Founder "trà đá" Icetea: Từ cậu sinh viên bỏ ngang đại học đến 18 năm miệt mài làm công nghệ, đưa blockchain ra "ánh sáng"
Trương Hồng Thi thi đỗ vào khoa Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng bỏ học sau một năm rưỡi. Sau khoảng thời gian tìm việc khó khăn, rồi dành cả thanh xuân để tăng ca, Thi quyết định tự đi con đường riêng. Với "đứa con" Icetea, anh mong muốn đưa công nghệ blockchain ra "ánh sáng", phục vụ những điều tích cực.
"Rồi một ngày tôi nhận ra mình phải đi làm"
"Tôi thi đỗ vào khoa Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng mới học được một năm rưỡi thì bỏ. Không phải giống như Bill Gate bỏ học để lập công ty đâu mà vì tôi lười đi học nên nhà trường cũng cho nghỉ luôn", Trương Hồng Thi vừa cười vừa kể lại "chiến tích" một thời tuổi trẻ của mình. Anh là founder và CEO của Icetea - startup về blockchain vừa được một công ty công nghệ lớn khác rót vốn cách đây không lâu.
Cậu sinh viên dành suốt 2 năm ở nhà, vẫn nhận tiền chu cấp từ bố mẹ, ngủ từ sáng đến trưa, chiều đi uống trà đá, "chém gió" và lập trình "chơi chơi". Đến khi các bạn cùng trang lứa tốt nghiệp, bố mẹ anh mới nhận ra con mình đã nghỉ học. Cùng lúc ấy, chàng trai cũng nhận ra đã đến lúc phải đi xin việc.
Anh Trương Hồng Thi - founder Icetea.
Như bao người, Thi rải đơn khắp nơi. Nhưng vì thân hình gầy gò, cao 1m76 mà chỉ nặng 47kg, lại còn bỏ học, nên hầu như chàng trai chỉ nhận được cái lắc đầu.
"Có lần xin việc tại một công ty ở đường Đê La Thành (Hà Nội), khi phỏng vấn xong, họ bắt tay và còn vờ làm động tác kéo tay áo tôi lên xem có vết chích nào không. Một lần khác, nhà tuyển dụng thấy tôi có vẻ lông bông, lo sợ tôi làm vài hôm lại nghỉ".
May mắn, cuối cùng anh cũng được nhận vào làm tại một công ty công nghệ nhỏ. Chàng trai gắn bó một năm rưỡi, rồi chuyển sang làm việc tại FSOFT - thành viên trong hệ sinh thái của FPT.
Thi dành cả thanh xuân, suốt từ 2005 đến 2016 tại FSOFT, chủ yếu làm gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Hai năm sau đó, chàng trai sinh năm 1981 nghỉ xả hơi, trước khi gia nhập Kyber Network - startup về blockchain có tên tuổi tại Việt Nam.
"Hồi ấy bitcoin nổi lên, tôi đi uống trà đá mà thấy ai cũng bàn luận. Cùng lúc đó, Kyber nhanh chóng nổi lên nhờ huy động được 52 triệu USD chỉ trong vài giờ, tôi cũng lấy làm tò mò. Tình cờ công ty đang tuyển những người có kinh nghiệm để giúp quản lý dự án và hỗ trợ các quy trình khác nên tôi ứng tuyển vào làm thử.
Tôi thấy blockchain có ý nghĩa nhưng đến hiện tại vẫn chỉ áp dụng chủ yếu trong giới coin (tiền ảo), rất hẹp, chưa ứng dụng nhiều trong thực tiễn".
Vậy là anh nghỉ việc, tự lập công ty riêng, theo đuổi một hướng đi riêng.
Startup "trà đá" làm công nghệ 4.0
Blockchain là một công nghệ rất "hot" và phức tạp, có thể hiểu đơn giản như thế nào? Thi lý giải:
"Ví dụ để bảo vệ tiền của mình, bạn có 2 cách cơ bản nhất là giữ tiền trong két sắt hoặc gửi ngân hàng. Khi gửi ngân hàng, đó là tiền của bạn nhưng chịu sự quản lý của ngân hàng - bên trung gian. Đồng thời, khi muốn giao dịch hay có quyết định nào liên quan đến số tiền đó, bạn đều phải thông qua trung gian này. Họ có những quyền nhất định đối với tài sản và thậm chí sử dụng số tiền này với mục đích mà bạn không hề mong muốn. Cách thứ hai là dùng két sắt, bạn nắm toàn quyền với số tiền đó nhưng phải giữ chìa khoá két.
Trong khi đó, blockchain là công nghệ giúp mình giữ được tiền như trong két sắt, toàn quyền với nó mà không cần qua trung gian và không chịu sự quản lý của ai. Bạn chỉ cần nhớ chiếc "key" ảo của mình".
Đối với những tài sản khác như dữ liệu, điểm thưởng... cũng vậy, khi được mã hoá và quản lý bằng blockchain thì không ai có thể can thiệp hay thay đổi, nhờ đó ngăn chặn được những hành vi xâm phạm từ bên ngoài. Các hợp đồng cũng có thể được đưa lên blockchain (thường gọi là "hợp đồng thông minh"), và được đảm bảo thực thi một cách toàn vẹn. Nói cách khác, thay vì đặt niềm tin vào con người, chúng ta đặt niềm tin vào công nghệ, từ đó tự quản lý và loại bỏ trung gian.
Nhưng cũng chính bởi đặc tính trên mà blockchain tạo nên gánh nặng cho người dùng khi họ buộc phải nhớ chiếc "key" ảo của mình, vì đây là cách duy nhất để chứng minh tài sản đó là của bạn. Đồng thời, công nghệ này khá cứng nhắc, một khi đã lập trình sai thì sẽ sai mãi, không thể sửa.
Mặt khác, khi dùng blockchain để viết các ứng dụng thông thường thì tốc độ xử lý của nó rất chậm. Ví dụ, nếu dùng Ethereum để viết ứng dụng nhắn tin thì có khi mất vài phút mới nhận được tin mà chi phí còn rất đắt đỏ. Vì thế, trên thực tế, những lợi ích mà blockchain mang lại khó nhận biết, nhưng phiền phức thì thấy rõ.
Theo anh Thi, hoặc rủi ro từ bên trung gian càng lớn hoặc tài sản càng có giá trị thì càng nên dùng công nghệ blockchain, ví dụ như tiền, vàng, hay thông tin cá nhân, dữ liệu hồ sơ y tế, thông tin nguồn gốc thực phẩm nông sản,... bởi đó là những thông tin có giá trị và cần bảo vệ.
Đưa blockchain ra ngoài "ánh sáng"
Vì anh em cộng sự hay ngồi tán gẫu bên ly trà đá, nên Thi đặt luôn tên công ty của mình là "Icetea". Nếu như đa số blockchain khác hiện tập trung vào những lĩnh vực "xám" trong một cộng đồng crypto (tiền ảo) nhỏ hẹp thì Icetea Platform hướng tới việc đưa công nghệ này đến người dùng phổ thông và các lĩnh vực "sáng" hơn.
Một ví dụ đơn giản về việc ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tiễn: VinID và Grab đều có tính năng tích lũy điểm thưởng cho khách hàng. Giả sử hai bên muốn thỏa thuận cho phép khách hàng quy đổi điểm thưởng với nhau. Nếu theo hình thức bình thường, Grab và VinID cần thỏa thuận, ký cam kết và các lập trình viên phải thực hiện đấu nối phức tạp. Tuy nhiên, khi quản lý bằng blockchain,, việc trao đổi giữa các loại điểm thưởng rất dễ dàng và tự nhiên, theo những quy định được định nghĩa bằng hợp đồng thông minh. Trên thực tế, điều này có thể giúp các bên liên minh với nhau, tạo thêm tiện ích cho khách hàng.
Ứng dụng TeaWork
Bên cạnh đó, có thể ứng dụng blockchain vào một phần nhất định trong một ứng dụng. Đó cũng là cách Icetea Platform đang tạo ra các app của mình.
Thi cho biết công ty chuẩn bị ra mắt một ứng dụng có tên TeaWork, giúp các startups, SMEs quản lý việc chấm công, book phòng,... một cách đơn giản và mang lại niềm vui cho nhân viên thay vì miễn cưỡng như trước kia.
"Trên ứng dụng này, chúng tôi tạo một đồng tiền ảo dùng cho nội bộ công ty, gọi là "Gold". Các sếp có thể dùng nó để khen tặng mọi người, hoặc nhân viên tặng cho nhau. Những đồng "Gold" có thể sử dụng trong căng-tin của công ty, quẹt để mua bánh kẹo, thẻ điện thoại,... từ đó tạo ra môi trường năng động, vui vẻ, thay vì khiến nhân viên thấy áp lực, nhàm chán vì bắt buộc phải cài đặt ứng dụng và khai báo. Trong trường hợp này, đồng "Gold" và thông tin cá nhân của nhân viên là tài sản và được quản lý bằng blockchain".
Thi hướng đến xây dựng Icetea Platform trở thành nền tảng cho phép các nhà phát triển tạo ra những ứng dụng "bình thường" đến mức người dùng không nhận ra rằng nó đang sử dụng blockchain. Mục tiêu cuối cùng của anh là đưa những lợi ích của công nghệ đến đại chúng, phục vụ những điều tích cực.
Làm startup căng thẳng nhất là cuối tháng
Một thống kê gần đây cho thấy 80% startups không có cơ hội đón sinh nhật lần thứ 2. Đáng mừng là Icetea nằm trong 20% còn lại. Nhưng làm startup chưa bao giờ dễ, Thi cũng trải qua không ít áp lực, và căng thẳng nhất là mỗi dịp cuối tháng.
"Các startup thường được một số nhà đầu tư rót vốn nhưng khoản tiền đó hết nhanh lắm. Đơn cử như Icetea hiện có khoảng 20 nhân viên, tổng tiền lương mỗi tháng đã hết khoảng 500 triệu đồng, nếu chỉ dựa vào vốn được đầu tư thì chỉ vài tháng sẽ hết, mà quay đi quay lại chưa làm được gì.
Ở công ty, vấn đề tiền bạc luôn khiến tôi đau đầu nhất, lúc nào cũng áp lực vì nếu bị tắc dòng tiền thì không có gì trả lương cho anh em. Chúng tôi cũng phải làm thêm việc bên ngoài để kiếm thêm nguồn thu, lấy tiền nuôi bộ máy".
Ấy vậy mà Thi vẫn thấy thoải mái hơn nhiều so với những đi làm thuê trước kia.
"Trước đây khi làm gia công phần mềm, có khoảng thời gian tôi thường xuyên stress vì công việc, có những ngày phải ở lại công ty đến 10h đêm trong suốt 6 tháng đến một năm, sức ép rất kinh khủng, thậm chí phải làm tới sáng. Ngày ấy tôi chẳng biết trời đất là gì, người cứ ngơ ngơ. Startup thì không đến mức như vậy, điều quan trọng trong thời điểm ban đầu là làm sao để anh em sống được, giữ được năng lượng, để mọi người tin vào startup và giữ vững tầm nhìn".
Đầu năm 20201, Icetea đón nhận tin vui khi được Rikkeisoft đầu tư. Đây là một công ty công nghệ của người Việt khá có tiếng tại thị trường Nhật Bản. Theo đó, Rikkeisoft sẽ hỗ trợ nguồn lực giúp Icetea Platform thâm nhập vào thị trường Nhật Bản cũng như phát triển hệ sinh thái trên nền tảng Icetea Platform.