Economist: Liệu Nga có vượt qua được cuộc khủng hoảng kép từ giá dầu và dịch Covid-19 như đã làm trước đây?

08/05/2020 10:36 AM | Xã hội

Tỷ lệ thất nghiệp của Nga được dự báo sẽ lên tới 15% với khoảng 8 triệu người mất việc làm. Một làn sóng vỡ nợ hàng loạt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nga là không tránh khỏi nếu chính phủ không có chính sách cứu trợ kịp thời.

Tính đến ngày 7/5, khoảng 1/3 nền kinh tế Nga hiện đã bị đình trệ do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Các bộ trưởng Nga cho biết hoạt động kinh tế của nước này đã giảm 33% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Hiện tại, người dân Nga vẫn bị cách ly trong nhà cho đến tận ngày 11/5 và vẫn chưa có nhiều động thái hỗ trợ nền kinh tế sau dịch từ chính phủ. Hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nga hiện đang phải sống trong cảnh lao đao vì thất thu.

Tồi tệ hơn, nguồn thu từ dầu mỏ của Nga cũng chịu ảnh hưởng lớn khi xuống mức thấp chưa từng có. Nguồn thu dầu khí hiện chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Năm 2019, khoảng 39% ngân sách của Nga đến từ thuế dầu khí.

Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Nga, giá dầu bình quân năm 2020 có thể chỉ đạt 27 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 42 USD/thùng để có thể cân bằng ngân sách. Thậm chí, dự báo cho rằng phải đến năm 2022 giá dầu mới có thể đạt mức cân bằng ngân sách trên và hệ quả là thâm hụt ngân sách năm 2020 của Nga sẽ tương đương 6% GDP.

Economist: Liệu Nga có vượt qua được cuộc khủng hoảng kép từ giá dầu và dịch Covid-19 như đã làm trước đây? - Ảnh 1.

Khủng hoảng lớn nhất trong vài thập niên

Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov cho biết chính phủ sẽ phải rất thận trọng trong việc chi tiêu 2 năm tới bởi quỹ đầu tư công trị giá 157 tỷ USD tích góp được từ bán dầu trong những năm qua có thể sẽ hết rất nhanh.

Trái với những động thái hỗ trợ quyết liệt của nhiều nước, Nga có rất ít chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đợt dịch Covid-19. Bởi vậy các chuyên gia lo lắng nước này sẽ phải chịu cuộc khủng hoảng lớn sau khi đại dịch chấm dứt.

Theo ước tính của Oxford Economics, GDP thường niên của Nga sẽ giảm 1% với mỗi tuần tiếp tục đóng cửa. Trong tháng 4/2020, thu nhập từ thuế của Nga đã giảm 31%, riêng thuế từ xuất khẩu dầu khí giảm đến hơn 50%.

Trước tình hình trên, Ngân hàng trung ương Nga đã phải hạ lãi suất tham chiếu 0,5% xuống 5,5%, đồng thời cảnh báo GDP có thể giảm 4-6% trong năm nay do giá dầu đi xuống và ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nga có thể giảm 5,5% trong năm nay còn nhiều chuyên gia khác thì cho rằng nền kinh tế này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tệ nhất trong vài thập niên trở lại đây.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nga được dự báo sẽ lên tới 15% với khoảng 8 triệu người mất việc làm. Một làn sóng vỡ nợ hàng loạt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nga là không tránh khỏi nếu chính phủ không có chính sách cứu trợ kịp thời.

Bộ trưởng kinh tế Maxim Reshetnikov cho biết hơn 1/3 số doanh nghiệp bán lẻ của nước này sẽ phải đóng cửa và lợi nhuận toàn ngành sẽ giảm khoảng 25%. Trong 2 tháng vừa qua, khoảng 735.000 người Nga đã bị sa thải vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Những gói hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện nay, chính quyền Moscow vẫn không tung ra quá nhiều gói cứu trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ. Khoản cam kết cho khối các doanh nghiệp nhỏ tại Nga hiện nay mới chỉ đạt 10 tỷ USD.

Ngày 15/4, Tổng thống Putin đã tung ra gói vay ưu đãi cùng khoản trợ cấp 12.130 Ruble, tương đương 160 USD cho mỗi nhân viên trong vòng 2 tháng nhưng Giám đốc cơ quan kiểm toán Liên bang Nga Alexei Kudrin cho rằng như vậy là không đủ.

Giám đốc Alexei nhận định chính phủ sẽ phải chi tới 7% GDP, tức nhiều gấp 4 lần gói cứu trợ hiện tại và gần tương đương với toàn bộ 165 tỷ USD kho dự trữ ngoại hối tiền mặt khả dụng mới đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Chính phủ Nga đang do dự về việc có nên chi thêm tiền cứu trợ hay không. Các chính sách chung hiện nay đều gặp vướng mắc về vấn đề tiền bạc", CEO Tatiana Stanovaya của hãng phân tích R.Politik nhận định.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận được các gói cứu trợ do nguồn tiền có hạn. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết ít nhất 900 doanh nghiệp đã đệ đơn xin cứu trợ 81 triệu USD nhưng chỉ có khoảng 1,2% trong số đó được chấp thuận.

Trên thực tế, chính quyền Moscow hiện nay chỉ đủ sức chú ý đến những tập đoàn lớn mà khó có thể cứu trợ thêm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19 cũng như chiếm tới 42% nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng giá dầu khiến những tập đoàn dầu khí quốc doanh như Gazprom hay Rosneft cần chính phủ chi nhiều tiền hơn để cứu trợ, khiến hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải xếp hàng chờ đợi.

Kiên cường vượt khủng hoảng

Khó khăn là vậy nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng Nga sẽ vượt qua được khó khăn hiện nay cũng tương tự như nước này đã từng làm qua vô vàn thử thách trước đó.

Nền kinh tế Nga đã được xây đựng để tránh các cú sốc về kinh tế sau hàng loạt những cuộc khủng hoảng và cấm vận kinh tế từ Phương Tây. Kho dự trữ ngoại hối của Nga bao gồm cả vàng và nhiều tài sản khác hiện đã lên tới gần 570 tỷ USD.

Dù nhiều người dân Nga chưa tiếp cận được các gói cứu trợ từ chính phủ nhưng cũng tương tự như các cuộc khủng hoảng trước đây, họ luôn tìm được cách để sống sót.

Bên cạnh đó, giá đồng Ruble giảm cũng khiến hàng hóa của Nga có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu hơn cũng như giảm ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu. Điều thú vị là các lệnh cấm vận trước đây của Phương Tây lại khiến Nga miễn nhiễm với hàng nhập khẩu, qua đó chống chọi tốt hơn với sự thay đổi của tỷ giá đồng USD.

Economist: Liệu Nga có vượt qua được cuộc khủng hoảng kép từ giá dầu và dịch Covid-19 như đã làm trước đây? - Ảnh 2.

Thậm chí các doanh nghiệp Nga do khó tiếp cận được nguồn vốn nước ngoài nên đã tìm các biện pháp khác ngoài vay nợ. Tỷ lệ nợ của doanh nghiệp tại Nga đã giảm xuống dưới 50% GDP trong khi nợ công hiện nằm dưới mức 20%.

Không dừng lại ở đó, hiện Nga đã không còn quá phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực từ Châu Âu mà hướng tới tự cung tự cấp. Nhập khẩu thực phẩm từ Châu Âu vào Nga đã giảm 1/3 trong vòng 5 năm qua xuống chỉ còn 24%.

Đặc biệt, dù không có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin lại gia tăng các chính sách hỗ trợ người dân và lao động. Công ty sẽ được hoãn thanh toán tiền bảo hiểm trong một thời gian.

Ngoài ra, trợ cấp an sinh xã hội cho trẻ em và người thất nghiệp sẽ được nâng lên tương ứng thành 5.000 Ruble (63 USD)/tháng và 12.000 Ruble/tháng. Những người ốm yếu hoặc mất hơn 30% thu nhập cũng sẽ được miễn thanh toán tiền lãi bất động sản thế chấp cùng nhiều loại chi phí khác.

Những cuộc khủng hoảng từ địa chính trị cho đến kinh tế trước đây tại Nga chưa bao giờ đánh gục được người dân nước này và tình hình hiện nay cũng thế. Dù còn nhiều thách thức phía trước nhưng rõ ràng người dân Nga vẫn sẽ lại kiên cường vượt qua.

AB

Cùng chuyên mục
XEM