Luật sư: Không có bất kỳ quy định pháp luật nào xử phạt người kết hôn muộn

08/05/2020 09:45 AM | Xã hội

Gần đây, nhiều trang mạng xã hội đưa tin “Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về việc xử phạt người nào kết hôn muộn, không muốn kết hôn từ 5 triệu đồng – 10 triệu đồng” gây xôn xao dư luận.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/4/2020 nhằm khuyến khích tỷ suất sinh ở những địa phương có mức sinh thấp, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con. Mục tiêu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Trong đó, cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau.

Luật sư: Không có bất kỳ quy định pháp luật nào xử phạt người kết hôn muộn - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".

Lợi dụng thông tin này, nhiều trang mạng xã hội share tin fake về việc sẽ "xử phạt người nào kết hôn muộn, không muốn kết hôn từ 5 triệu đồng – 10 triệu đồng". Thông tin này khiến nhiều người hoang mang, khó hiểu.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, thông tin nêu trên hoàn toàn sai sự thật. Hiện nay, không có bất kỳ quy định pháp luật nào xử phạt người kết hôn muộn, không muốn kết hôn. Do đó, mọi người cần tỉnh táo, tránh lo lắng và ra sức tiêu diệt những tin đồn thất thiệt như vậy.

Theo luật sư Thanh Hữu, nếu người nào đưa tin sai sự thật đấy lên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng – 10 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức vi phạm lỗi này sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng. Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm theo khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Vậy những người không biết tin đó là sai sự thật nên chia sẻ về trang của mình hoặc chia sẻ cho người khác thì có bị xử phạt hay không? Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu cho biết: Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc chia sẻ thông tin sai sự thật cũng bị xử phạt như đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.

Do đó, trước khi quyết định chia sẻ, thích, bình luận bất kỳ thông tin gì trên mạng xã hội thì mỗi người cần tìm hiểu kỹ lưỡng đó có phải là tin thật hay không; như vậy, sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng, bản thân tránh được rủi ro pháp lý.

Theo LS Phạm Thanh Hữu

Cùng chuyên mục
XEM