Bắt tay với tập đoàn Nhật Bản, FPT đem công nghệ thử nghiệm xe không người lái ứng dụng vào phân tích dữ liệu chứng khoán

06/12/2017 16:00 PM | Kinh doanh

Ông Trương Gia Bình bày tỏ sự xúc động trong buổi lễ ký kết hợp đồng với Daiwa, vì khác với các hợp đồng trước đó chỉ về phát triển phần mềm, hợp đồng lần này với đối tác Nhật là về R&D.

CTCP FPT và Viện Nghiên cứu Daiwa (Daiwa Institute of Research – DIR), thành viên của Daiwa Security, Công ty Chứng khoán lớn thứ hai Nhật Bản, vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT – rất xúc động trong lễ ký kết.

“Đây là một hợp tác vô cùng quan trọng và đáng ghi nhớ với DIR. Vì đây là hợp đồng khác với các hợp đồng mà chúng tôi từng có. Thông thường chúng tôi ký các hợp đồng phát triển phần mềm, nhưng lần này là nghiên cứu và phát triển. Đây là dấu mốc đánh giá thành công của FPT trong việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ”, ông Bình cho biết.

Với ký kết này, ông Trương Gia Bình bày tỏ mong muốn cùng DIR thâm nhập vào thị trường tài chính Myanmar.

“Myanmar có thể cởi mở hơn quản lý tài chính và họ là nước xây mới từ đầu và có thể họ sẽ thoáng hơn. Làm được ở Mynamar sẽ mở ra cơ hội ứng dụng trong ngành tài chính ngân hàng và mang lại hiệu quả lớn hơn rất nhiều”, ông Bình nói.

Theo thỏa thuận ký kết, dựa trên thế mạnh riêng, hai bên sẽ cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển và cung cấp các giải pháp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao dựa trên 4 công nghệ gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa quy trình dựa trên trí tuệ nhân tạo (RPA), nhận diện hình ảnh và phân tích dữ liệu theo thời gian thực và Blockchain.

Cụ thể, trong mảng công nghệ AI, hai bên sẽ cùng nghiên cứu phát triển dịch vụ chatbot cho các tập đoàn Nhật Bản. FPT sẽ cung cấp hạ tầng công nghệ dịch vụ chatbot và DIR sẽ cử các chuyên gia công nghệ sang Việt Nam hỗ trợ phát triển các công cụ và quy trình cho dịch vụ chatbot sử dụng ngôn ngữ tiếng Nhật. Hiện dịch vụ chatbot của FPT đang hỗ trợ hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh.

Trong mảng công nghệ RPA (công nghệ tự động hóa quy trình dựa trên trí tuệ nhân tạo), hai bên sẽ cùng nghiên cứu phát triển các hệ thống tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ đa giao diện đáp ứng linh hoạt nhu cầu của khách hàng.

Hai bên cũng sẽ cùng hợp tác để ứng dụng công nghệ nhận diện hình ảnh và phân tích dữ liệu theo thời gian thực đã được FPT thử nghiệm thành công trong lĩnh vực xe tự hành để đưa ra một số ứng dụng mới trong lĩnh vực tài chính để phân tích các dữ liệu chứng khoán.

Việt Nam hiện đang đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di dộng trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới và khoảng 52% dân số sử dụng Internet.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM