Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để báo hiếu?

22/03/2016 16:00 PM | Sống

Rõ ràng, trong nhịp sống công nghiệp, chuyện con cái báo hiếu bố mẹ bằng cách mang từ quê ra thành thị để sống chung không còn là giải pháp tối ưu nữa rồi.

Người Việt và Châu Á nói chung có quan điểm đẻ con ra để "sau này có đứa chống gậy". Tư duy đó còn phù hợp với thời đại hiện nay không? Có kéo lùi sự vận động tất yếu của xã hội toàn cầu hóa? Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão có phải là giải pháp đúng đắn không? và là bất hiếu hay văn minh?


Bài trước: Thằng chống gậy hay tính sĩ diện hão của người Việt

Ngày cuối năm, phải đi viếng đám ma mẹ của một anh bạn thân. Cụ ra đi sau hơn một năm ra Hà Nội dưỡng bệnh cùng con cháu. Những ngày cuối cùng đó, hầu hết là cụ sống trong cô đơn và được hưởng sự chăm sóc trong nhịp sống đô thị của sự mưu sinh. Sẽ có một kết cục khác nếu như cụ được chăm sóc ở viện dưỡng lão.

Người già cần được tận hưởng cuộc sống…

Người già luôn là một phần của đời sống. Khi nền kinh tế khá giả, chuyện của người già lại càng thu hút được sự quan tâm. Đặc biệt, với Việt Nam, thời kỳ dân số vàng đang qua đi và theo đó là sự già hóa của dân số. Lý do, ai cũng phải trải qua tuổi già, cái tuổi mà không ai cưỡng lại được quy luật khắc nghiệt của sinh học khiến người ta cần đến sự chăm sóc, cần sự quan tâm của người thân, của cộng đồng.

Người Việt có câu khá hay: “Khi còn trẻ bán sức khỏe lấy tiền, về già, dùng tiền mua sức khỏe.” Bạn đọc Kim Oanh, trong thư gửi tòa soạn có viết: Chúng ta luôn chú ý đến người tàn tật, những người thiệt thòi trong xã hội. Tại sao lại không có những nơi như thế cho những người già? Họ đâu cần phải sống nốt cuộc đời của mình, mà phải được tận hưởng cuộc sống theo đúng cách của nó...”


Người già mưu sinh. Ảnh minh họa: dantri

Người già mưu sinh. Ảnh minh họa: dantri

Trở lại chuyện của mẹ anh bạn, cụ vẫn sống ở quê, vui vẻ với ruộng vườn, bà con khối xóm. Ngoài tám mươi, cụ vẫn dậy sớm, ra vườn chăm bón mấy luống rau, tự tay nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc bản thân. Rồi cụ bị ngã, con cái được tin về quê, đưa cụ ra Thủ đô để chăm sóc. Chia tay với đời sống thôn quê thanh bình, ra chốn đô thành, được gần gũi con cháu, nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Con thì đi làm cả ngày, cháu thì đi học cũng từ sáng đến tối. Một mình cụ với căn nhà 05 tầng được bao bọc bởi lưới thép quanh nhà. Hàng ngày cụ đối mặt với cái… ti vi.

Có lần lên thăm cụ tâm sự: Buồn lắm cháu à, chúng nó đi suốt. Ở quê còn có vườn để ngọ nguậy chân tay, có hàng xóm để hàn huyên chuyện của người già. Ra đây, đứa nào cũng có việc của chúng nó, xem ti vi mãi cũng chán...

Những ngày cuối đời của cụ đã sống như vậy và còn mắc thêm chứng tiểu đường do được ăn uống tẩm bổ nhiều nhưng không có không gian để vận động.

Chuyện của mẹ anh bạn tôi không phải là một cá biệt. Nhiều người già ở quê đang được con cháu mang ra phố để rồi sống trong một môi trường mà không thể hợp lý cho việc chăm sóc đời sống sức khỏe và tinh thần.

Rõ ràng, trong nhịp sống công nghiệp, chuyện con cái báo hiếu bố mẹ bằng cách mang từ quê ra thành thị để sống chung không còn là giải pháp tối ưu nữa rồi.

Bắt chước nhưng rơi vãi nhiều?

Chính vì nhận thức được quá trình này, ở các nước văn minh, viện dưỡng lão đang là mô hình thu hút được đông đảo người già đến sinh sống và tận hưởng tuổi già.

Trao đổi với một anh bạn người Nhật, trong chuyến sang VN tuyển dụng y tá, điều dưỡng viên cho một trại dưỡng lão ở ngoại ô Tokyo, anh cho biết: Người già ở Nhật hầu hết họ đều có sự giành dụm được một khoản tích lũy dành cho tuổi già. Hơn thế là hầu hết họ đều có lương hưu do chính sách phúc lợi rất tốt của Chính phủ Nhật. Vào viện dưỡng lão họ được sử dụng dịch vụ chăm sóc hoàn hảo hơn mà ở các gia đình không thể có được. Trước hết đó là không gian sống với vườn hoa, cây xanh và những con đường đi dạo. Thứ nữa là những câu lạc bộ cho những người cao tuổi với đủ các sở thích: Khiêu vũ, đánh cờ, yoga..

Cùng với đó là dịch vụ y tế chuyên dụng chăm sóc cho những người cao tuổi. Vào những ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần, con cháu có thể đến thăm và chơi với ông bà với những không gian đẹp và nhiều cảnh quan văn hóa.

Vậy là một không gian giành cho sự tận hưởng tuổi già, không chỉ đời sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần. Một sự chuyên môn hóa hợp lý trong đời sống hiện đại.

Với VN, xã hội phong kiến với nền kinh tế tiểu nông đã tồn tại hàng ngàn năm nay, cùng với đó là những quan niệm truyền thống chậm thay đổi: Người già phải sống gần con cháu. Ngày nay, khi đô thị hóa như một cơn lốc, tỷ lệ dân số sống ở nông thôn đang giảm đi nhanh chóng, việc chăm sóc người già theo kiểu truyền thống không còn phù hợp nữa.

Khi cánh cửa hội nhập được mở toang, mô hình viện dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão đã được du nhập về VN. Trên địa bàn HN, t/p HCM và vùng ngoại ô đã xuất hiện hàng chục trung tâm như thế. Những cái tên như “Dưỡng lão Diên Hồng”, “Dưỡng lão Bình Mỹ”, “Dưỡng lão Hà Nội” đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên về không gian sống và chất lượng dịch vụ lại là điều đáng bàn.

Người Việt có thói quen bắt chước rất nhanh, nhưng sự bắt chước đó thường không được như nguyên bản mà những chuẩn mực của nó bị rơi vãi nhiều.

Thói quen từ ngàn đời đang thay đổi một cách chậm chạp, nhưng không thể không thay đổi. Cộng với đó là các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa được như mong muốn là nguyên nhân chính làm cho các cơ sở dưỡng lão ở VN phát triển chậm chạp.

Là nước có dân số trẻ, hiện nay, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở VN mới chỉ xấp xỉ 10%. Trong vài chục năm tới đây, khi dân số VN được già đi nhanh chóng, tỷ lệ này liên tục tăng và có thể đạt tới 20%, bằng Nhật Bản hiện nay.

Cùng với sự chuyên môn hóa của nền kinh tế, chăm sóc người cao tuổi cũng sẽ được chuyên nghiệp hóa và việc ra đời các trung tâm dưỡng lão như là một tất yếu của một đất nước trưởng thành. Người dân sẽ đón nhận và sử dụng dịch vụ này khi nó chứng minh được tính ưu việt của nó, và những cái kết cục như cuộc sống của mẹ anh bạn tôi sẽ có một kết cục khác khi lựa chọn Trung tâm dưỡng lão thay vì kết thúc cuộc đời trong ngôi nhà được bọc kín bằng lưới thép...

Theo Phan Thế Hải

Cùng chuyên mục
XEM