Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!”

17/09/2019 08:08 AM | Sống

Tôi ấn tượng với Dustin Phúc Nguyễn từ một lần tình cờ xem talkshow Bar Stories của anh trên YouTube. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy khách mời hôm đó - một nghệ sĩ tôi biết - "bình dân" và thành thật bộc bạch những nỗi niềm trong nghề như thế. Kế đó là sự ngạc nhiên dành cho nét tự nhiên và sự văn minh của một talkshow - vốn khá hiếm hoi giữa nhan nhản những chương trình giải trí vô bổ hiện nay.

Vào nghề năm 2012, là quán quân VJ Camp, có 5 năm làm VJ của MTV Việt Nam và từng thi Én Vàng 2016, Dustin Phúc Nguyễn hoàn toàn có thể trở thành MC dẫn truyền hình giống như những thí sinh khác. Nhưng thay vào đó, anh lại chọn trở thành một host độc lập, tự sáng tạo và sản xuất các chương trình của riêng mình. Chúng tôi tìm đến Dustin với nỗi tò mò về nguyên do và những ấp ủ đằng sau bước rẽ sự nghiệp trên.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 1.

Chào Dustin! Nghệ sĩ tham gia Bar Stories của anh, tôi thấy họ uống rượu, chơi trò chơi và trò chuyện khá thoải mái. Tôi chưa từng thấy Trác Thuý Miêu, Uyên Linh, Vũ Cát Tường... "lầy", tâm tình chân thật và cười sảng khoái như vậy trước đó. Anh làm điều đó bằng cách nào?

Bằng rượu.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 2.

Mỗi rượu thôi thì chưa đủ nhỉ?

Yếu tố thứ hai là sự bình dân. Tôi không bao giờ nói với nghệ sĩ là: "Ê, tham gia talkshow". Mà tôi hỏi: "Anh/chị có sản phẩm gì mới không, có muốn kể cho em nghe thì qua chương trình em ngồi kể. Mình ăn uống rồi mình nói chuyện, giống như một bữa đi nhậu vậy đi."

Khách mời đầu tiên của Bar Stories là anh Thành Lộc. Hồi trước tôi cũng hay đi cà phê với anh và thấy được sự bình dân của anh. Tôi nghĩ mình sẽ đem sự bình dân chưa ai thấy đó lên trên show. Người ta chỉ thấy anh Thành Lộc vào vai diễn, đã có ai thấy một anh Thành Lộc bình dân ngồi cà phê nói chuyện đâu.

Anh Thành Lộc là một người rất hiểu, rất thương. Tôi nói với anh rằng đây là show đầu tiên của em. Lúc đó anh chưa biết gì đến chương trình của tôi hết, vì đã có tập nào ra đâu mà biết. Tôi nói: "Bây giờ mình làm talkshow nhưng không phải talkshow, đây là một buổi trò chuyện và em pha nước cho anh uống, vậy thôi". Thì OK, anh ấy nhận lời.

Khi một người nghệ sĩ bước vào một không gian có máy quay, mặc một bộ đồ lấp lánh và trên mặt thì đầy make up, tự động họ sẽ bị vào một "khung kiểu cách". Nhưng nếu người đối diện tự dưng "lầy", thì người nghệ sĩ sẽ được thả lỏng, cũng "lầy" theo. Chúng tôi luôn luôn tìm mọi cách để phá vỡ sự kiểu cách. Chứ không phải: "Xin chào quý vị, quý vị đang đến với chương trình Bar Stories và hôm nay tôi sẽ giới thiệu một khách mời rất đặc biệt", rồi máy lia qua bên người đó, thì họ bị "sượng" liền. Chúng tôi muốn phá vỡ truyền thống đó của việc quay talkshow.

Mà cái khác biệt của chương trình của tôi với những gameshow khác là chúng tôi không diễn. Chúng tôi đề cao sự chân thật. Tôi luôn hỏi khách mời những câu về sự thật, tôi không đòi hỏi họ phải diễn - như kêu cắt, diễn, nói lại câu đó - là không có.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 3.

Anh chọn mời những nghệ sĩ như thế nào đến Bar Stories?

Chúng tôi chọn những người có ảnh hưởng, có thành tựu và kinh nghiệm. Hoặc họ được yêu thích nhưng phải làm ra những sản phẩm có ý nghĩa cho xã hội. Một nghệ sĩ có mấy triệu người theo dõi trên Facebook nhưng công việc của người đó không tạo được tác động tích cực cho xã hội, thì chưa đủ.

Bởi vậy, thách thức chọn khách mời càng ngày càng lớn, đôi khi như cơn ác mộng. Khi liên hệ những nhân vật đúng tiêu chí, có thể họ sẽ từ chối hoặc có thể không liên hệ được. Tôi đã từng liên hệ tới Ngô Thanh Vân, tới Mỹ Tâm, tới Thanh Hằng, Sơn Tùng M-TP... và nhận bao nhiêu lời từ chối. Có nhân vật tôi liên hệ cả một năm, một năm rưỡi trước đó thì mới có dịp quay.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 4.

Từ một VJ, tại sao anh chọn con đường độc lập - tự sáng tạo nội dung show, tự phát hành sản phẩm trên YouTube?

Tôi vốn đã muốn làm cái gì đó của riêng mình. Năm 2016, một người bạn đã truyền cảm hứng và chúng tôi cùng thành lập một kênh YouTube để chủ động tạo ra hướng phát triển sự nghiệp mới. Anh bạn ấy cũng chính là Giám đốc sáng tạo của kênh Dustin On The Go, người tạo ra các format chương trình như Bar Stories, Sống Phải Chất Lượng, SneakShow.

Chúng tôi thấy thị trường ở đây mọi người bị đào thải nhanh quá. Hơn nữa, nghề MC còn bị cạnh tranh bởi những nhân tài trong những ngành nghề khác như diễn viên, diễn viên hài... Và cái hài là yếu tố quan trọng trong các gameshow hiện nay, mà tôi thì không hứng thú. Bây giờ mở TV, tôi thấy xem các gameshow rất phí thời gian, cười ha ha xong không nhớ gì hết.

Mỗi chương trình của Dustin On The Go có ba giá trị cốt lõi. Ngoài tính giải trí (entertaining) và tính thông tin (informative) là đương nhiên phải có, giá trị thứ ba là meaningful - tức chương trình phải có ý nghĩa, phải có giá trị với người xem. Khán giả phải học được cái gì sau khi xem xong, chứ không phải cười ha hả rồi xong, tối về ngủ, hôm sau thức dậy quên hết. Sự ý nghĩa này thể hiện ngay ở tựa đề. Chẳng hạn, "Vũ Cát Tường - Tài năng không bằng ham học", người xem thấy tựa đó sẽ có suy nghĩ rằng bản thân mình cũng cần phải cố gắng học hỏi thêm.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 5.

Anh nghĩ những khán giả như thế nào sẽ thích xem show của mình?

Bar Stories phục vụ cho các đối tượng khán giả có chọn lọc. Tôi không hỏi những câu hỏi thường ngày, mà tôi hỏi những điều tận trong ruột gan họ. Tôi hỏi về những điều họ đang ấp ủ, về cách làm nghề, về tương lai, về dự định. Và không phải khán giả nào cũng quan tâm chuyện đó.

Có nhiều gameshow chuyên nhấn mạnh vào scandal của nghệ sĩ để dễ dàng thu hút khán giả, điều đó không sai. Nhưng họ có đưa ra thông điệp làm sao một người vượt qua scandal và trở nên tốt hơn không, hay là chỉ săm soi vào vết thương của người khác mà không đưa ra được giải pháp? Đó thực sự là điều đáng sợ.

Show hẹn hò Love Is Blind - chương trình mà chúng tôi đề cao chủ đề giáo dục giới tính và "bình thường hoá" chủ đề về tình dục - thật ra cũng "kén" khán giả hơn các chương trình hẹn hò khác. Chúng tôi phục vụ những khán giả đã có đủ hiểu biết về giáo dục giới tính và sẵn sàng cởi mở đón nhận những điều khác biệt. Những ai không quen sẽ cảm thấy bị sốc. Bên cạnh đó, chúng tôi không mượn những nhân vật LGBTQ để kể khổ, khóc lóc, mà xem họ là những người bình thường và không cần thiết phải mưu cầu sự thương hại từ khán giả.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 6.

Chị Trác Thuý Miêu có nói: "Truyền hình, giải trí Việt Nam chưa sẵn sàng cho anh". Tôi nghĩ thị hiếu khán giả cũng vậy. Anh cũng vừa nói show bị giới hạn về khán giả, ít view. Và anh chấp nhận điều đó?

Chúng tôi chấp nhận. Hôm nọ tôi mới coi một series trên Netflix tên The Naked Director. Series này dựa trên một câu chuyện có thật của một vị đạo diễn phim người lớn Nhật Bản.

Từ năm 1980 ông đã tiên phong trong chuyện gọi là: Phá vỡ những định kiến về phim người lớn. Phim người lớn của Nhật lúc đó là nam nữ quan hệ giả, phải che lại bộ phận sinh dục, rồi lên hình phải bị làm mờ. Ông ấy đấu tranh với việc đó, cho rằng phải quan hệ thật mới có cảm xúc. Đó là một điều vô cùng táo bạo, và ở thời điểm đó người ta không nói "Khán giả người ta chưa sẵn sàng với mấy chuyện đó". Ông vẫn làm, sau đó ổng trở thành một trong những vị đạo diễn top đầu trong sản xuất phim người lớn.

Cô diễn viên trong phim ông sinh ra trong một gia đình bị mẹ gò ép phải trở thành một người phụ nữ nề nếp đoan trang, nhưng cô luôn có khao khát được thể hiện bản thân. Cô ấy để lông nách, rồi tự hào lên tivi nói rằng "tôi để lông nách", cho rằng phụ nữ cũng có quyền được khoái cảm.

Tôi chấp nhận chuyện mình làm những điều bây giờ chưa ai chấp nhận. Như những clip Love Is Blind nói về chuyện tình dục, khán giả trẻ vào phàn nàn là show hẹn hò chứ có phải show tình dục đâu. Trong khi chương trình mình làm ra là để giáo dục. Cho nên, chuyện mình đi xa quá đối với thị hiếu chung là điều không thể tránh khỏi. Có thể 10 năm nữa, người ta vẫn chưa "cảm" được. Nhưng không, chúng tôi cứ làm. Vì mình không làm thì ai làm.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 7.

Đọc những bình luận của khán giả, anh có thấy họ"cảm" được những cái anh làm?

Có chứ. Rất may mắn là chương trình của chúng tôi có những khán giả đủ kiên nhẫn vào xem và viết từng bình luận rất dài. Chúng tôi đọc hết và cảm thấy rất hạnh phúc vì mình có được lượng khán giả tuy ít nhưng trung thành. Họ luôn luôn xem những chương trình của mình, luôn theo dõi mình. Chúng tôi đã thuyết phục được họ bằng chính nội dung chương trình.

Tôi chưa bao giờ đạt được top trending trên YouTube và cũng chưa từng mơ ước được điều đó. Chúng tôi không nhận được sự quan tâm từ mấy triệu người, nhưng cũng chỉ cần mấy trăm ngàn người luôn quay lại cũng là thành công của cả team rồi. Có những khán giả xem clip nhiều lần mà vẫn thấy "đã" và mỗi lần xem là một lần họ học được những điều mới. Mong muốn của tôi là 5 năm nữa, 10 năm nữa, mọi người xem lại chương trình vẫn cảm thấy hữu ích.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 8.

Từ khi mở kênh YouTube Dustin On The Go, điều gì khiến anh stress, đau đầu nhất?

Với Bar Stories, chuyện đau đầu nhất vẫn là khâu thuyết phục khách mời. Có rất nhiều nhân vật chúng tôi muốn mời, nhưng họ không nhận trả lời talkshow. Cũng không sao, nhưng mỗi lần một người khách mời mình thật sự thích từ chối, tôi cảm thấy rất buồn, giống như mình vừa phải nhận một thất bại. Nó là một cảm xúc cá nhân thôi. Đó là cái khó khăn nhất với tôi, tôi phải vượt qua nỗi buồn ấy và không để cảm xúc đó ảnh hưởng đến công việc chung.

Có khi nào lời từ chối khiến Dustin cảm thấy tự ti không?

Tự ti chứ. Tôi từng nhắn tin cho anh Đức Trí mời anh tham gia show Bar Stories, thì anh ấy thẳng thắn trả lời: "Anh không thích tham gia vào những show như thế", ít nhiều làm tôi cảm thấy chạnh lòng. Nhưng biết làm sao bây giờ, mình phải chấp nhận rồi vui vẻ gác nỗi buồn qua một bên. Bị từ chối nhiều mình mới mạnh mẽ hơn.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 9.

Dustin có phải là người nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi những sự cố?

Có chứ. Tôi siêu dễ bị suy sụp, vì tính nghệ sĩ mà. Rồi tập nào ít người coi thì cũng buồn chứ. Nhưng tôi cho mình buồn chút xíu thôi, xong rồi phải "move on", tiếp tục làm, làm, làm. Vì không có gì hoàn hảo 100% được hết trơn. Mỗi lần mình làm là mỗi lần mình trải nghiệm, mình sửa chữa. Cái sau phải luôn tốt hơn cái trước rồi cứ vậy mà làm.

Nhưng trên talkshow, khán giả luôn thấy một Dustin rất vui vẻ, bình thản, tích cực?

Tôi phải bình thản thì người ta mới cảm thấy yên tâm. Cái dở nhất là mình là người dẫn chương trình mà mình lo lắng. May mắn là tôi đã được luyện từ khi còn làm VJ của kênh MTV Việt Nam và từ công việc đi dẫn sự kiện trước đó. Ngay từ những ngày đầu làm VJ, tôi đã có cơ hội được dẫn chương trình ở ngoài, ở tỉnh, rồi ở những sân khấu lớn và trực tiếp. 5 năm trời đó là 5 năm trời tôi học, tôi luyện, vấp ngã. Bể show cũng có, nói vấp cũng có, lúng túng cũng có. Ai cũng phải trải qua hết, và sẽ bị "chửi" một vài lần nào đó. Nó đã qua hết rồi và mình đã học được rất nhiều bài học quý báu.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 10.

Đâu là những lần bị "chửi" mà Dustin nhớ nhất?

Hồi xưa tôi dẫn trực tiếp chương trình Học Viện Ngôi Sao. Đó là năm đầu tiên của chương trình và cũng là lần đầu tiên tôi dẫn trực tiếp. Dẫn trực tiếp là gì? Là bạn đeo tai nghe, sẽ có tỉ thứ đang diễn ra ở trên sân khấu, và trong tai của bạn là người điều phối nhắc liên tục, dễ khiến bạn bị phân tâm. Và không bao giờ có chuyện cắt làm lại, nhiều khi mình phải nói những câu chính xác trong vòng mấy giây thôi. Mình không được phá cách. Thế là tôi bị "đóng khung", bị đơ. Khán giả chửi. Tôi còn nhớ mình dẫn cùng một bạn MC nữa, hai đứa bị chửi banh chành. Lúc lên coi bình luận khóc quá chừng.

Mà bạn cũng biết, khán giả khi xem một chương trình mới và có MC mới, thì họ sẽ nói: "Đơ quá vậy", "thay MC đi". Tổn thương không? Tổn thương chứ. Nhưng mình phải biết mặc kệ, tiếp tục chiến đấu, tiếp tục vượt qua.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 11.

Làm việc với nhiều người trẻ, Dustin có nhận thấy có một làn sóng những bạn trẻ đang làm những điều không-truyền-thống và là nhân tố đột phát trong ngành của họ?

Có. Tiêu biểu như các bạn trẻ trong thế giới nhạc underground. Có nhiều tên tuổi rất mới, rất lạ. Từ giờ các bạn sẽ trở thành những nhân tố mới rất chất lượng và rất có cá tính. Nhiều bạn nghệ sĩ mới chỉ đưa nhạc lên Apple Music thôi và âm nhạc của các bạn rất quốc tế.

Những bạn trẻ thật sự đam mê và muốn tạo sự khác biệt trong ngành của mình, theo anh, họ cần chuẩn bị những gì?

Là phải đi học tất cả những gì mình còn thiếu. Và bạn cần biết những điều căn bản như ghi chú và hệ thống những suy nghĩ trong đầu, biết cách thể hiện ý tưởng cho người khác hiểu.

Vào những buổi tối, tôi thường ngồi lấy giấy vẽ ra những khung hình mà mình tưởng tượng trong đầu để đưa vào proposal (bản đề xuất ý tưởng). Để xin được tài trợ, bạn phải có cái gì đem cho người ta đọc. Đó là format, là bản proposal chứa đựng tất cả các ý tưởng của bạn. Mọi người bây giờ nghĩ rất nhiều nhưng không biết cách viết suy nghĩ của mình xuống giấy để người khác đọc.

Thứ hai, ý tưởng đó đến từ đâu? Nó không tự nhiên mà đến. Muốn có ý tưởng bạn phải di chuyển, phải đi du lịch, phải chịu khó đi ra khỏi nơi mình đang sống, khỏi vùng an toàn của bạn, đến những nơi có văn hoá khác biệt và xem thế giới người ta vận hành thế nào. Rồi tự nhiên bạn sẽ có cảm hứng. Hãy xem những chương trình mà mình vừa giải trí vừa học tập được. Và đừng quên dành thời gian đọc sách báo nữa nhé!

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 12.

Sau khi trau dồi bản thân rồi, bạn trẻ cần làm gì để được "làm nghề mình thích theo cách mình thích"?

Bắt tay vô làm liền. Làm từ những cái đơn giản nhất. Giống như hồi xưa, năm 2016, trước khi tôi thi Én Vàng, Caraoke with Dustin là một sự thử nghiệm và là chương trình đơn giản nhất tôi làm. Tôi thuê gopro (camera hành trình) 500 nghìn một ngày, thuê 4 cái, nhân lên chỉ là một cục tiền nhỏ thôi.

Tôi tự mượn xe ô tô của ba, tự mời khách mời, tự lo âm thanh. Xong rồi cứ chạy xe đi vòng vòng quay chơi. Lần đầu tiên tôi quay 2 khách mời là Phạm Hồng Phước và Quốc Thiên thì hư file! (cười lớn). Quay nguyên một ngày mà về hư file không xài được. Bước đầu tiên thấy nản rồi đó. Lúc đó tôi nghĩ: Bây giờ tiếp tục hay bỏ? Thì tiếp tục quay.

Nhân vật sau đó là Duy Khánh, vui quá trời. Tôi ra được clip đầu tiên với Duy Khánh, rồi mới có đà làm tới, làm hoài, làm hoài. Hãy làm những việc nhỏ, việc linh tinh trước đi, từ từ việc nhỏ sẽ thành việc lớn.

Dustin có thể chia sẻ về những dự định sắp tới?

Love Is Blind sẽ kết thúc mùa đầu tiên bằng 12 tập (hiện đã lên sóng 5 tập). Bar Stories vẫn sẽ tiếp tục đều đặn mỗi tháng 1 tập. Sống Phải Chất Lượng - chương trình theo thể loại documentary – sẽ quay trở lại sau một thời gian vắng bóng. Năm 2020, tôi hy vọng sẽ làm một talkshow dành cho con nít, tạm thời chỉ bật mí vậy thôi, mọi người hãy đón xem nhé! Ngoài ra, tôi mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm trong các hoạt động xã hội nhằm giảm bớt sự kì thị và phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTQ ở Việt Nam.

Dustin Phúc Nguyễn: “Muốn tạo ra sự khác biệt, bạn phải học tất cả những gì còn thiếu!” - Ảnh 13.
Minh Nguyên
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Minh Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM