FPT Shop sẽ làm gì khi thị trường bán lẻ bước vào giai đoạn bão hòa?
Thay vì tiếp tục mở rộng quy mô, trọng tâm phát triển của FPT Shop sẽ chuyển sang cải thiện dịch vụ, tài chính tiêu dùng và eCommerce.
Các nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu ngành bán lẻ sắp tới sẽ có thêm lựa chọn khi CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) chuẩn bị được niêm yết. Theo kế hoạch mới được công bố, FPT Retail sẽ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu nâng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng và đặt mục tiêu niêm yết trước ngày 30/04 năm sau.
Sở hữu chuỗi cửa hàng lớn thứ 2 Việt Nam về quy mô, FPT Retail được kỳ vọng sẽ trở thành một cổ phiếu “hot”, tương tự những gì mà Thế giới Di động đã làm được khi cổ phiếu MWG được niêm yết. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành bán lẻ công nghệ đang bước vào giai đoạn bão hóa, chiến lược phát triển của FPT Retail sẽ là động thái được nhiều nhà đầu tư quan tâm trước khi quyết định “xuống tiền”.
Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, đại diện FPT Retail cho biết, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kép trong ngắn hạn, đơn vị này sẽ triển khai đồng thời nhiều chiến lược kinh doanh mới đối với chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện hữu. Trong đó, việc mở mới cửa hàng sẽ không còn là chiến lược trọng tâm kể từ năm 2019, thay vào đó là 3 chiến lược kinh doanh trọng điểm mới để tăng doanh thu mỗi cửa hàng.
Ở chiến lược đầu tiên, FPT Retail cho biết sẽ tập trung cải thiện dịch vụ khách hàng để tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tại các FPT Shop. Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC), chiến lược thuyết phục khách hàng “móc hầu bao” sẽ là một trong những động lực cải thiện doanh thu cho mỗi cửa hàng FPT Shop.
Theo công bố của FPT Retail, trong vòng 2 năm kể từ 2015, chuỗi này đã tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng dịch vụ từ 17% lên 34%.
Trong đó, dù tỷ lệ thăm cửa hàng được giữ nguyên ở 67% nhưng FPT Shop đã cải thiện rõ rệt tỷ lệ khách hàng mua sản phẩm trên số khách đến, từ 24% lên 44%. Hay nói cách khác cứ 100 khách hàng đến FPT Shop thì 44 người tạo doanh thu.
Điều này sẽ cải thiện phần nào bức tranh hoạt động của FPT Shop, cũng như của ngành bán lẻ hiện tại khi doanh thu cửa hàng và doanh thu trên diện tích sàn ngày càng giảm vì tốc độ mở rộng quá nhanh.
Theo phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, dù dẫn đầu các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam về doanh thu trên mỗi mét vuông cửa hàng, nhưng con số 15.000 USD của FPT Shop đang chịu ảnh hưởng lớn bởi số lượng cửa hàng mọc lên dày đặc.
Ngoài việc đẩy mạnh tỷ lệ khách hàng chịu “móc hầu bao”, FPT Shop cũng dự kiến sẽ gia tăng doanh thu thông qua việc mở rộng tập khách hàng thông qua chính sách tài chính tiêu dùng theo hướng mới. Theo đó, FPT Retail đã ký hợp đồng với các công ty để nhân viên các công ty này mua sản phẩm trả góp bằng lương tháng.
Hoạt động liên kết với ngân hàng để cho vay tiêu dùng đã được nhiều chuỗi điện máy triển khai từ năm 2010, tuy nhiên phần lớn vẫn chủ yếu là thông qua bên thứ 3 cung cấp tài chính. Điều này có ưu điểm là thu hút thêm lượng khách hàng mới có nhu cầu nhưng chưa đủ về “ngân sách” chi tiêu, song đây bản chất vẫn là chiến lược khá thụ động.
Kênh bán hàng mới của FPT Retail khi tiếp cận chủ động với tập khách hàng mới được VDSC đánh giá là tương đối tiềm năng. Kênh bán hàng này đã được triển khai từ đầu năm 2017, ghi nhận gần 20.000 đơn hàng và đóng góp 4% doanh thu của FPT Retail. “Việc kết hợp trực tiếp với người mua mà không thông qua các tổ chức tài chính (như công ty tài chính) sẽ mở ra nhiều tiềm năng tăng trưởng doanh số cho FPT Retail, tuy nhiên cũng có thể mang lại nhiều rủi ro trong hoạt động thu tiền trả góp”, VDSC nhận định.
Chiến lược cuối cùng được đề cập là nhắm vào thị trường eCommerce. Đối thủ của FPT Retail - MWG cũng đặt nhiều kỳ vọng vào đóng góp từ hoạt động bán hàng online năm 2017 khi đặt kế hoạch tăng gần gấp đôi doanh thu cho mảng này và kỳ vọng tỷ trọng doanh thu online chiếm tới 10,5% tổng doanh thu kế hoạch 2017.
Với 650.000 lượt truy cập website mỗi ngày và số lượng người theo dõi trên mạng xã hội đạt trên 2 triệu, FPT Retail đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu online trong cơ cấu doanh thu lên 14,3% trong 3 năm tới. Theo đánh giá của VDSC, mạng lưới bán lẻ dày đặc của FPT Shop cho phép chuỗi này mang lại trải nghiệm tích cực cho khách hàng online và kỳ vọng hoạt động eCommerce này sẽ trở thành nhân tố quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.
Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC), doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay của FPT Retail lần lượt đạt 13.900 tỷ đồng và 291 tỷ đồng. Dù 9 tháng đầu năm mới hoàn thành 60% kế hoạch, nhưng biên lợi nhuận kinh doanh các dòng điện thoại “siêu phẩm” và mùa mua sắm cuối năm nhiều khả năng sẽ giúp công ty cán hoặc vượt chỉ tiêu.