Durex toan tính gì khi thâu tóm một trong những công ty sữa trẻ em lớn nhất thế giới?

12/02/2017 14:31 PM | Kinh doanh

Rất nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng đây là một nước cờ khôn ngoan khi “Không muốn có con thì mua bao cao su của Durex, mà lỡ có con thì mua luôn sữa ở đây cũng được”.

Reckitt Benckiser Group, tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu Anh Quốc với những thương hiệu nổi tiếng như bao cao su Durex hay viên ngậm Strepils vừa công bố đạt được thỏa thuận mua lại Mead Johnson, một trong những công ty sản xuất sữa trẻ em lớn trên thế giới với trị giá của thương vụ lên đến 16,6 tỷ USD.

Nghe thì có vẻ không liên quan, tuy nhiên, đây lại được xem là bước đi khá khôn ngoan của Reckitt Benckiser tại thời điểm này.

Nguyên nhân sâu sa của thương vụ thâu tóm

Mead Johnson, hãng sản xuất sữa công thức dành cho trẻ em với các thương hiệu Enfamil, Enfamama hứa hẹn sẽ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu cho Reckitt Benckiser. Trong năm 2016, doanh thu của tập đoàn này đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm do những bất ổn tại Châu Âu và các thị trường mới nổi như Brazin. Theo tính toán, Mead Johnson có thể sẽ thêm vào 3,7 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho Reckitt Benckiser.

Mặt khác, khoảng 50% doanh thu của Mead Johnson đến từ thị trường Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Theo thống kê, thực phẩm dành cho trẻ em sẽ trở thành một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất tại đây. Năm 2016, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đạt mức kỷ lục trong vòng một thế kỷ qua, tăng 7,9% so với năm trước. Trong thời gian tới, chính sách một con tại quốc gia này cũng sẽ nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Ngoài ra, nhu cầu sữa trẻ em hứa hẹn tăng đột biến tại khu vực Đông Nam Á khi ngày càng có nhiều phụ nữ ở Indonesia hay Việt Nam tham gia vào thị trường lao động. Như vậy, nhờ Mead Johnson, Reckitt Benckister có cơ hội lớn tiến sâu vào những thị trường mới tiềm năng cũng như thực hiện tham vọng biến Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 của tập đoàn này.

Ông Rakesh Kapoor, CEO của Reckitt Benckister, cũng cho rằng việc tập đoàn này mua lại Mead Johnson là một bước tiến đáng kể đưa Reckitt Benckister trở thành cái tên dẫn đầu mảng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng. Với thương hiệu sữa trẻ em Enfamil nổi tiếng toàn cầu, Reckitt Benckiser tiếp tục đầu tư thêm một danh mục sản phẩm bảo vệ sức khỏe và vệ sinh cá nhân đáng tin cậy.


Tốc độ tăng trưởng các sản phẩm hiện hữu của Reckitt Benckister đang suy giảm nghiêm trọng

Tốc độ tăng trưởng các sản phẩm hiện hữu của Reckitt Benckister đang suy giảm nghiêm trọng

Thương vụ gây bão trên mạng xã hội

Trái với phản ứng khá tích cực từ những chuyên gia kinh tế dành cho phi vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của Reckitt Benckiser, người dùng trên mạng xã hội lại tỏ ra khá hài hước khi bày tỏ sự “quan ngại” về chất lượng cũng như việc sử dụng sản phẩm bao cao su Durex trong thời gian tới.

Có người khẳng định “để đảm bảo an toàn, từ nay sẽ không bao giờ mua bao cao su của Durex nữa. Nhất là khi dịp sữa đang khuyến mại”. Cũng có người lên tiếng phỏng đoán nguyên nhân của vụ sáp nhập là do: “Thị phần bao cao su sụt giảm, nên đón đầu bằng sữa”.

Ngoài ra, rất nhiều bình luận cảm thán về “toan tính” kinh doanh của Durex: “Không muốn có con thì mua bao cao su của Durex, mà lỡ có con thì mua sữa ở đây cũng được” hay “Chiến lược kinh doanh thâm quá. Kiểu gì cũng lãi”…

Còn có người cho rằng đây là “thuyết âm mưu” sâu sa của Durex: “Làm ra 10, chọc thủng 5, mua công ty sữa rồi đầu tư thêm bỉm tã, hàng hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, “Durex sẽ tự chọc thủng các BCS của mình để tăng doanh thu cho hãng sữa” hay “Mảng sữa sẽ đền bù cho mảng BCS mỗi khi chất lượng BCS đi xuống”…

Không những vậy, nhiều người dùng còn “gợi ý” thêm cho Durex: “Hãy mua thêm công ty bình bú sữa mẹ” hay“Tạo một lỗ nhỏ trên bao cao su thì tha hồ bán sữa”, “Mua bao cao su, xảy ra kiện cáo lỗi thì bồi thường luôn bằng… sữa”…

Như vậy, dù có những phản ứng “trái chiều” từ người dùng, không thể phủ nhận việc mua lại Mead Johnson của Reckitt Benckiser hứa hẹn đem lại hiệu quả lớn trong tương lai. Giống như các thương vụ M&A khác, hai doanh nghiệp này có thể tiết giảm được nhiều chi phí liên quan đến marketing, quản lý, logistics...

Đơn cử như ở Việt Nam đang có công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam thực hiện phân phối sữa Enfa. Trong khi đó, Durex đang được phân phối bởi DKSH - doanh nghiệp trung gian chuyên về phân phối hàng tiêu dùng, dược phẩm. Khi Mead Johnson được Reckitt Benckiser mua lại thì Enfa, Durex hay Strepsils hoàn toàn có thể do một doanh nghiệp duy nhất làm nhiệm vụ phân phối.

Theo Ngọc Trang

Cùng chuyên mục
XEM