Đừng nghĩ mình vô can, đây là cách chiến tranh Thương mại tác động đến cuộc sống của bạn

24/07/2018 15:12 PM | Xã hội

Cho đến nay, ông Trump đã sử dụng thuế quan như một loại vũ khí chính trong cuộc chiến thương mại. Trump đã áp thuế cho rất nhiều mặt hàng và những động thái này đang dần có những tác động đối với nền kinh tế, giá cả của các mặt hàng trong nước và còn nhiều hơn nữa.

Tổng thống Donald Trump đã có một thông báo trên Twitter vào ngày 2 tháng 3 với nội dung là: "Khi một quốc gia (Mỹ) đang mất đi hàng tỷ USD để trao đổi thương mại với hầu hết các quốc gia, thì chiến tranh thương mại là một việc tốt và không hề khó để Mỹ có thể giành chiến thắng."

Dòng tweet này này chính là sự bắt đầu của cuộc chiến thương mại, rằng Mỹ sẽ áp thuế nhôm, thép nhập khẩu. Kể từ thời điểm đó, cuộc chiến thương mại của ông Trump đã lan ra rất nhiều "mặt trận". Mỹ và các quốc gia khác cũng đã đưa ra mức thuế với 85 tỷ USD hàng hóa.

Đừng cho rằng bạn vô can với cuộc chiến của ông Trump.

Trong khi thuế quan có thể thúc đẩy những ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất thép thì những ngành khác lại chịu hậu quả ngược lại. Ví dụ, Trade Partnership – một nhóm phân tích về tự do thương mại – nhận thấy rằng thuế nhôm thép sẽ khiến cho 400.000 người Mỹ bị mất việc. Việc cắt giảm nhân sự tại các nhà máy sử dụng kim loại vào sản xuất sẽ cao hơn rất nhiều so với con số 30.000 việc làm mà họ có thể đạt được.

Các công ty chắc chắn sẽ phải thực hiện các kế hoạch cắt giảm chi phí, mức giá tăng và cắt giảm nhân lực, các chuyên gia cho biết. Dẫn đến kết quả cuối cùng là, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ chậm lại và nền kinh tế sẽ chịu những tổn hại không hề nhỏ.

Tác động của chiến tranh thương mại cũng sẽ gây hậu quả tương tự ở các quốc gia khác bởi hàng chục năm qua, thế giới phát triển nhờ thương mại toàn cầu. Khi dòng chảy này bị gián đoạn, sẽ không ai đứng ngoài vòng ảnh hưởng.

Không những vậy, cuộc chiến thương mại của ông Trump đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn:

Số lượng thuế quan ông Trump ban hành đang "chồng chất" lên nhau

Những động thái cứng rắn này của ông Trump đã bắt đầu xuất hiện vào tháng Hai, khi chính quyền chính thức áp thuế với các sản phẩm máy giặt và thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu.

Thế nhưng, đến tháng 3, quan điểm chủ nghĩa bảo hộ của ông được áp dụng chính thức, khi ông Trump tuyên bố mức thuế 23% đối với thép nhập khẩu và 10% với nhôm nhập khẩu. Động thái này đã khiến cho các đồng minh e dè với Mỹ bởi thuế quan được áp dụng trên cơ sở an ninh quốc gia.

Những đồng minh như Canada, EU và Mexico cho rằng họ không phải là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ và do đó Mỹ không có lý do gì để áp thuế với những nước này. Ba quốc gia này, cùng Trung Quốc và một số quốc gia khác đã đệ đơn chống lại Mỹ với WTO, nhận định việc áp thuế quan của Mỹ là bất hợp pháp.

Cho đến nay, các mức thuế đã ban hành chưa ảnh hưởng sâu rộng tới các loại mặt hàng đến từ những đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ thay đổi.

Hiện tại, Trung Quốc là mục tiêu lớn nhất của ông Trunp với tổng số 11,7% các loại hàng hóa nhập khaiar và xuất khẩu giữa hai nước đều phải chịu thuế quan.

Ngoài ra, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế thêm 400 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhằm đáp trả. Trung Quốc đã tuyên bố, ông Trump đã khơi mào "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế." Ở thời điểm đó, lời tuyên bố của Trung Quốc có lẽ là hơi "cường điệu", nhưng sớm hay muộn nó cũng sẽ thành hiện thực.

"Chiến trường" lớn thứ hai là cuộc chiến với Canada, với 4,5% tổng số hàng hóa. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết thuế quan Trump là "sự xúc phạm".

Còn tổng số hàng hóa phải chịu thuế của EU là 1,5% và Mexico là 1,1%.

Đối với EU, Canada và Mexico, số lượng hàng hóa phải chịu thuế quan sẽ tăng lên đáng kể nếu ông Trump tiếp tục kế hoạch áp thuế lên ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu.

Các mặt hàng bị áp thuế thuộc rất nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau – từ xe ủi đến lồng ấp gà, hay thậm chí là keo xịt tóc.

Đến nay, thuế quan Trump tập trung vào các sản phẩm công nghiệp như kim loại, máy móc và linh kiện. Đặc biệt là ông Trump đã nỗ lực tấn công các ngành công nghiệp có trong kế hoạch Made in China 2025 của Trung Quốc.

So sánh có thể thấy, mức thuế đáp trả từ phía Trung Quốc, EU và các nước khác chủ yếu đều là đánh vào các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, cũng như một số sản phẩm tiêu dùng khác như sơn móng tay hay thiết bị nhà bếp

Mỗi quốc gia phải chịu những ảnh hưởng khác nhau, nhưng nhìn chung họ đang cố gắng tạo ra quan điểm chính trị riêng.

Việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp để áp thuế từ các nước khác lại không phải là ngẫu nhiên.

Theo hầu hết các phân tích, tiểu bang ông Trump thắng cử đều phải chịu phần lớn ảnh hưởng của thuế quan. Các nhà phân tích cho biết, các sản phẩm bị áp thuế này được lựa chọn nhằm gia tăng áp lực chính trị đối với ông Trump, đặc biệt là tại thời điểm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 đã diễn ra.

Đến nay, hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy người dân Mỹ đều có quan điểm phản đối thuế quan và Đảng Cộng hòa cũng đã phản đối quyết định của ông Trump ngay từ ngày đầu tiên.

Giá các loại hàng hóa bị áp thuế bắt đầu tăng

Những tác động xuất hiện sớm nhất chính là mức giá của các loại mặt hàng bị áp thuế.

Ví dụ, giá nhôm và thép của Mỹ đã tăng vọt kể từ sau khi ông Trump ban hành mức thuế quan. Giá thép cuộn cán nóng tại vùng Trung Tây, và giá tiêu chuẩn của thép tại Mỹ đã tăng lên đến 36% kể từ đầu năm cho đến đầu tháng 7. Điều này sẽ kéo theo mức giá của các mặt hàng làm từ kim loại cũng tăng.

Các công ty xây dựng đã báo cáo về mức giá cao hơn của các sản phẩm làm từ kim loại. Tương tự, mức giá của các loại máy giặt gia dụng, mặt hàng bị áp thuế vào tháng 2, cũng tăng mạnh.

Ngay cả những công ty đang sử dụng sản phẩm kim loại được sản xuất trong nước cũng đang phải chịu áp lực. Middleby Residential, một công ty có trụ sở tại California, cho biết, dù họ đang sử dụng thép được sản xuất tại Mỹ nhưng chính những áp lực về thuế quan hiện nay đã đẩy mức giá của mỗi lò nướng lên đến 350 USD.

Hiện tại, ông Trump không áp thuế vào các mặt hàng tiêu dùng như quần áo. Tuy nhiên, nếu mục tiêu áp thuế của ông có thay đổi thì cũng không phải điều gì bất ngờ.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, thuế quan Trump hiện tại tập trung chủ yếu vào các loại hàng hóa trung gian hoặc linh kiện.

Chính điều này lại gây cản trở cho những doanh nghiệp Mỹ sử dụng những linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh. Vì thế, các nhà sản xuất ở Mỹ phải chịu mức giá nhập khẩu linh kiện cao hơn, buộc họ phải cắt giảm chi phí cho một số bộ phận khác hoặc tăng giá sản phẩm, cũng có thể là họ sẽ phải thực hiện cả hai cách. Kết quả có thể xảy ra là, người tiêu dùng phải mua sản phẩm với mức giá cao hoặc công ty phải cắt giảm nhân sự.

Ví dụ, Moog Music – công ty sản xuất chiếc đàn synthesizer huyền thoại – đã cảnh báo rằng một số linh kiện của các mạch trong sản phẩm này được nhập khẩu từ Trung Quốc và hiện mức giá đang bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Việc này buộc Moog phải tăng giá sản phẩm, sa thải nhân viên và chuyển cơ sở sản xuất sang một nước khác.

Phản ứng dữ dội từ các nước khác cũng ảnh hưởng tới những doanh nghiệp Mỹ

Đậu tương là sản phẩm nông nghiệp của Mỹ được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, với hơn 14 tỷ USD cho khu vực Thái Bình Dương vào năm 2016. Kể từ khi Trung Quốc đáp trả với việc áp thuế với đậu tương thì Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, đặc biệt là những người làm nông tại nước này.

Các công ty khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Đáng chú ý nhất là công ty sản xuất xe máy tại Mỹ, Harley Davidson, đã chỉ ra rằng mức thuế mà EU đánh lên xe máy của Mỹ chính là một yếu tố quan trọng khiến họ đi đến quyết định sẽ mang phần lớn sản phẩm của mình ra nước ngoài sản xuất.

Cuối cùng, hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng thuế quan Trump sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều việc làm tại Mỹ, đồng thời tạo ra sức ép đối với nền kinh tế nước này.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM