Dùng tiền làm thước đo cho sự giàu có là lối tư duy rất thiển cận, nhưng muốn giàu phải bắt đầu từ 5 thói quen này
Nếu tiền không phải là thước đo cho sự giàu có, vậy những yếu tố khác là gì?
*Dưới đây là lời tâm tình của Mộ Bắc, người phụ nữ vừa bước sang tuổi 40, về những thay đổi trong cách cô tư duy, nhìn nhận cuộc sống. Mộ Bắc mở đầu bài chia sẻ của mình trên Toutiao bằng một lời tự thú: "Tôi từng nghĩ giàu có là có thật nhiều tiền nhưng ở tuổi 40, tôi đã hiểu ra dùng tiền bạc để định nghĩa sự giàu có là cách tư duy sai lầm nhất " .
Kể từ khi bước sang tuổi 35, tôi đã bắt đầu suy nghĩ sâu sắc về cách làm giàu cho bản thân mình. Tuổi tác ngày một "nhích lên" khiến tôi không thể thong dong sống qua ngày mà trong đầu chẳng nghĩ gì về tương lai.
Tôi nhận ra mình càng lớn tuổi, những cơ hội dành cho mình trong các khía cạnh của cuộc sống sẽ càng ít đi. Lúc đó, tôi đã nghĩ "như vậy chẳng lẽ mình cứ phải sống "luồn cúi" dưới áp lực của tuổi tác mãi sao?".
35 tuổi, muốn nhảy việc nhưng lại không đủ tự tin, muốn đi leo núi nhưng sức khỏe lại chẳng cho phép và hơn hết, muốn kết hôn nhưng lại sợ hãi chuyện gặp gỡ, hẹn hò người mới. Đó chính là tôi của 5 năm trước. Tôi có đủ tiền để sống trong vòng 1 năm mà chẳng cần làm lụng gì, nhưng tôi lại không thấy bản thân hạnh phúc.
Đó chính là thời điểm khiến tôi giác ngộ bài học "sự giàu có không đơn thuần chỉ là có nhiều tiền".
Tôi của hiện tại, ở độ tuổi 40, lại là một "tôi" hạnh phúc, mới mẻ và khác biệt hơn hẳn so với phiên bản cũ ở bất kỳ độ tuổi nào. Dù không chắc bạn có muốn nghe chia sẻ của một bà chị 40 tuổi hay không, nhưng nhờ hình thành và duy trì 5 thói quen dưới đây, cuộc sống của tôi đã trở nên giàu có toàn diện, không bị "khuyết" bất cứ điều gì.
1 - Duy trì sức khỏe tốt là nền tảng để nuôi dưỡng bản thân
Càng có tuổi,, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe. Trước đây, tôi có thể chỉ ngủ 3-4 tiếng/ngày mà chẳng cảm thấy hề hấn gì nhưng khi bước qua tuổi 30, điều này lại trở thành vấn nạn. Ngủ không đủ giấc trong thời gian dài khiến tôi trở thành một "bà cô" cáu bẳn, lúc nào trưng lên mặt vẻ nhăn nhó, khó chịu.
Tôi thậm chí đã không nhận ra điều đó cho đến khi đi khám da liễu. 30 là số tuổi sinh học, còn số tuổi của làn da tôi khi ấy lại là 45, nghĩa là trông tôi chẳng khác gì một người 45 tuổi dù thực tế, tôi mới chỉ 30.
Sau cú shock đó, tôi bắt đầu tập thể dục hàng ngày với bộ môn Pilates, uống đủ nước, bỏ thói quen ăn đồ nhiều dầu mỡ nói riêng và những thực phẩm không tốt cho sức khỏe nói chung. Nỗ lực thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống trong khoảng 3 tháng, tôi bắt đầu cảm thấy tinh thần mình được "thả lỏng", không còn cảm giác cáu gắt, bực bội chẳng rõ lý do.
2 - Không ngừng học hỏi, phổ cập kiến thức
Điều khiến tôi cảm thấy hối hận nhất chính là tôi đã từ chối tiếp thu những kiến thức mà tôi cho rằng nó chẳng liên quan gì tới nghề nghiệp, công việc của mình. Thật buồn cười khi tôi nghĩ rằng mình có thể làm một công việc cả đời.
Học hỏi, trau dồi và phát triển kiến thức phục vụ cho công việc hiện tại là điều mà ai cũng biết cả rồi. Nhưng đừng vì thế mà nói không với việc tiếp thu những kiến thức không liên quan tới chuyên ngành bạn đang làm. Hiện tại bạn có thể cảm thấy 10, 20 năm nữa, mình vẫn sẽ làm trong ngành này nhưng khi cái "10, 20 năm" ấy thực sự đến, có thể bạn sẽ nghĩ khác đấy.
3 - Nuôi dưỡng, phát triển các mối quan hệ có điểm chung với mình
Là một người hướng nội, tôi từng nghĩ rằng "nhiêu đây" đứa bạn thân là đủ rồi. Nhưng càng có tuổi, chúng tôi lại càng tách ra xa nhau hơn một chút, vì những quyết định chẳng có điểm chung trong cuộc sống. Tôi không thể rủ cô bạn thân đã có 2 đứa con đi cà phê tâm sự vào lúc 8h tối, vì đơn giản, họ còn bận chăm con nhỏ. Tôi cũng không thể rủ cậu bạn thân đi ăn bất cứ khi nào tôi muốn, vì bạn biết mà, bạn thân khác giới mà gặp nhau lắm quá, vợ người ta sẽ chẳng vui.
Suốt gần 1 năm trời, tôi gần như chỉ đi làm rồi về nhà, có đi ăn cũng chỉ đi một mình. Cuộc sống thực sự rất cô đơn khi không có những người bạn có điểm chung với mình.
4 - Học cách đầu tư
Học và làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi từng luôn mặc định tâm hồn mình quá bay bổng để có thể làm những việc như đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản. Nhưng khi đã có tuổi, tôi nhận ra đầu tư là cách duy nhất để tiền sinh ra tiền. Gửi tiết kiệm cũng được thôi, nhưng khoản lãi từ việc tiết kiệm thực sự chẳng thấm vào đâu so với việc dùng số tiền đó đi đầu tư.
Đương nhiên, cũng có khi tôi đầu tư thất bại, lỗ nhiều hơn lãi. Chuyện đầu tư đâu, thắng đấy là quá viển vông, gần như không tồn tại. Chỉ là nếu bạn nghiêm túc học hỏi, theo đuổi hướng đầu tư bền vững thay vì đầu tư lướt sóng, tin tôi đi, rồi bạn sẽ thành công.
5 - Sống cởi mở
Khi nhìn lại những khoảng thời gian chán nản của mình trong quá khứ, tôi nhận ra thái độ sống không cởi mở là nguồn cơn của mọi đau khổ. Cuộc sống sẽ luôn có những biến số và mọi chuyện không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý mình.
Tôi đã từng sống và tư duy theo cách cứng nhắc, một lần thất bại cũng có thể khiến tôi tin rằng bản thân mình hoàn toàn vô dụng. Và thế là tôi bắt đầu chùn bước, để cảm giác lo lắng, hoảng sợ xâm chiếm toàn bộ tâm trí, thành ra trầm cảm lúc nào chẳng hay.
Mọi sự diễn ra luôn kèm theo một bài học. Câu nói này nghe có vẻ sáo rỗng, tôi cũng từng nghĩ như vậy. Ngày nào bạn còn "đóng chặt" tâm trí mình để từ chối nhìn ra bài học trong những sự kiện không như ý, ngày đó cuộc đời bạn vẫn còn chưa "hửng sáng" được đâu. Tin tôi đi.
Lời kết
Dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, chúng ta đều muốn mình được giàu có. Nhưng mong bạn hiểu rằng sự giàu có không đơn thuần nằm ở số tiền hoặc số tài sản bạn sở hữu. Tiền cũng quan trọng, nhưng để giàu có toàn diện, có tiền thôi là chưa đủ. Bạn còn cần có sức khỏe, có những mối quan hệ chất lượng và có tư duy cầu tiến trong cuộc sống.
Tất cả những yếu tố đó cùng hội tụ mới tạo ra sự giàu có toàn diện.