FLC Group rót gần 20 nghìn tỷ, Sungroup, BRG khởi động…và loạt đại gia khác bắt đầu đổ bộ vào vùng đất nhiều tiềm năng này
Tập đoàn FLC hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất ở Thanh Hoá với hơn 10 dự án, tổng mức đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Thời gian tới, sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân khác rót vốn vào vùng đất này như Sungroup, BRG…
“Cách đây 3 năm, theo lời mời của tỉnh Thanh Hoá, FLC đã quyết định đến đây tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đứng trước 4km bờ biển Sầm Sơn hoàn toàn vắng lặng, hoang sơ, hầu hết là đầm lầy, chỉ có rất ít hộ gia đình sinh sống, nhiều người đã can ngăn chúng tôi thực hiện đầu tư. Nhưng nay, chúng tôi hiện đang là nhà đầu tư trong nước lớn nhất tỉnh, với hơn 10 dự án, tổng mức đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng, mà tiêu biểu là dự án FLC Sầm Sơn rộng 200ha, hiện đang diễn ra Hội nghị ngày hôm nay.
Chỉ sau chưa đầy 1 năm thi công liên tục 24/24 giờ, giải ngân hơn 5.500 tỷ đồng, hẳn tất cả quý vị đã tận mắt được chứng kiến sự lột xác của vùng đầm lầy này. Với hơn 1.000 phòng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao, cùng nhiều tiện ích cao cấp trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf dạng links…”
Đó là những bộc bạch của ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC với hơn 1200 nhà đầu tư, khách mời về cơ hội và kinh nghiệm đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thanh Hoá diễn ra tối ngày 18/5.
Ông Quyết chia sẻ, khi mới đến Thanh Hóa đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến nói với ông, có nhiều DN thể hiện ý định đầu tư vào Thanh Hóa, tỉnh hết sức tạo điều kiện nhưng đều rút lui. Thanh Hóa hy vọng Tập đoàn FLC biến những lời hứa của mình trở thành hiện thực. Và ông hiểu những lời nói đó đã thể hiện sự quan tâm của đồng chí Trịnh Văn Chiến không chỉ thể hiện sự quan tâm lớn đối với dự án, mà đồng thời phần nào “tạo áp lực” cho FLC, thì công ty mới gặt hái được thành quả như ngày nay.
Có thể thấy, nhìn vào những cơ sở lưu trú đạt chuẩn 5 sao, những khu nhà phố khang trang, đường bờ biển Sầm Sơn rộng lớn, sạch đẹp…với các nhà hàng, quán bar hiện đại nằm san sát, thực sự Sầm Sơn đã khác xưa rất nhiều, thay đổi hẳn diện mạo đô thị kể từ khi có dự án của FLC, và dường như Sầm Sơn đang tiếp tục thay đổi từng ngày với nhiều dự án lớn sắp được đầu tư, chờ đón là một thành phố biển.
Trước hơn 1200 nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra thông điệp rõ ràng cho định hướng phát triển của tỉnh với 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây cũng là các lĩnh vực tỉnh này rất có tiềm năng để đầu tư.
Bên cạnh đó, để tạo đà bức phá, Thanh Hoá cũng đã thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không hết sức thuận lợi, có cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào. Sắp tới sẽ đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn…
Được biết, tuyến đường bộ ven biển sẽ do liên danh là tập đoàn xây dựng Miền Trung và Tập đoàn đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi triển khai, có tổng mức đầu tư lên tới 7.500 tỷ.
Vì thế, không chỉ có FLC mà nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân khác cũng đang xem Thanh Hoá là vùng đất mới nhiều triển vọng đầu tư. Những bản cam kết, ghi nhớ, những quyết định chủ trương đầu tư đã được ký kết ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Trong đó, ở lĩnh vực bất động sản, có thể thấy sự xuất hiện và hé lộ khá nhiều tên tuổi lớn. Đáng chú ý đó là bản nghi nhớ được ký kết giữa tỉnh Thanh Hoá với một loạt “ông lớn địa ốc như 3 dự án của tập đoàn Sungroup, đó là Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng; dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp kết hợp du lịch biển Sông Đơ kết hợp du lịch biển tại thành phố Sầm Sơn với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.000 tỷ đồng và dự án khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2.000 tỷ đồng.
BGR cũng đã tính chuyện rót nghìn tỷ vào Thanh Hoá với bản ghi nhớ sẽ đầu tư 7.737 tỷ đồng đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện Quảng Xương; Hay như tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) cũng đã ký kết bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hoá xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở Nghi Sơn quy mô 5.000-20.000 xe 5-7 chỗ/năm, vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD…
Nhiều đại gia bất động sản khác cũng đã bắt đầu tính chuyện làm ăn ở Thanh Hoá. Họ được cấp phép đầu tư nhiều dự án BĐS quy mô lớn như dự án Làng ven hồ - Lakeside Village tại KKT Nghi Sơn của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Việt Nam, quy mô 4,27 ha, có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng;
Hay như một doanh nghiệp BĐS đã và đang đầu tư nhiều dự án chung cư ở Hà Nội là BID Group cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư khu nghỉ dưỡng tại xã Bình Minh, Tĩnh Gia quy mô 16,7ha với tổng vốn đầu tư 530 tỷ. Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung - Công ty Cổ phần IDEC Việt Nam đầu tư khu đô thị Đông Hải, quy mô 42,38 ha, tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng.
Sau cuộc đổ bộ như “con sếu đầu đàn” FLC đầu tư vào Sầm Sơn với hàng nghìn tỷ đồng, những hiệu ứng tích cực đến gần như tức thì, lượng du khách đến với Sầm Sơn tăng đột biến, đạt hơn 4 triệu lượt trong năm 2016, vượt mục tiêu đề ra. Kèm theo đó là việc làm và thu nhập cho hơn 3.000 lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, để có những thay đổi ngoạn mục đó, cần có nhiều yếu tố. Nhưng ông nhấn mạnh đến một yếu tố quan trọng nhất, đó là chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, sự thông thoáng trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư và việc ủng hộ của người dân địa phương.
“Đối với nhà đầu tư như chúng tôi, nếu như tiềm năng thị trường là điều kiện cần, thì môi trường đầu tư tại địa phương chính là điều kiện đủ. Một môi trường đầu tư tốt sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai dự án”, ông Quyết chia sẻ.