Firefox tròn 15 tuổi: trỗi dậy, gục ngã và cuộc phục hưng về quyền riêng tư
Trình duyệt của Mozilla ra mắt ngày 9/11/2004, trở thành một hiện tượng trước khi thất thủ trước Chrome. Nay Firefox đã trở lại để bảo vệ quyền riêng tư và tự do của người dùng.
Có thể bạn đang đọc bài viết này trên trình duyệt Google Chrome (hoặc một trình duyệt nhân Chromium), vốn đang nắm 65% thị phần toàn cầu (và khoảng 50% tại Mỹ, nơi nó sinh ra). Chỉ khoảng 4-5% người duyệt web hiện sử dụng Firefox, trình duyệt mã nguồn mở do Mozilla Foundation (trụ sở tại California) phát triển. Nhưng thế giới web nay đã khác nhiều so với khi Firefox ra mắt 15 năm về trước, và trình duyệt này đang trên đà hồi sinh nhanh chóng.
Khi Firefox xuất hiện, Internet Explorer chiếm hơn 90% thị phần, đánh gục Netscape Navigator. Bởi đây là trình duyệt mặc định trên Windows – một hệ điều hành cũng chiếm thị phần tương đương trong thế giới hệ điều hành, thế độc tôn của IE cứ ngỡ sẽ không thể mất đi được. Nhưng Firefox nhanh chóng bắt kịp, và cuối cùng chiếm khoảng 1/3 thị phần ở giai đoạn đỉnh điểm vào năm 2009. Dù hiện nay, Firefox khó có cơ hội tìm lại ánh hào quang ngày xưa, nó đang trải qua một giai đoạn giống như thời phục hưng, không chỉ cải thiện tốc độ và tính năng, mà còn đặt sự kiểm soát của người dùng đối với quyền riêng tư lên đầu tiên và trung tâm.
Nhìn lại 15 năm, thật khó để hình dung Firefox từng sơ khai như thế nào vào thời điểm ra mắt. Thay vì đến từ một siêu tập đoàn như Microsoft (hay ngày nay là Google), Firefox được xây dựng nên bởi những tình nguyện viên trên toàn thế giới – những người cho đi những dòng code của họ mà chẳng đòi trả lại thứ gì. "Mã nguồn mở rất phổ biến đối với các nhà phát triển" – Mitchell Baker, đồng sáng lập Mozilla Project hồi năm 1998, ngày nay là chủ tịch Mozilla Corporation và Mozilla Foundation, nói. "Nhưng tư tưởng thời đó là mã nguồn mở chỉ dành cho mấy gã mọt công nghệ. Bạn có thể dùng chúng để xây dựng nên các công cụ cho nhà phát triển, chứ không phải các sản phẩm cho người tiêu dùng".
Phiên bản Firefox đầu tiên
Firefox không chỉ mang đến những ý tưởng của tương lai. Nó được xây dựng nên từ nền tảng bảo mật, và bước chân vào cuộc chiến khi IE6, trình duyệt đi kèm với Windows XP, đang vướng phải một cuộc khủng hoảng bảo mật. "Trình duyệt mà hầu hết mọi người đang dùng thời đó là một mối đe dọa bảo mật" – Baker nói. Chính phủ Mỹ thậm chí còn cảnh báo người tiêu dùng về những mối nguy bảo mật đi cùng với IE, vô tình tạo ra thời cơ hoàn hảo để Firefox vùng lên.
Hơn cả bảo mật, Firefox còn mang lại một giao diện đơn giản, dễ tiếp cận, hiệu năng nhanh nhạy, và giàu tính năng. Nó đã giúp tính năng duyệt web theo tab trở nên phổ biến từ lâu trước khi Microsoft nhận ra giá trị của tính năng đó. Firefox còn tăng cường hỗ trợ các công nghệ như JavaScript (phát minh bởi đồng sáng lập Mozilla, Brendan Eich) và các chuẩn như CSS vốn cho phép các trang web hoạt động nhất quán không lệ thuộc trình duyệt, cũng như các phần mở rộng giúp trình duyệt có khả năng tùy biến gần như vô hạn. Những lợi ích của việc chuyển sang Firefox là quá hiển nhiên, và bản thân việc chuyển đổi cũng dễ dàng, nên nhiều người chẳng nề hà gì.
"Có một số lĩnh vực mà Firefox không thỏa mãn được, thị phần IE vẫn độc tôn, và web vẫn là một nơi ít hấp dẫn hơn nhiều" – Harry McCracken viết nhân ngày sinh nhật 5 năm của Firefox vào năm 2009.
Bản chất máu lửa, phi lợi nhuận của Firefox xuất phát từ gốc rễ của tập đoàn tạo ra nó. Firefox khởi nguồn từ Netscape – nhà phát triển trình duyệt từng một thời thống trị thị trường, thực hiện đợt IPO lớn đầu tiên trong kỷ nguyên Internet (vào năm 1995). Bản thân Netscape lại được tạo ra bởi các nhà sáng lập Mosaic, trình duyệt web lớn đầu tiên. Năm 1998, Netscape công bố rằng mã nguồn cho trình duyệt của mình sẽ được mở, dưới một dự án với tên gọi Mozilla – kết hợp giữa Mosaic và Godzilla (logo nguyên gốc hình chú khủng long màu đỏ được thiết kế bởi họa sỹ đường phố Shepard Fairey, sau này là người vẽ nên tấm poster "Hope" nổi tiếng của Tổng thống Obama).
Năm 1999, gã khổng lồ Internet là AOL thâu tóm Netscape và để công ty chết dần như bao cuộc thâu tóm khác trước đây. Nhưng nhờ Mozilla Project, công nghệ đằng sau vẫn trường tồn. Dự án này ban đầu tạo ra một trình duyệt có tên Mozilla. Phiên bản sau này có tên Firefox được dẫn dắt bởi Joe Hewitt, Dave Hyatt, và Blake Ross – tuy nhiên trước đó, nó có một vài tên khác là Phoenix và Firebird, nhưng vướng phải một số vấn đề về thương hiệu.
Firefox vào lần sinh nhật thứ 5
Những ngày đen tối
Năm 2009 đánh dấu giai đoạn đỉnh cao, để rồi từ đó Firefox…ngã "sấp mặt" đến nay vẫn chưa hồi phục được nguyên trạng. Nguyên nhân của sự tụt dốc được gói gọn trong một từ: Chrome. Trình duyệt của Google nhảy vào thị trường vào năm 2008, với giao diện đơn giản hơn và trải nghiệm duyệt web nhanh hơn.
"Những phiên bản ban đầu của Chrome quả thực tốt hơn. Tôi thừa nhận điều đó" – Baker nói.
Google đã đầu tư mạnh vào công nghệ mới làm cốt lõi cho trình duyệt, gọi là "engine", khiến nó hiệu quả hơn nhiều. Trong khi đó, Firefox được xây dựng trên một nền tảng code đã già cỗi, không thể cạnh tranh được.
Rõ ràng Google có ngân sách cực lớn phục vụ cho phát triển và marketing sản phẩm. Và khi các smartphone hiện đại xuất hiện, Google cũng là công ty sở hữu nền tảng di động lớn nhất thế giới, mang lại cho Chrome lợi thế tích hợp sẵn mà IE đã có trên PC vào những năm 1990. Apple có lợi thế tương tự trên iPhone, iPad, và Mac, cho phép trình duyệt Safari trở thành trình duyệt web phổ biến thứ hai trên thế giới (với khoảng 16% thị phần). Và không như Microsoft 15 năm về trước, Google và Apple không thỏa mãn và ngừng cải tiến trình duyệt của họ sau khi đã nắm trong tay thị phần lớn nói trên.
(Trước khi Chrome ra mắt, Google đã rất hào hứng với Firefox, đến mức hãng này quảng bá cho trình duyệt ngay trên trang chủ của bộ máy tìm kiếm của mình. Ngay cả khi đã giới thiệu Chrome vào năm 2008, công ty vẫn tiếp tục giúp Firefox kiếm thêm chút đỉnh thông qua một thỏa thuận biến Google thành bộ máy tìm kiếm mặc định trong Firefox, và doanh thu quảng cáo sẽ được chia sẻ với Mozilla. Năm 2017, Mozilla thu về hơn 500 triệu USD từ quảng cáo, trong đó Google trở lại là đối tác chính sau một thời gian hợp tác với Yahoo).
Sự sụp đổ của Firefox xảy đến giữa lúc Mozilla đang gặp rắc rối với một loạt những sản phẩm thất bại. Năm 2004, hãng tung ra trình quản lý email Thunderbird, nhưng nó chưa bao giờ đủ sức đối chọi với gã khổng lồ Microsoft Outlook. Năm 2013, Mozilla thách thức Android/iOS với một hệ điều hành di động nhẹ cân mang tên Firefox OS. Một loạt các mẫu điện thoại cài hệ điều hành này xuất hiện, nhưng không thu hút được sự chú ý của công chúng, và Firefox OS bị hủy bỏ vào năm 2017.
Một vài ứng dụng đặc biệt khác của Mozilla may mắn sống sót, như phần mềm theo dõi lỗi Bugzilla. Nhưng Mozilla là một công ty chuyên tập trung phát triển trình duyệt web, và trình duyệt web của họ thì không thực sự tốt như mong đợi.
Firefox Quantum
Bước nhảy lượng tử
"Tôi nghĩ đã có lúc chúng tôi trở nên tự mãn" – Selena Deckelmann, một kỹ sư gia nhập Mozilla vào năm 2012 và hiện là giám đốc cấp cao của Firefox, cho biết. Công việc đầu tiên của Deckelmann là phân tích các bản báo cáo lỗi mà trình duyệt tạo ra khi có gì đó sai sót, nên cô rõ ràng có trách nhiệm hàng đầu trước sự thất bại của sản phẩm. Sự tụt dốc của Firefox đã cho thấy mặt trái của một nỗ lực phi lợi nhuận, thực hiện bởi những tình nguyện viên. Không có những áp lực kinh doanh như phải làm hài lòng các cổ đông, một tổ chức có thể đánh mất tư tưởng cạnh tranh.
Trong số các vấn đề mà Firefox gặp phải là việc trình duyệt này không bắt kịp những tiến bộ trong phần cứng máy tính hiện đại, bao gồm khả năng chạy các tiến trình song song trên nhiều nhân CPU và card đồ họa. Mozilla đã bắt tay thực hiện hàng loạt cải tiến nhỏ, nhưng phải đến cuối năm 2016, phó giám đốc kỹ thuật của Mozilla là David Bryant mới công bố một thay đổi lớn: một engine trình duyệt mới mang tên Quantum.
Phiên bản Firefox đầu tiên dựa trên Quantum ra mắt tháng 11/2017, hứa hẹn sẽ nhanh gấp đôi so với người tiền nhiệm. Đó chắc chắn là một cải thiện lớn, và đã nhận được những đánh giá xuất sắc, nhưng quan trọng nhất, Quantum đã đưa Firefox trở lại cuộc đua công bằng với Chrome.
Quyền riêng tư là trên hết
Tốt như đối thủ là vẫn chưa đủ để có thể giành chiến thắng từ tay một kẻ đang dẫn đầu thị trường. Nhưng Firefox hoàn toàn "ăn đứt" Chrome về cách nó bảo vệ quyền riêng tư người dùng. Nếu như quá trình chuyển tiếp lên Quantum đã giúp tốc độ của hai trình duyệt trở nên ngang bằng, Mozilla còn giới thiệu một loạt các công nghệ nhằm ngăn các nhà quảng cáo, các mạng xã hội, và thậm chí là các nhà cung cấp dịch vụ Internet theo dõi và tạo hồ sơ về cá nhân bạn.
Quyền riêng tư có lẽ là lĩnh vực mà Chrome chẳng thèm cạnh tranh với Firefox. Khối tài sản khổng lồ của Google đến từ quảng cáo trực tuyến – một hoạt động dựa trên quá trình thu thập càng nhiều thông tin về người dùng càng tốt, trên càng nhiều thiết bị càng tốt. Hạn chế tiến trình đó, dù bằng cách nào, cũng sẽ đe dọa đến mô hình kinh doanh cốt lõi của hãng.
Ngược lại, Mozilla là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động dựa trên những ý tưởng tân tiến được Baker soạn thảo trong Mozilla Manifesto (Tuyên ngôn của Mozilla) vào năm 2007. Mozilla Manifesto vạch ra 10 nguyên tắc xoay quanh những khái niệm như phần mềm miễn phí, truy cập toàn diện đến Internet, và những công nghệ có tính tương tác lẫn nhau. Nguyên tắc thứ 4 nêu rõ rằng, "bảo mật và quyền riêng tư của các cá nhân trên Internet là nguyên tắc căn bản và không thể bị xem như một tùy chọn" (năm 2018, nguyên tắc này được cập nhật thêm một số giá trị về nhân phẩm con người, lòng khoan dung, và nghị luận dân sự).
Sự tồn tại của bản tuyên ngôn này là một dấu hiệu cho thấy sự khác biệt giữa Mozilla với các hãng phát triển trình duyệt lớn khác. Mozilla Foundation giống như một tổ chức hoạt động cộng đồng với danh nghĩa nhà phát triển phần mềm, và hai hoạt động chính này liên kết chặt chẽ với nhau.
Lấy scandal Cambridge Analytica – scandal đã làm lộ lọt hàng chục triệu dữ liệu người dùng Facebook vào tay một công ty tư vấn chính trị - làm ví dụ. Mozilla đã phản đối bằng cách gỡ bỏ mọi quảng cáo của mình trên Facebook và tổ chức kêu gọi công ty phải đại tu lại các thiết lập quyền riêng tư người dùng. Nhưng Mozilla còn phản ứng bằng những dòng mã: họ phát triển một plug-in cho Firefox tên Facebook Container nhằm giới hạn khả năng thu thập dữ liệu người dùng từ trình duyệt của mạng xã hội này, ví dụ như các website được mở trong các tab hoặc cửa sổ khác.
Mozilla đã tăng cường tấn công mọi loại hình theo dõi người dùng, như các cookie bên thứ ba – những tập tin mà một website thả vào trình duyệt để thấy được mọi website khác người dùng đã ghé thăm. "Enhanced tracking protection" được ra mắt vào tháng 8/2018 dưới dạng một tùy chọn trong các phiên bản thử nghiệm của Firefox, sau đó được đưa vào phiên bản chính thức, vẫn dưới dạng một tùy chọn. Vào tháng 9 năm đó, Mozilla mặc định kích hoạt tính năng chặn theo dõi này. Bên cạnh các cookie bên thứ ba, trình duyệt nay còn chặn cả các tracker khác, như các dòng code trong các quảng cáo trực tuyến và nút "share" lên mạng xã hội, vốn cực kỳ phổ biến trên web.
Phản ứng của Google, ai cũng đoán được, nhẹ nhàng hơn. Vào tháng 8, Chrome công khai chỉ trích việc chặn cookie bên thứ ba với lý do điều này chỉ càng khuyến khích các nhà quảng cáo tìm ra nhiều cách mờ ám hơn để theo dõi người dùng. Một phương thức khác là "fingerprinting": thu thập những thiết lập cụ thể mà bạn đã thực hiện trên máy tính và trình duyệt, như các plug-in đã cài đặt, để tạo ra một mã định danh độc nhất. Phiên bản Firefox 70 mới nhất cũng đã chặn luôn "fingerprinting".
Mozilla không đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ quyền riêng tư. Apple cũng chặn tracker rất kịch liệt trên Safari, và họ quảng bá điều này như một lý do để thôi thúc người tiêu dùng mua iPhone, iPad, và Mac.
Lan truyền thông điệp
Trong quá trình đẩy mạnh bảo vệ quyền riêng tư, Mozilla còn tăng cường truyền bá về vấn đề này. "Rất lâu trước đây chúng tôi từng nghĩ điều tốt nhất là càng âm thầm càng tốt. Làm mọi thứ sau cánh gà và chẳng cần thông báo với ai cả" – Baker nói. Điều đó bắt đầu thay đổi từ 18 tháng qua, khi người dùng ngày càng để tâm và lo lắng hơn về các nguy cơ bảo mật.
Cùng với việc mặc định kích hoạt tính năng chống theo dõi, phiên bản Firefox mới nhất còn giới thiệu bảng điều khiển Privacy Protections, cung cấp thông tin chi tiết về tất cả các tracker đã bị chặn, theo từng loại, trong thời gian tuần vừa qua. Người dùng có thể bấm một nút ở trên đỉnh trình duyệt để xem mọi tracker đã bị chặn trên từng website.
Mozilla không chỉ hiển thị những thống kê khô khan. Bảng điều khiển này có thiết kế tối giản và sử dụng các biểu đồ hình thanh phân chia màu sắc rõ ràng để người dùng có thể xem tổng quát các loại tracker khác nhau đã bị chặn trước đó. Nó còn có các mục giải thích rõ ràng từng loại tracker khác nhau làm những gì.
Biến thông tin phức tạp trở nên đơn giản để người dùng dễ hiểu là một thách thức lớn, theo lời Deckelmann. "Đây là một vấn đề lập trình phổ biến. Bạn làm mọi thứ, nhưng sau đó làm thế nào biến chúng thành một câu chuyện mà ai cũng có thể hiểu được? Và với tôi đó là trọng tâm lúc này: tập trung vào câu chuyện đó và giúp mọi người thực sự hiểu tình trạng của web" – cô nói.
Mozilla không chỉ giúp mọi người thấy được trình duyệt đang làm gì sau cánh gà, họ còn giúp người dùng tinh chỉnh các thiết lập. "Advanced tracking protection" từng là một tùy chọn mà người dùng có thể kích hoạt từ một năm trước khi Mozilla mặc định kích hoạt nó. Người dùng vẫn có thể ngừng kích hoạt nó nếu tính năng này khiến các website hoạt động không như ý. Họ cũng có thể điều chỉnh mức độ chặn để chặn được nhiều công nghệ theo dõi hơn, nhưng tất nhiên có thể ảnh hưởng đến cách vận hành của các trang web.
"Điều chúng tôi đang cố làm trong Firefox là cho mỗi người thêm khả năng để thay đổi đời sống trực tuyến của họ. Bạn nên có một ít chủ quyền đối với trải nghiệm của mình. Nó không nên bị độc chiếm bởi các tập đoàn khổng lồ" – Baker nói.
Những công cụ quyền riêng tư kia liệu sẽ tốt ra sao nếu chỉ 4 hay 5% người duyệt web sử dụng chúng? "Chúng tôi đang tìm cách để tăng cường sự hiện diện của mình, giúp mọi người quay về với Firefox. Nhưng chúng tôi còn phải làm việc khác, liên quan nhiều đến các chính sách và tác động thay đổi hướng phát triển của web để phục vụ người dùng".
Mozilla vẫn tiếp tục là một tổ chức hoạt động cộng đồng, thúc đẩy cải cách liên quan bình đẳng Internet và cải cách quyền riêng tư tại Facebook... Hãng còn tập trung nghiên cứu để thiết lập những chuẩn công nghệ mới, như những chuẩn khiến các nhà cung cấp dịch vụ Internet khó thấy các website mà trình duyệt đã ghé thăm hơn.
Về mặt sản phẩm, Firefox là nơi thử nghiệm những giải pháp quyền riêng tư và các công nghệ khác cho toàn thế giới web. "Kỳ vọng của chúng tôi là mỗi một công nghệ chúng tôi tạo ra sẽ được ứng dụng bởi mọi trình duyệt" – Deckelmann nói.
Mozilla và Firefox được hình thành để mở rộng khả năng tương tác giữa người với thông tin và giữa người với người, không phải để tạo nên một công ty giàu có. Sự bùng nổ của Firefox vào năm 2004 không chỉ giúp Mozilla, nó còn giúp toàn bộ Internet khi thách thức những đối thủ đương thời cải tiến và tạo cảm hứng cho những đối thủ mới gia nhập cuộc chơi. 15 năm sau, Firefox có thể trông nhỏ bé bên cạnh Chrome và Safari, nhưng nó vẫn thúc để những công nghệ mới được hình thành và ngày càng bảo mật hơn, nhằm giúp đỡ mọi người đang sử dụng Internet mỗi ngày.