Facebook, Google lũng đoạn Internet, ngành công nghiệp tin tức Mỹ cầu cứu chính phủ
Cách khai thác tin tức trên báo chí đang bị can thiệp một cách thô bạo nhằm đáp ứng các quy tắc hiển thị trên Facebook và Google, những công ty chiếm phần lớn doanh thu từ quảng cáo Internet.
News Media Alliance (NMA), nhóm đại diện cho gần 2.000 tờ báo và trang tin, vừa yêu cầu Quốc hội Mỹ miễn trừ luật chống độc quyền để họ có thể đàm phán chung với Google và Facebook . NMA, từng có tên gọi là Hiệp hội Báo chí Mỹ, phàn nàn rằng hai công ty Internet khổng lồ này đang tạo ra thế lưỡng độc quyền trên Internet, hút hết gần như tất cả doanh thu từ quảng cáo dù không hề làm nội dung.
Bởi tình trạng lưỡng độc quyền kỹ thuật số này, các nhà xuất bản buộc phải “bỏ rơi nội dung” để chạy theo quy tắc mà Google và Facebook đưa ra trong việc khai thác và hiển thị thông tin nhằm giành lấy sự ưu tiên và doanh thu quảng cáo. Những quy tắc này làm thương mại hóa tin tức, khiến tin tức giả mạo lan tràn nhưng người dùng không thể phân biệt chúng với những tin tức xác thực.
“Để đảm bảo tương lai của báo chí, các tổ chức tài trợ cho nó phải có khả năng đàm phán tập thể với các công ty công nghệ này nhằm kiểm soát việc phân phối thông tin và cách tiếp cận đối tượng trong kỷ nguyên kỹ thuật số ngày nay”, David Chavern, CEO NMA nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cuộc chiến giữa báo chí và mạng xã hội trở nên khốc liệt, các hãng tin có thể sử dụng các công cụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nội dung của mình. AP, AFP và một số hãng truyền thông lớn khác từng yêu cầu Google trả các khoản phí bản quyền cho việc sử dụng tin tức của họ. Bước đi mới nhất của NMA có thể là nỗ lực để những hãng tin nhỏ và ít danh tiếng hơn có thể gây áp lực với Google và Facebook thông qua sức mạnh tập thể để đòi quyền lợi.
Cụ thể, Google, Facebook hay các nền tảng khác có thể phải trả tiền cho những câu trích dẫn, tiêu đề hay hình ảnh của báo chí trong trường hợp chúng chia sẻ trên nền tảng của họ. Đây được coi là tiền bản quyền, giúp các nền tảng công nghệ được sử dụng hợp pháp những thông tin từ báo chí. Chưa từng có tiền lệ án cho những trường hợp này.
Tuy nhiên, NMA chưa đề cập tới việc Facebook và Google chỉ được chia sẻ tin tức với sự động ý từ các thành viên của liên minh. Trong trường hợp đó, nếu các hãng tin không thích cách thông tin của mình xuất hiện hay không muốn chúng xuất hiện miễn phí, họ có quyền cấm các nền tảng này hiển thị chúng.
Hiện tại, tin tức khó có thể tách rời với mạng xã hội. Tuy nhiên, các hãng tin có quyền yêu cầu được trả tiền khi câu chuyện của họ được chia sẻ trực tuyến. Nếu họ tập hợp lại, tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn.
Trở lại với vấn đề tin tức giả mạo, một hiện tượng gây nhức nhối trong thời gian qua, có lẽ các hãng tin cần tìm ra cơ chế để đảm bảo người dùng nhận ra họ trong mớ hỗ độn trên Internet. Facebook và Google cũng từng cam kết mạnh tay với tin tức giả nhưng vẫn nạn này chưa có dấu hiệu suy giảm.