Dù thiệt hại do dịch Covid-19 nhưng du lịch Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cho du khách

19/02/2020 10:25 AM | Kinh doanh

Ước tính trong 3 tháng tới, ngành du lịch thiệt hại khoảng 5,9 - 7 tỷ USD do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt từ khâu nhập cảnh, cách ly lẫn điều trị, Việt Nam đang là điểm đến an toàn du khách nếu đã đủ điều kiện vào Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm.

Thiệt hại là có…

Trong báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia nhận định, du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh một cách trực tiếp và rõ nét nhất.

Về du lịch quốc tế (khách Trung Quốc tới Việt Nam và khách Việt đi du lịch nước ngoài), nguồn thu từ du khách nước ngoài chiếm khoảng 6,1% GDP Việt Nam năm 2019, trong đó khách Trung Quốc đóng góp khoảng 32,2%. Trung Quốc là thị trường có lượng khách lớn nhất đến Việt Nam trong 5 năm trở lại đây và 70% đến bằng đường hàng không. Trước tác động của dịch bệnh, dự kiến lượng khách Trung Quốc và một số nước châu Á đến Việt Nam cũng như du khách Việt đi nước ngoài sẽ giảm mạnh từ tháng 2/2020.

Đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ về tác động của dịch bệnh, Việt Nam là một trong những nước ở khu vực chịu tác động tiêu cực về du lịch, khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm phần trăm trong trường hợp lượng khách Trung Quốc đến, giảm 75% vào 3 tháng tới.

Bên cạnh đó, theo TS Cấn Văn Lực, nguồn thu từ khách nội địa cũng giảm mạnh khi Chính phủ có chỉ thị tạm dừng và hạn chế nhiều hoạt động lễ hội. Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề phục vụ lễ hội từ ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành... Từ đó, ảnh hưởng nhất định tới lĩnh vực du lịch trong nước và nền kinh tế trong ngắn hạn.

… Nhưng chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn cho du khách

Kể từ lúc dịch bệnh xuất hiện đến khi Chính phủ chính thức công bố dịch vào ngày 1/2/2020, đến nay Việt Nam đã kiểm soát bệnh dịch rất tốt. Các giải pháp chữa trị, phòng ngừa đã phát huy hiệu quả.

Ghi nhận cho thấy, ngành du lịch đã chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Hiện nay các điểm tham quan, khu di tích, nhà hàng phục vụ khách du lịch vẫn được mở cửa bình thường. Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để có các biện pháp phòng chống và giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Một số điểm tham quan luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất nhằm tăng cường phòng, chống dịch như phun khử trùng, phát khẩu trang, đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách…

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, trong thời gian dịch bệnh diễn ra ngành du lịch luôn duy trì trách nhiệm với cộng đồng xã hội và đặt ưu tiên hàng đầu đối với du khách và sự an toàn của du khách.

Dù thiệt hại do dịch Covid-19 nhưng du lịch Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cho du khách - Ảnh 1.

Ngành du lịch Việt Nam đang chủ động phòng dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho du khách

Với sự kiểm soát hiệu quả, biện pháp phòng tránh dịch bệnh đang được triển khai tới tất cả các địa phương, điểm tham quan, ngành du lịch khẳng định rằng du khách đến Việt Nam thời điểm này luôn được bảo đảm an toàn.

Tại Tp.HCM, ngành du lịch tổ chức phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân và du khách tại các địa điểm như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát thành phố, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Do đó, mỗi hành khách khi đến với Tp.HCM đều thấy được sự thân thiện và an toàn.

Hay để đảm bảo an toàn cho du khách, tuyến du lịch đường thủy phục vụ khách du lịch hằng ngày từ Bến Bạch Đằng (Quận 1) đi TP. Vũng Tàu và ngược lại, tất cả tàu cao tốc đều được phun khử trùng trước và sau mỗi hành trình. Song song đó, nhân viên sử dụng máy để đo thân nhiệt mỗi hành khách khi lên tàu. Nếu phát hiện hành khách có thân nhiệt cao, biểu hiện sốt, sẽ phối hợp với ngành Y tế có hướng xử lý đúng quy định. Trên tàu còn bố trí nước rửa tay diệt khuẩn và khẩu trang y tế.

Bên cạnh đó, Sở đang nghiên cứu để tham mưu các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch thành phố thu hút ngày càng nhiều du khách ngay sau hết dịch.

Dự kiến, sắp tới Tp.HCM sẽ diễn ra “ngày hội du lịch an toàn”. An toàn ở đây chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, có độ tin cậy cao về tình hình dịch bệnh ở điểm đến để du khách có hiểu biết và cân nhắc lựa chọn.

Tại Hà Nội, ngoài các văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích trên địa bàn, Sở VH&TT Hà Nội còn tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các di tích; phối hợp Sở Du lịch, chính quyền các địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng dịch. Việc phòng, chống dịch bệnh còn được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ như Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức phát miễn phí khoảng 100 nghìn khẩu trang cho khách du lịch, nhất là tại những di tích quan trọng như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Ngôi nhà Di sản 87 phố Mã Mây, đền Ngọc Sơn…

Tại Khánh Hòa, đây là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng hiện lượng khách du lịch đến từ Nga vẫn khá ổn định. Hiện Nga là thị trường khách lớn thứ 2 của du lịch Khánh Hòa (sau Trung Quốc).

Hiện nay, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vẫn đón 25 chuyến bay/tuần từ Nga.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam cho hay trong tháng 1/2020, Công ty đã đưa 36.944 lượt khách Nga đến Việt Nam. Tháng 2, số khách Nga có giảm nhẹ (34.467 lượt) nhưng tháng 3, số khách đăng ký đến nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã tăng so với tháng 1 và tháng 2 với 37.253 lượt.

Như vậy trong quý 1/2020, Anex Việt Nam sẽ đưa hơn 108.000 lượt khách Nga đến Việt Nam, trong đó phần lớn lưu trú tại Khánh Hòa.

Một diễn biến mới liên quan chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của Khánh Hòa sôi động trở lại là thông tin “Khánh Hòa đủ điều kiện công bố hết dịch COVID-19”. Kể từ ngày Khánh Hòa ghi nhận bệnh nhân đầu tiên (ngày 17/1), tỉnh Khánh Hòa đã qua 30 ngày (17/1-17/2) không có ca nhiễm mới. Như vậy, Khánh Hòa đã đủ điều kiện để công bố hết dịch.

Với nỗ lực của nhiều phía, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh giúp khách du lịch yên tâm, góp phần giảm thiệt hại cho du lịch cả nước trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời, còn tạo ấn tượng lâu dài cho khách về Việt Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện, ngay trong lúc khó khăn nhất.

Theo các chuyên gia, nếu dịch được kiểm soát tốt, ngành du lịch có thể quảng bá sớm Việt Nam là điểm đến qua chương trình xúc tiến ngay khi hết dịch. Riêng với các thị trường xa như châu Âu, Úc, Mỹ... thì nên miễn - giảm visa, có chương trình quảng bá hấp dẫn. Nếu Chính phủ giảm thuế cho DN, các khách sạn, nhà hàng, đơn vị vận chuyển, công ty du lịch... cũng cần đồng lòng không tăng giá hoặc chấp nhận giảm giá để kích cầu với chất lượng không đổi, cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM