Thằng chống gậy hay tính sĩ diện hão của người Việt

22/03/2016 11:01 AM | Sống

Trong đầu óc nhiều gã đàn ông những đứa con chỉ là những “thằng chống gậy”. Sĩ diện đến mức còn lo trong đám tang mình, hàng xóm, họ hàng, bạn bè sẽ có ấn tượng thế nào với số lượng "gậy".

Người Việt và Châu Á nói chung có quan điểm đẻ con ra để "sau này có đứa chống gậy". Tư duy đó còn phù hợp với thời đại hiện nay không? Có kéo lùi sự vận động tất yếu của xã hội toàn cầu hóa? Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão có phải là giải pháp đúng đắn không? và là bất hiếu hay văn minh?


Bài 1: 'Thằng chống gậy' là tư duy lố bịch

Người Việt quan niệm phải có con trai để khi chết có đứa chống gậy trong đám tang của mình. Tuy phổ biến hơn ở nông thôn, nhưng quan niệm này ở thành thị cũng vẫn còn.

Theo tôi, khi yếu ớt về tinh thần, thiếu độc lập về tư duy thì con người ta hay bị bao phủ bởi quan niệm chung, thấy ông bà, bố mẹ hay hàng xóm quan niệm vậy thì mình cũng vậy. Chính tính sĩ diện ấy khiến con người ta muốn “hơn người” bằng cách dựa vào số lượng, có càng nhiều con trai càng tốt.

Le lói trong tâm tưởng những gã đàn ông hay lê la rượu chè một niềm tự hào: "ông đây" đã có ngần ấy thằng chống gậy, kiểu gì cũng hơn "trẻ trâu chúng mày" rồi. Niềm tự hào tiểu nông ấy cũng là nguyên nhân những vụ đánh chém nhau trong các bữa cỗ.

Những gã đàn ông không/chưa có con trai bị chế diễu, bắt ngồi ở một mâm có vai vế thấp hơn; trong khi những kẻ lôi điều ấy ra để tự đặt cho mình một nấc thang cao hơn kẻ khác lại là những gã đàn ông chẳng có gì nhiều để mà tự hào hơn người. Khi gặp phải gã đàn ông “không biết đẻ” có máu sĩ diện cao, lại nóng tính thì hai bên sẽ nói chuyện bằng dao phay hay cơ bắp.


Đẻ con để có người chăm sóc khi về già có phải tư duy tính toán, ích kỷ?

Đẻ con để có người chăm sóc khi về già có phải tư duy tính toán, ích kỷ?

Thật may, trong làn sương mù mịt tồn tại hàng ngàn năm ấy, vẫn có những quan niệm nhân bản, chân thực và đáng quý. Hơn chục năm trước, khi chuẩn bị rời khỏi một bữa tiệc, tôi tỉnh hẳn rượu vì tâm sự của một người đàn ông trung niên. Anh bảo: “Mọi người cứ muốn con cái phải biết ơn mình, tôi thì thấy cha mẹ cần biết ơn con cái. Chúng mang lại cho chúng ta bao niềm vui.”

Chỉ một câu nói mà tôi quý con người ấy biết bao, bởi đấy chính là suy nghĩ của tôi. Chẳng có đứa trẻ nào cầu xin chúng ta sinh ra nó, mà chính là nhu cầu tự thân của chúng ta. Một đứa trẻ sinh ra chẳng khác nào một thiên thần đẹp đẽ. Trong miền Nam gọi là một cục cưng, từ tôi rất thích. Nơi khác gọi là một hoàng tử, công chúa, cục vàng… Tóm lại là thứ quý giá nhất trên đời. Ấy vậy mà trong đầu óc nhiều gã đàn ông chúng chỉ là những “thằng chống gậy”. Sĩ diện đến mức còn lo trong đám tang mình, hàng xóm, họ hàng, bạn bè sẽ có ấn tượng thế nào với số lượng "gậy chống". Đúng là không còn gì để nói!

Cũng chính vì cái quan niệm ích kỷ ấy mà có câu: "Con trai là con mình, con gái là con người ta" hay "Con gái mà gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng đem cho. Con gái mà gả chồng xa. Một là mất giỗ hai là mất con". Tất cả đều lo cho mình, tất cả đều xuất phát từ sự tính toán sao cho có lợi với tương lai của mình "về già có chỗ nương tựa".

Trẻ cậy cha, già cậy con. Điều ấy là lẽ tất nhiên. Nhưng khi đặt quá nặng vào sự lo toan tính toán vị kỉ ấy, mọi thứ đẹp đẽ nhất trong cuộc sống đều trở nên tầm thường nhạt nhẽo. Người cha, người mẹ đích thực, những người có tâm hồn mạnh mẽ, có quan niệm sống cởi mở phóng khoáng thường thấy ở phương Tây lại động viên con hãy sải cánh đại bàng mà tung bay thật xa, đừng vương vấn, áy náy gì về bố mẹ. Bố mẹ tự lo được.

Ta sinh con là để ta trao tặng con cuộc sống. Ta nuôi dạy con để ta tặng cuộc đời một con người đẹp đẽ, đâu phải ta sở hữu cuộc đời con?

Từ đây, nẩy sinh câu hỏi: Thế chúng đi xa hết thì ai chăm sóc tuổi già? Xã hội sẽ thay đổi khi quan niệm thay đổi.

Giờ đây, chúng ta còn nhìn những trung tâm dưỡng lão với con mắt ác cảm, bởi xã hội chúng ta là một xã hội trì trệ nhiều mặt. Hệ quả là tư duy, cách làm và quan trọng hơn cả là sự thiếu trung thực trong tâm, dẫn tới thiếu trung thực trong công việc, thể hiện rõ nhất ở các dịch vụ như nhà dưỡng lão.

Con người mất lòng tin lẫn nhau khiến ai cũng nghi nghi hoặc hoặc trước muôn sự: đóng tiền như thế rồi, không biết họ có chăm sóc bố, mẹ mình tốt không. Nhiều người đành phải bỏ một việc nhiều triển vọng ở xa, để cam phận sống gần để chăm sóc bố mẹ.

Trong những trung tâm dưỡng lão ở nước ngoài. Các cụ được tập thể dục, được ca hát, đọc sách cho nhau nghe. Những người phục vụ ân cần, chu đáo, nhẹ nhàng và chuyên nghiệp trong công việc. Các cụ có thể tìm được bạn hợp với câu chuyện người già. Chẳng phải có nhiều cụ sống với con cháu mà cả ngày thui thủi, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình sao?

Tôi không nói mô hình nào tốt hơn mô hình nào. Mỗi nhà mỗi cảnh, sẽ có một cách phù hợp với gia đình ấy. Nhưng khi xã hội phát triển thì hình thái phục vụ con người cần đa dạng với chất lượng tốt. Nhưng muốn xã hội phát triển tiến bộ, chúng ta trước hết cần phải phát triển và tiến bộ trong quan niệm của mình.

Theo Nhà văn Đoàn Bảo Châu

Cùng chuyên mục
XEM