Gần 5.000 tỷ đồng cho giãn dân phố cổ, nhưng xây xong... không ai ở

23/06/2023 07:53 AM | Xã hội

Tại TP Hà Nội, gần 5.000 tỷ đồng cho đề án giãn dân phố cổ, nơi ở mới đã xây xong cả chục năm nhưng không ai ở, cỏ dại mọc cao, rác thải vứt bừa bãi...

1/4 thế kỷ di dân phố cổ vẫn dở dang

Đã 25 năm đề án di dân phố cổ của TP Hà Nội vẫn đang dở dang. Việc di dân là bởi lẽ, theo Tổng điều tra dân số lần thứ 5, mật độ dân số tại khu phố cổ là gần 40.000 người/km2, con số này gấp 138 lần mật độ dân số toàn quốc theo. Theo kế hoạch, khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, tương đương khoảng 27.000 người. Điều đáng nói, nơi ở đã xây xong nhưng lại không có người đến ở.

Ghi nhận 5 block nhà chung cư với quy mô cả nghìn căn hộ được xây dựng từ 2012, trên vị trí 30ha đất vàng, bám mặt đường Lý Sơn, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Cỏ dại mọc cao lút đầu người, rác thải vứt bừa bãi… Lối vào hầm để xe tại các tòa nhà đã được bịt kín bằng tôn. Cửa chính của các tòa nhà luôn trong tình trạng khóa chặt. Nhiều hạng mục đã xuống cấp, vỡ nát, nhếch nhác. Dự án phục vụ việc giãn dân phố cổ giai đoạn 2 này hoàn thành hạ tầng tới giờ đã 10 năm vẫn không có người về ở.

"Không biết vì cái lý do gì mà người ta không về ở chứ còn những cái tòa nhà như này cũng là điều mơ ước của rất nhiều người dân bình thường. Một sự lãng phí quá lớn cho xã hội", ông Hoàng Quốc Phương, Tổ 11, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội cho biết.

Gần 5.000 tỷ đồng cho giãn dân phố cổ, nhưng xây xong... không ai ở - Ảnh 1.

Chính quyền cấp cơ sở cũng rơi vào tình cảnh bị động trong quản lý bảo trì tài sản hạ tầng. Càng khó hơn khi chính người dân của quận Long Biên thì phải di dời đi tái định cư ở quận huyện ngoại thành khác, trong khi quỹ nhà tái định cư ngay địa bàn quận vẫn bỏ không.

"Gọi là nghịch lý cũng được. Khi các tòa nhà tái định cư theo danh sách tái định cư của các hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội thì đã được giao tuy nhiên các hộ dân chưa về. Như vậy chúng ta có thể khẳng định một phần là các hộ dân được giao tái định cư cũng đã có các khu nhà ở khác hoặc tự lo chỗ ở.

Việc người dân trên địa bàn quận Long Biên có quỹ nhà chưa sử dụng nhưng lại được giao đi tái định cư ở một địa bàn khác. Đây là ý kiến người dân trên địa bàn và chúng tôi phải giải thích rất nhiều", ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, TP Hà Nội cho biết.

Thà sống khổ chứ không ở tái định cư

Những hình ảnh vừa rồi cho một cảm giác rất xót xa và đáng tiếc khi những khối nhà có vẻ ngoài khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng trên khu đất vàng bám mặt đường lại vắng bóng người, bỏ hoang nhiều năm. Nó trái ngược hoàn toàn với những hình ảnh về cuộc sống của người dân trong diện giãn dân phố cổ. Những người mà nhiều năm "tam đại đồng đường", "tứ đại đồng đường" nhiều thế hệ trong một gia đình sống chen chúc ngột ngạt trong những căn hộ vẻn vẹn hơn chục m2.

Như tại số nhà 24 trên phố Hàng Buồm, con hẻm hun hút nhỏ chỉ vừa một người đi, tối tăm ngày cũng như đêm, nếu không bật điện, sẽ chẳng thấy lối đi. Đó là đặc trưng của ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà nhỏ nơi phố cổ giữa lòng TP Hà Nội. Dù sống khổ nhưng sẽ không di dời khỏi khu phố cổ.

Ngược lại có những hộ gia đình phải chen chúc trong các con ngõ nhỏ như gia đình chị Tiệp, thoát khỏi điều kiện sống ngột ngạt bí bách này là điều mà họ mong mỏi từng ngày.

"Ở đây em chịu, em cũng muốn giải phóng lắm", chị Tống Ngọc Tiệp, Số 24 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội nói.

Gần 5.000 tỷ đồng cho giãn dân phố cổ, nhưng xây xong... không ai ở - Ảnh 2.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách - công ty luật Hồng Bách và Cộng sự, công tác quy hoạch tái định cư cho người dân phố cổ là quan trọng nhất (Ảnh minh hoạ)

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách - công ty luật Hồng Bách và Cộng sự, đây là một dự án lớn, di dân rất khổng lồ cho nên UBND TP Hà Nội - tức chủ đầu tư đã phải xây dựng trên cơ sở một dự án được lập trình từ các cơ quan có chức năng và nghiên cứu các vấn đề, trong đó có vấn đề đời sống, nhu cầu về dân sinh.

"Đã là một dự án có quy hoạch ở tầm nhìn xa, có những dự án đến mấy chục năm. Thực tế dự án này đã mấy chục năm rồi. Do đó phải tính toán tất cả các vấn đề từ câu chuyện tự nguyện, vận động người dân cho đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Nếu không thì không thể "chiều" tất cả những vấn đề của người dân đưa ra", ông Bách cho biết.

Luật sư Bách nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là quy hoạch từ ban đầu đã phải tính tất cả, chứ không phải nhìn thấy thực tại là đang tồn tại bất cập mà quay sang đưa ra các biện pháp để làm chế tài cho người dân thì sẽ không thuyết phục được người dân.

Theo Luật sư Bách, nhìn trên thực tế là hoang phí, lãng phí nên cần có giải pháp chứ không thể mãi việc người dân không đi thì không biết đến bao giờ mới thực hiện.

"Giải pháp thì UBND TP Hà Nội phải đưa ra trên cơ sở ý kiến của người dân, trên cơ sở xem xét lại dự án cũng như trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật", Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết.

Nhà xây xong nhưng không có người ở, lại chọn ở những không gian chật hẹp, khó khăn. Ngoại trừ các yếu tố nội tại là thói quen sinh hoạt vốn có của người dân thì còn là những cơ chế trong có những bất cập trong việc đền bù, đảm bảo lợi ích và ổn định cuộc sống của người dân mới là vấn đề chính.

Và đây cũng không phải là dự án di dời dân bất thành duy nhất hiện nay, bởi hàng nghìn căn hộ tái định cư tại quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cũng đang bỏ không. Hay tại TP Hồ Chí Minh cũng có khu tái định cư ở Bình Chánh rồi Thủ Thiêm... với các khu căn hộ nghìn tỉ bỏ hoang.

Trách nhiệm thuộc về ai thì quy định pháp luật đã có, nhưng rõ ràng, đây là một sự lãng phí tiền ngân sách Nhà nước. Mà ngân sách được đóng góp từ những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân.

Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM