Dùng loại cây được coi là "bò sữa của Trung Quốc" để sản xuất sữa, người đàn ông tạo ra công ty trị giá 5,8 tỷ USD, kinh doanh phát đạt suốt 80 năm

05/06/2019 14:40 PM | Kinh doanh

Cổ phiếu công ty tăng 3.500% kể từ khi IPO đã giúp nâng tổng tài sản của 8 thành viên trong gia đình người sáng lập lên 1,5 tỷ USD.

Năm 1936, Julian Arnold – một tùy viên thương mại của Mỹ đã đến Trung Quốc và có buổi nói chuyện về những đặc tính của đậu tương. Ông gọi loại cây này là "bò sữa của Trung Quốc" bởi các cây họ đậu có thể được dùng để sản xuất ra loại sữa giàu dinh dưỡng không kém sữa bò.

Chia sẻ của Julian đã truyền cảm hứng cho Lo Kwee-seong và ông quyết định thành lập công ty sữa đậu nành của riêng mình 4 năm sau đó tại Hong Kong với mục tiêu cung cấp loại đồ uống ngon, bổ, rẻ cho tầng lớp lao động vốn không có đủ điều kiện mua sữa ở thời điểm bấy giờ.

Dùng loại cây được coi là bò sữa của Trung Quốc để sản xuất sữa, người đàn ông tạo ra công ty trị giá 5,8 tỷ USD, kinh doanh phát đạt suốt 80 năm  - Ảnh 1.

Ông Lo Kwee-seong, nhà sáng lập Vitasoy.

Ngày nay, sản phẩm của Vitasoy International Holdings Ltd. đã có mặt tại 40 thị trường trên khắp thế giới, từ Mỹ đến Australia. Trung Quốc đại lục là thị trường tiêu thụ lớn nhất với hơn một nửa doanh thu hàng năm của công ty. Cổ phiếu của nhà sản xuất sữa đậu nành này đã tăng hơn 3.500% kể từ khi công ty chào bán công khai lần đầu năm 1994. Nhờ đó, 8 thành viên của gia đình Lo Kwee-seong đã gặt hái được không ít thành quả với tổng tài sản khoảng 1,5 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires.

Báo cáo tháng 4 của Grand View Research Inc. cho biết thị trường sữa đậu nành toàn cầu đạt 15,3 tỷ USD trong năm ngoái và doanh số bán sữa đậu nành có hương vị khác nhau dự kiến sẽ tăng 6,3% mỗi năm từ năm nay đến năm 2025.

Vitasoy còn là nhà cung cấp cho gã khổng lồ cà phê Starbucks và hiện là một trong những thương hiệu dễ nhận biết nhất của Hong Kong với sản phẩm được bán online và tại khắp các cửa hàng tiện lợi cũng như siêu thị.

Dùng loại cây được coi là bò sữa của Trung Quốc để sản xuất sữa, người đàn ông tạo ra công ty trị giá 5,8 tỷ USD, kinh doanh phát đạt suốt 80 năm  - Ảnh 2.

Trung Quốc đại lục chiếm 57% doanh thu của Vitasoy.

Công ty công bố mức doanh thu đạt 4,45 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 567,6 triệu USD) trong 6 tháng kết thúc vào ngày 30/9 năm ngoái, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Một nhà phân tích tại KGI Securities nhận định: "Vitasoy đã cho thấy hoạt động kinh doanh hiệu quả qua các năm và điều này sẽ giúp họ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn trong tương lai".

Lo Kwee-seong qua đời năm 1995, một năm sau khi Vitasoy IPO. Khi đó, giá trị thị trường của công ty khoảng 200 triệu USD còn ở thời điểm hiện tại, Vitasoy trị giá gần 5,8 tỷ USD. Một số thành viên khác trong gia đình của người sáng lập vẫn tham gia điều hành công ty trong đó có con trai của Lo Kwee-seong là Winston giữ vai trò chủ tịch, em gái của Winston cùng một số người cháu đảm nhiệm chức vụ giám đốc.

Năm sau, Vitasoy bước sang năm hoạt động thứ 80 và với tình hình kinh doanh hiện tại, hãng sẽ vẫn duy trì được vị thế là nhà sản xuất sữa đậu nành hàng đầu Hong Kong.

Dùng loại cây được coi là bò sữa của Trung Quốc để sản xuất sữa, người đàn ông tạo ra công ty trị giá 5,8 tỷ USD, kinh doanh phát đạt suốt 80 năm  - Ảnh 3.

Đồ uống giải khát của Vitasoy rất được giới trẻ Hong Kong và Trung Quốc đại lục ưa chuộng.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều người châu Á không dung nạp quá nhiều đường sữa như hiện nay, sản phẩm tự nhiên và tốt cho sức khỏe của Vitasoy dường như là sự lựa chọn tối ưu cho họ. Ngoài sữa đậu nành truyền thống, công ty còn đa dạng hóa và sản xuất một số sản phẩm khác như đậu phụ, nước tinh khiết, nước ép và trà chanh – một loại đồ uống được người dùng trẻ ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục hết sức yêu thích trong mùa hè.

Victoria Mai, một công chức 25 tuổi đến từ Đông Quan, miền nam Trung Quốc cho biết cô mua sữa đậu nành và trà chanh mỗi ngày. Cô nói: "Đồ uống của Vitasoy có tác dụng kì diệu với tôi bởi chúng giúp tôi giải khát và nạp thêm năng lượng mỗi khi cảm thấy kiệt sức sau những giờ làm việc căng thẳng".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM