Đừng để hoàn cảnh gia đình trở thành lí do "giới hạn" bản thân: Muốn con bạn sau này không phải chịu khổ, ngay bây giờ bạn phải thay đổi!

23/09/2019 11:16 AM | Sống

Hoàn cảnh gia đình không tốt, nghèo khổ không phải lỗi do bạn, chỉ khi bạn tự coi rẻ chính mình mới thực sự khiến người ta xem thường.

(01)

Chánh Thành năm nay vừa tròn 40 tuổi. Anh ta sinh ra trong một gia đình nghèo khó và hiện tại đang làm nhân viên công chức cho nhà nước.

Do bị ảnh hưởng hoàn cảnh gia đình từ nhỏ, đến khi trưởng thành, Chánh Thành vẫn luôn là người thiếu tự tin, thậm chí là hay tự ti về chính mình. Mà tính cách tự ti này đã khiến anh không ít lần vướng vào những rắc rối trong công việc và cuộc sống.

Trước đây, khi công ty tổ chức party để ăn mừng công ty dành được một dự án lớn. Anh đã ngại mà viện cớ không khỏe để xin ở nhà.

Chánh Thành nghĩ thế này, đã đi đám cưới hay tiệc tùng thì phải ăn mặc cho đẹp đẽ mới hợp với những nơi sang trọng đó. Hơn nữa, anh còn từng nghe đồng nghiệp mình nói chuyện với nhau, rằng hôm đó sẽ dùng tiền thưởng để mua quần áo đẹp, mời chuyên gia trang điểm đến make up...

Nhà anh kinh tế eo hẹp, anh là trụ cột gia đình, còn phải lo vợ lo con, không nên đi đến những nơi xa hoa, sang chảnh như thế. Chỉ tiếc rằng anh không thể tham gia trò chơi rút thăm trúng thưởng của công ty, nghe nói có nhiều quà "sộp" lắm.

Thực ra, có nhiều người bảo Chánh Thành như thế là mẫu người đàn ông tốt, biết suy nghĩ, lo cho vợ cho con. Nhưng nếu nhìn kĩ theo thời gian, tính cách này lại khiến anh ta tự "hạn chế" con đường sự nghiệp của mình rất nhiều.

Đừng để hoàn cảnh gia đình trở thành lí do giới hạn bản thân: Muốn con bạn sau này không phải chịu khổ, ngay bây giờ bạn phải thay đổi!  - Ảnh 1.

Nếu nghĩ đơn giản, đây là tiệc mừng của công ty, cũng chỉ toàn đồng nghiệp và nhân viên cùng công ty cả, không có người ngoài. Mà dù có người ngoài đi nữa, anh ta không cần ăn mặc xuất chúng, đủ lịch sự, gọn gàng và sạch sẽ thì cũng đủ gây thiện cảm cho người khác rồi. Cần gì nghĩ nhiều rằng người ta mặc hàng hiệu còn mình mặc hàng thường?

Mặc dù tôi là người hướng nội, và cũng không thích những chốn đông người lắm. Nhưng có những trường hợp, những dịp, bạn cần nắm chắc cơ hội, bạn phải đi. Đi để mở mang kiến thức, để kết giao, để học hỏi xem người ta có thể kiếm được dự án lớn đó về tay bằng cách nào...

Gần đây, hai đứa con trai của Thành ngày càng ít nói và có dấu hiệu tự ti như anh. Nhận ra vấn đề có phần nghiêm trọng, Thành đã liên lạc nhờ tôi cho lời khuyên.

Trước khi đó, tôi đã hỏi anh ta một vấn đề: "Hãy nhớ cẩn thận và kể tôi biết, nguyên nhân chính khiến anh trở nên tự ti như hiện tại là gì?"

Bởi vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến bản thân thấy tự ti, thông thường là so sánh với người khác rồi thấy mình kém hơn họ về lĩnh vực nào đó, như gia cảnh, học lực, sắc đẹp,... Ngoài ra, cũng có thể do bị động, chịu tác động từ môi trường bên ngoài.

Đối với Thành, năm anh ta học tiểu học, có lần ba mẹ đến trường đưa cơm hộp cho anh ta ăn trưa, vì hôm đó anh ta thức dậy trễ, đi vội nên quên mang theo. Bạn bè thấy được đã gọi ba mẹ anh là "ông bà". Vì ba mẹ anh là người dân lao động, tuổi tác có phần đi nhanh hơn những người cùng tuổi. Dù sau đó Thành có giải thích với bạn bè. Nhưng có nhiều đứa trẻ vẫn lấy chuyện "ông bà" và "cơm hộp" đến để chọc ghẹo, thậm chí cười nhạo anh. Từ đó, anh ngày một thu mình lại và lâu dần, có tính cách như hiện nay.

Hai đứa trẻ con anh cũng tương tự như vậy, do bị lối sống và cách giáo dục của ba nó ảnh hưởng mà ngày càng thu mình về một góc.

Anh ấy dạy con mình rằng, chỉ nên chơi với những bạn nhà bình thường hoặc nghèo khó. Vì những đứa trẻ giàu có, con không đủ "đẳng cấp" chi tiêu như chúng nó đâu.

Tôi biết, nói nhiều chỉ khiến anh ta phản cảm. Thế nên, tôi chỉ nhắn lại hai câu: "Anh hãy thay đổi cách suy nghĩ của mình trước. Sau đó, chọn phương pháp giáo dục phù hợp cho bé."

Vấn đề này muốn giải quyết được triệt để, phải do chính bản thân anh ta tự hiểu ra mới được. Tôi mong anh ta có thể tự mình thông suốt.

Không ai có quyền được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng chính chúng ta có quyền được lựa chọn hướng đi cho đời mình. Đừng khiến tự ti trở thành một sợi dây cản đường, buộc chặt chúng ta vào một gốc cây, khiến chúng ta đánh mất dần bản sắc riêng của mình.

Đừng để hoàn cảnh gia đình trở thành lí do giới hạn bản thân: Muốn con bạn sau này không phải chịu khổ, ngay bây giờ bạn phải thay đổi!  - Ảnh 2.

(02)

Tôi biết nói thì dễ, nhưng muốn thay đổi thật sự rất khó khăn. Chúng ta cần thời gian và nghị lực.

Trước đây, mặc dù năm nào cũng là học sinh giỏi của lớp, nhưng cảm giác thiếu tự tin vẫn đeo bám tôi suốt hơn 10 năm liền.

Có lần, khi học tiết anh văn, cô giáo hỏi chúng tôi "người nổi tiếng" dịch sang tiếng anh là gì? Ai đúng cô sẽ cho 10 điểm 15 phút. Khi đó, dù biết câu trả lời, nhưng tôi vẫn chẳng dám giơ tay.

Cả lớp chẳng ai giơ tay khiến cô bực mình. Còn Mai, ngồi cạnh tôi, nghe được tiếng tôi nói khe khẽ đã hỏi: "Cậu biết câu trả lời à, là gì thế?"

"Ừm, famous people."

"Thế sao cậu không giơ tay đi?"

"Tớ..."

Tôi chưa kịp nói hai chữ "không dám" thì cô ấy đã giơ tay lấy được điểm 10 của cô và tràn vỗ tay khen ngợi của cả lớp.

Tôi nhát lắm, tôi tự ti, và tôi vẫn luôn như vậy. Vì thế, bao lần bỏ qua nhiều cơ hội tốt ngay trước mắt. Nhưng sau này khi càng ngày càng lớn, tôi nhận ra mình cần thay đổi.

Khi bạn lớn lên, trải qua bao khó khăn, nhìn thấu nhiều việc, bạn trở nên đề phòng mọi thứ, cũng hiểu rõ được những hành động, lời nói mà cha mẹ từng nói với mình trước kia.

Bạn muốn sống là chính mình, muốn trải qua cuộc đời mình muốn, nhưng hai chữ "hoàn cảnh" lại hạn hẹp bạn trong một khuôn khổ. Nhưng nếu không muốn điều đó ảnh hưởng đến con bạn sau này, vậy chỉ còn cách tự thay đổi bản thân ngay từ bây giờ.

Đặt ra cho mình định hướng và mục tiêu, nhớ rằng chỉ cần đủ kiên trì và cố gắng, bản thân bạn, nhất định sẽ làm được.

Đừng để hoàn cảnh gia đình trở thành lí do giới hạn bản thân: Muốn con bạn sau này không phải chịu khổ, ngay bây giờ bạn phải thay đổi!  - Ảnh 3.

Đời người ấy mà, ánh mắt người khác chỉ chiếm 1/3 thời gian cuộc đời chúng ta, mà những hạn chế, trở ngại về mặt tâm lí của bản thân, hầu như đều do chính mình nghĩ quá nhiều.

Thế nên, thay vì để mắt đến định kiến của người khác dành cho bản thân, chi bằng để ý xem mình muốn gì, cần nên làm gì, sẽ phải đối mặt với cái gì.

Thành công cũng như cây cầu độc mộc, bạn muốn thành công, bạn phải đi một mình trên cây cầu đó, thậm chí còn có thể bị xem là "khác người". Nhưng vậy thì đã sao, miệng là của người khác, họ có thể dùng cái nhìn phiến diện để phán xét chúng ta. Nhưng chúng ta không được vì hoàn cảnh mà tự "giới hạn" con đường của chính mình.

Mong rằng mỗi người chúng ta đều đủ sáng suốt và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Thiên Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM