Esther Wojcicki: Bà mẹ nuôi dạy 3 con gái thành CEO Youtube và giáo sư đại học với quan điểm "không tin vào ai khác, chỉ tin bản thân mình"
Phương pháp nuôi dạy con của bà Esther được đúc kết từ chính những trải nghiệm của bà trong quá khứ.
Khi 2 cô con gái lọt vào danh sách Những người phụ nữ thành công nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố năm 2018, bà Esther Wojcicki, nhà sáng lập chương trình truyền thông của trường Palo Alto High School, nghiễm nhiên trở thành hình mẫu lý tưởng của các bậc phụ huynh trên khắp thế giới. Rất nhiều người mong muốn được nghe chia sẻ của bà về bí quyết nuôi dạy 3 cô con gái thành công.
Chị cả Susan hiện đang nắm giữ chức vụ CEO của Youtube xuất hiện trong danh sách của Forbes từ năm 2015. Em út Anne xếp sau chị mình 2 bậc nhờ sự phát triển vượt bậc của công ty nghiên cứu gen 23andme mà cô là CEO. Người con giữa Janet dù không nổi tiếng bằng 2 chị em của mình nhưng cũng tài giỏi không kém khi là giáo sư về nhi khoa và dịch tễ tại Đại học California, San Francisco, Mỹ. Trong quá trình nuôi dạy các con, bà Esther luôn tuân theo những quy tắc nhất định được chia sẻ trong cuốn sách "Làm thế nào để nuôi dạy những người thành công".
Phương pháp nuôi dạy con cái được bà Esther đúc kết từ chính kinh nghiệm của mình. Là người Do Thái di cư sang Mỹ và trong tay không có tấm bằng đại học như người ta, bố mẹ bà gặp không ít khó khăn khi bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh ở nơi đất khách quê người. Bà Esther theo học trường công nhưng trong suốt những năm tháng đó, bà không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế vì điều kiện tài chính gia đình không cho phép. Lên lớp 7, bà nhận thức được tình hình của gia đình và quyết tâm phải học thật giỏi để thoát khỏi thực trạng nghèo khó. Sau này lấy chồng và sinh con, bà Esther cũng tự nhủ lòng không bao giờ để các con phải rơi vào hoàn cảnh như mình lúc nhỏ.
Gia đình bà Esther từng trải qua biến cố khi em trai bà vô tình uống cả lọ thuốc aspirin và bị cả 4 bệnh viện từ chối điều trị. Lúc đó, mẹ bà có niềm tin con trai vẫn có cơ hội sống sót nhưng lại chọn tin vào lời chẩn đoán của bác sĩ, ngừng chạy chữa và tuyệt vọng nhìn đứa con trai bé bỏng ra đi. Thời điểm đó, bà Esther còn chịu sự lạnh nhạt từ ông bố trọng nam khinh nữ.
Trải nghiệm tuổi thơ không mấy vui vẻ đã hình thành trong bà Esther tư tưởng tin vào bản thân thay vì làm theo suy nghĩ hay lời khuyên người khác. Bà áp dụng quan điểm này triệt để trong quá trình nuôi con. Không giống như những bà mẹ trẻ khác, bà Esther có cách dạy con của riêng mình được gói gọn trong chữ TRICK, viết tắt của tin tưởng (trust), tôn trọng (respect), độc lập (independence), sự hợp tác (collaboration) và lòng tốt (kindness).
Theo đó, bà Esther quan điểm những đứa trẻ phải tập tự lập từ lúc nhỏ. Trong khi nhiều phụ huynh có xu hướng kiểm soát hành vi của con, thay chúng làm tất cả mọi việc thì 3 đứa trẻ của bà Esther lại được mẹ trao cho sự tự do gần như tuyệt đối.
"Tôi tôn trọng sự lựa chọn của các con ngay từ khi những năm tháng đầu đời của chúng. Quan điểm của tôi là từ khi con chào đời đến lúc 5 tuổi, tôi phải dạy chúng nhiều thứ nhất có thể. Tôi muốn các con tập được tính độc lập, từ đó mới có thể trở thành người mạnh mẽ và tự chủ trong cuộc sống sau này. Tôi phát hiện rằng nếu những đứa trẻ có thể tự mình suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định hợp lý thì sau này chúng không phải sợ hãi khi đứng trước thử thách. Tôi không chắc những điều này có được nghiên cứu hay chưa nhưng tôi chọn tin vào quan điểm của mình và kinh nghiệm tôi tích lũy được trong những năm tháng giảng dạy" - bà Esther chia sẻ.
Tin tưởng
Cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ khiến người ta phải dè chừng và nghi ngờ. Chính sự sợ hãi và thiếu niềm tin vào cuộc sống của bố mẹ sẽ gây ra ảnh hưởng đến con cái, làm chúng hoài nghi về mọi thứ. Sự tin tưởng của bố mẹ dành cho con cái rất quan trọng vì sẽ giúp chúng tự tin hơn trong việc đưa ra lựa chọn và quyết định để có thể tự mình khám phá năng lực của bản thân mình.
Tôn trọng
Sự tôn trọng cơ bản mà bố mẹ dành cho các con có ảnh hưởng không nhỏ đối với khả năng tự lập và tự chủ của chúng. Mỗi một đứa trẻ là món quà của thượng đế, chúng thừa sức có thể tạo ra cuộc đời mình mong muốn và nhiệm vụ của bố mẹ là giúp chúng làm được điều đó. Đừng bảo con phải làm thế này, thế kia, nên theo học ngành gì hay nói quá nhiều về những thứ tiêu cực trong cuộc sống, bố mẹ cần tôn trọng sự lựa chọn của con, giúp chúng xác định được mình là ai trong cuộc đời này cũng như hỗ trợ chúng đạt đến ước mơ.
Độc lập
Sự tin tưởng và tôn trọng chính là nền tảng để hình thành tính tự lập. Những đứa trẻ được rèn luyện khả năng kiểm soát chính mình và tinh thần trách nhiệm càng sớm sau này không chỉ dễ dàng đối phó với khó khăn mà chúng còn có đầu óc cực kỳ sáng tạo và không ngừng đổi mới. Người độc lập thật sự có khả năng đương đầu với nghịch cảnh, không sợ thất bại và buồn chán, những tình huống không thể tránh khỏi của cuộc sống. Dù mọi chuyện có trở nên hỗn độn đến đâu, họ cũng đủ bình tĩnh để kiểm soát và giải quyết.
Sự hợp tác
Trước đây, bố mẹ thường dạy con theo nguyên tắc cứng nhắc, giáo điều như sách vở nhưng thời nay, việc ra lệnh, bắt các con đi theo con đường bố mẹ vạch sẵn đã không còn phát huy hiệu quả. Thay vào đó, bố mẹ nên trò chuyện với con nhiều hơn để tìm hiểu về sở thích hay việc mà con muốn làm. Từ đó, 2 bên hợp tác với nhau để tìm ra phương pháp. Tiếp nhận những gợi ý, góp ý của bố mẹ, các con có thể đưa ra nhiều lựa chọn hợp lý và đúng đắn hơn.
Lòng tốt
Có một mâu thuẫn vẫn luôn tồn tại là chúng ta có xu hướng đối xử với người lạ tốt hơn những người thân thiết, mối quan hệ bố mẹ và con cái cũng tương tự. Bố mẹ yêu thương con là điều không thể bàn cãi nhưng vì đó là đứa trẻ của mình nên đôi khi, lòng tốt của họ chỉ dừng ở mức cơ bản. Lòng tốt thật sự phải bao gồm lòng biết ơn, sự vị tha, sẵn sàng làm mọi thứ vì người khác và đồng thời nhận thức được thế giới xung quanh mình. Bố mẹ cần thể hiện cho các con thấy rằng tất cả việc làm của mình đều hướng về mục đích duy nhất, đó là giúp cuộc sống sau này của chúng trở nên tốt đẹp hơn.
Mục tiêu của phương pháp TRICK là tạo ra những con người có thể chịu trách nhiệm được cho cuộc đời của mình. Đây không chỉ đơn thuần là cách bố mẹ dạy con, mà nó còn có thể áp dụng trong môi trường công việc và học đường, góp phần tạo nên nền tảng cho sự phát triển tốt đẹp của nhân loại trong tương lai.
"Bạn là bố mẹ mà các con cần. Với sự tôn trọng và tin tưởng của bạn, những đứa trẻ sẽ lớn lên và trở thành người mà chúng được định sẵn sẽ trở thành" - Esther viết.
Từ khi Susan và Janet còn là những đứa trẻ 4,5 tuổi, bà Esther đã cho con tự đi mua bánh mì ở cửa hàng cạnh nhà. Ở tuổi 12, Susan có thể thoải mái trang trí phòng ngủ theo ý thích của mình. Thời điểm thung lũng Silicon vẫn còn khá xa lạ với mọi người thì bà Esther đã ủng hộ các con bắt đầu sự nghiệp công nghệ. Bà gọi những đứa trẻ của mình là người làm cách mạng khi chúng tiếp xúc với máy tính từ rất lớn. Susan chính là người đã cho Larry Page và Sergey Brin, 2 thành viên sáng lập Google, mượn gara để xe của gia đình làm nơi nghiên cứu và phát triển dự án sau này trở thành cỗ máy tìm kiếm lớn nhất hành tinh. Susan cũng là một trong những nhân viên đầu tiên của Google và từng thuyết phục ông chủ của mình mua lại Youtube trước khi nó trở thành nền tảng chia sẻ video nổi tiếng toàn cầu. Nhờ đó mà năm 2014, Susan được đề bạt đảm nhận vị trí CEO của Youtube.
Nhìn vào việc 3 cô con gái khôn lớn và thành người ích cho xã hội, bà Esther không khỏi tự hào chia sẻ: "Tôi phải chúc mừng các con và tôi tin là mình chưa bao giờ can thiệp vào con đường thành công của chúng".
(Nguồn: Time, Qz, Forbes)