm chí nhét đinh và đầu tôm để tăng trọng lượng, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Một bộ phận nông dân đang tự làm hại mình và làm hại nông dân cả nước, TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế - chia sẻ tại hội thảo nông nghiệp an toàn: “Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức sáng 15/7.

Trên thị trường trong nước, lạm dụng chất tạo nạc của các trại nuôi heo, việc lạm dụng hóa chất độc hại để thúc đẩy quá trình sinh trưởng hay làm chín trái cây làm mất niềm tin của người tiêu dùng, đẩy người tiêu dùng đi tìm kiếm nông sản nhập khẩu.

Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa nhanh như vậy”, PGS.TS Vũ Đình Hòe – Phó TBT VnEconomy - nhắc lại lời của một đại biểu Quốc hội khi nói về thực trạng nông sản Việt Nam.

“Với chất lượng nông sản hiện nay, chúng ta không ăn thì chết mà ăn thì chết từ từ”.

Trong khi đó, trên thị trường xuất khẩu, có một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu.

“Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm, kể cả nhét đinh và đầu tôm để tăng trọng lượng”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.

Ở đây, “con sâu không chỉ làm rầu nồi canh” mà còn phá hỏng thương hiệu quốc gia khi phía Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm.

Ông Doanh khuyến nghị: Để hạn chế thiệt hại, các cơ quan chức năng của Nhà nước, các hiệp hội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thanh tra, trừng phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật, gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng và làm mất uy tín của nông sản nước nhà.

Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do với 57 nền kinh tế. Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (Sanitary and Phytosanitary Standard – SPS) như dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, cũng như những yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch…

Nếu không đáp ứng được những yêu cầu rất cao đó, nông sản Việt Nam sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu mà các FTA đã mở ra.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, trong số đó có hàng trăm nghìn người bị chết vì nguyên nhân thực phẩm không an toàn.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… còn xuất hiện, tồn dư trong thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm.

“Con số thống kê ngộ độc thực phẩm cho thấy số vụ và số người bị ngộ độc không giảm trong những năm gần đây mà còn có dấu hiệu gia tăng”, ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cho biết.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM