Đức: Với Facebook, tự quản lý là chưa đủ
Kể cả khi Facebook hứa hẹn làm sạch nền tảng sau khi bị tẩy chay quảng cáo trên toàn cầu, Đức vẫn cho rằng vấn đề này quá lớn và không thể để cho công ty này tự quản lý.
Luật của Đức có hiệu lực từ năm 2018 yêu cầu mạng xã hội xóa hoặc chặn nội dung phạm pháp trong vòng 24 giờ sau khi khiếu nại nếu không muốn bị phạt nặng. Quy định đang được giám sát chặt chẽ khi lo ngại về những bài viết tiêu cực trên toàn cầu đang gia tăng. Tuy vậy, tác động của luật đến nay còn hạn chế và chưa thể chặn đứng phát ngôn thù địch tại Đức.
Mặt tích cực của luật là khuyến khích các công ty mạng xã hội đầu tư hơn vào kiểm duyệt nội dung trên website. Facebook hiện có khoảng 2.000 nhân viên đánh giá nội dung tại Đức. Họ có thể kiểm tra các bài viết viết bằng nhiều thứ tiếng khác.
Công ty của Mark Zuckerberg đã xóa 1.392 bài viết năm 2019 theo luật, chiếm khoảng 1/3 khiếu nại mà họ nhận được, thấp hơn nhiều so với khoảng 250.000 khiếu nại gửi tới Twitter và YouTube. Năm ngoái, nhà chức trách Đức phạt Facebook 2 triệu EUR vì báo cáo sai số liệu đơn khiếu nại.
Trên toàn cầu, Facebook cho biết đã có động thái đối với 9,6 triệu nội dung được xác định là phát ngôn thù địch trong quý I/2020, 90% bị phát hiện và xóa bỏ trước khi người dùng báo cáo.
Facebook cam kết nỗ lực hơn trong việc xử lý nội dung tiêu cực sau chiến dịch tẩy chay quảng cáo của gần 900 nhãn hàng song không được tin tưởng. Đức muốn duy trì áp lực này. Với tư cách Chủ tịch Liên minh châu Âu luân phiên, Berlin kêu gọi hành động nhiều hơn tại cuộc họp hôm 6/7 với các Bộ trưởng Tư pháp của khối.
Phát biểu tại cuộc họp, Christine Lambrecht – Bộ trưởng Tư pháp Đức – khẳng định: “Chúng ta không chấp nhận các cuộc tranh luận công khai bị bóp méo và đầu độc. Cam kết tự nguyện và tự quản lý là không đủ”.
Quốc hội Đức tháng trước đồng ý các biện pháp mới chống lại nội dung thù địch, cực đoan phái cực hữu, trong đó có nghĩa vụ báo cáo nội dung nghi ngờ phạm pháp dành cho các mạng xã hội. Quyết định thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Hiệp hội Công nghiệp Internet Eco mà Facebook là thành viên cho rằng quản lý các nền tảng không thể giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân túy đang dâng cao. Giám đốc quản lý Eco Alexander Rabe chỉ ra truy tố hình sự là trách nhiệm của nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ không thể trở thành cảnh sát của một nước.
Ngược lại, theo Markus Beckedahl, nhà sáng lập cổng tin tức điện tử netzpolitik.de, hành động của EU vô cùng cần thiết xét tới quyền lực của các gã khổng lồ mạng xã hội. “Điều chúng ta thực sự cần lúc này là quản lý mạnh hơn, giống như đã làm với ngành thực phẩm và các ngành khác”, nhà hoạt động cho biết.