Đường vào kênh phân phối ngoại cho hàng Việt

01/07/2017 07:43 AM | Kinh doanh

Nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu là yêu cầu hàng đầu để có thể vào các chuỗi siêu thị nước ngoài mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian như hiện nay.

Chia sẻ về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, ông Nishitoghe Yasuo - TGĐ Aeon Việt Nam cho biết, Aeon có 17.000 cửa hàng tiện lợi ở châu Á, phần lớn tập trung ở Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc. Những năm gần đây, Aeon nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày một nhiều.

Cụ thể, năm 2016 Aeon nhập khẩu gần 2 tỷ yen hàng may mặc, 390 triệu yen thực phẩm, 387 triệu yen sản phẩm chế biến, 309 triệu yen sản phẩm vệ sinh.

Cũng theo ông Yasuo, dù chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây nhưng nhìn chung việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì nguồn hàng ổn định, phong phú chủng loại vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhận định về trình độ quản lý chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nói: "Hiện nay nhiều sản phẩm của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn bị chặn, như trái thanh long do nhiễm xạ. Sản phẩm từ cá tra, cá basa và gạo Việt Nam cũng thường gặp tình trạng ấy. Nguyên nhân là do chúng ta chưa thật nghiêm túc trong việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới quan tâm đáp ứng yêu cầu của các chứng chỉ như VietGap, ISO, HACCP, trong khi phần lớn các nhà phân phối lớn ở Hoa Kỳ và các nước không quan tâm đến chất lượng này".

Theo các chuyên gia thị trường, nếu muốn vào được thị trường nước ngoài, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối lớn ở các nước phát triển, doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất hàng hóa theo chuẩn hội nhập với thế giới ngay từ đầu.

Nói về chuẩn quy trình chất lượng riêng của nhà phân phối đối với nhà cung cấp, ông Lee Yong Ho - Giám đốc Phụ trách nhãn hàng riêng Lotte Mart cho biết, trong quá trình làm gia công, doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp thu và thực hành được nhiều kỹ thuật tiên tiến.

Tuy nhiên, để có thể sản xuất các nhãn hàng riêng cung cấp trực tiếp vào siêu thị, nhà bán lẻ quốc tế, doanh nghiệp cần lấy tiêu chí quản lý chất lượng làm yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phát triển nhãn hàng. Đồng thời hiểu rõ yêu cầu kiểm tra quy trình chất lượng, tiêu chuẩn mà nhà phân phối đưa ra.

Với 650 nhãn hàng được phát triển từ năm 2015, Lotte Mart luôn nắm rõ quá trình sản xuất, trực tiếp kiểm tra công xưởng của các nhà cung cấp. Quy trình quản lý chất lượng của các nước là giống nhau. Tại Việt Nam, khi đã ký hợp đồng, Lotte Mart luôn kiểm tra, hỗ trợ nhà cung cấp trong những công đoạn chưa đạt yêu cầu. Sau khi nhà cung cấp đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn Lotte đưa ra, Lotte kiểm tra lần nữa, chủ yếu là kiểm tra ngẫu nhiên, cho đến khi không phát hiện bất kỳ vấn đề nào về chất lượng. Từ tháng 5/2016, Lotte Mart đã kiểm tra chất lượng toàn bộ nhãn hàng riêng tại Việt Nam.

Về quy trình quản lý chất lượng đối với nhà cung cấp, ông Nishitoghe Yasuo chia sẻ, ngoài tiêu chuẩn chung, tùy vào từng nhóm sản phẩm mà nhà phân phối đưa ra tiêu chuẩn chất lượng khác nhau. Ví dụ đối với ngành may mặc, Aeon yêu cầu nhà cung cấp nghiêm ngặt thực hiện theo tiêu chuẩn đồng thời thêm một số bước kiểm tra về độ bền màu, độ co giãn của sản phẩm, việc tuân thủ quy định về nhãn dán...

Doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Aeon phải vượt qua 2 cuộc kiểm tra về quy trình chất lượng. Sau khi qua được các quy trình kiểm tra này, Aeon mới bắt đầu lựa chọn nhà cung cấp.

Đối với việc kiểm tra để tuyển chọn nhà cung cấp, Aeon mất khoảng 3 - 4 tháng. Aeon đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp (SCOC) và yêu cầu nhà cung cấp thực hiện như là một điều kiện. Nhà cung cấp của Aeon sẽ được miễn trừ SCOC nếu có các chứng chỉ về tiêu chuẩn chất lượng quy trình sản phẩm như ISO 9001. Aeon cũng kiểm tra về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như là một tiêu chuẩn đánh giá nhà cung cấp bên cạnh các tiêu chuẩn chất lượng thông thường.

Theo ông Albin Bertrand - Giám đốc Thu mua thực phẩm của Aucham Retail Việt Nam, chứng nhận chất lượng như ISO 9001 là điều doanh nghiệp Việt cần có nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu, Nhật Bản. Bên cạnh đó, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng trong quy trình làm hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp với đại diện nhà phân phối để tìm hiểu.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm cơ hội xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường lớn, bà Kim Thanh - chuyên viên tư vấn thị trường xuất khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu chất lượng của khách hàng.

Nếu muốn trở thành đối tác trực tiếp của nhà phân phối ngoại thì không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải tự thân vận động, học hỏi, hướng đến mục tiêu cụ thể chứ không chỉ trông chờ được các nhà phân phối đào tạo.

Đồng tình với bà Thanh, theo bà Hạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng hội nhập thế giới là cách duy nhất để phát triển bền vững. Khi đã có sản phẩm tốt, doanh nghiệp sẽ tự tin trước các cuộc kiểm tra dù bất ngờ hay có kế hoạch của nhà phân phối. Ngược lại thì không thể đi đường dài.

Theo PHẠM THỦY

Cùng chuyên mục
XEM