Du khách Việt Nam và Thái Lan đi du lịch "qua lại" có thể thanh toán bằng QR Code
Sắp tới du khách Việt Nam sang Thái Lan, cũng như du khách Thái Lan sang Việt Nam có thể sử dụng mã QR Code để thanh toán. Ngân hàng Nhà nước sẽ từng bước mở rộng hợp tác triển khai thanh toán bằng QR Code ra các nước trong khu vực ASEAN.
Việc triển khai thanh toán bằng mã QR Code khi đi du lịch nước ngoài sẽ được triển khai trong thời gian tới (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)
Trong buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của báo VietNamNet tổ chức mới đây, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, về thanh toán điện tử cho du khách nước ngoài đến Việt Nam, cách đây 1 tháng, hai Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thái Lan đã ký một thỏa thuận hợp tác sử dụng QR Code để thanh toán. Thỏa thuận là khuôn khổ pháp lý để triển khai thanh toán qua mã QR Code giữa các du khách Việt Nam sang Thái Lan, cũng như du khách Thái Lan sang Việt Nam.
Ông Nghiêm Thanh Sơn cũng cho hay, việc triển khai thanh toán điện tử cho du khách nước ngoài giữa hai nước còn liên quan đến cơ chế song phương để thanh toán bằng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã nhìn ra vấn đề này và sẽ làm từng bước, mở rộng ra các nước trong khu vực ASEAN. Trước mắt, Việt Nam sẽ cùng Thái Lan cho các du khách sử dụng mã QR Code để thanh toán.
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chuẩn QR Code làm cơ sở cho các ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán có thể áp dụng sao cho mạng lưới thanh toán được liên thông với nhau qua cùng một chuẩn QR Code. Trong thời gian tới, để tăng tính bắt buộc các tổ chức phải sử dụng chuẩn QR Code chung này, Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ ban hành Thông tư quy định.
Cũng theo nguồn tin từ Vụ Thanh toán, trong mấy năm gần đây, dịch vụ thanh toán qua QR Code được nhiều ngân hàng thương mại phát triển, có 24 ngân hàng đang triển khai, 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.
Hoạt động thanh toán điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng tài khoản thanh toán của người dân tăng nhanh qua các năm. Năm 2018 có 45,8 triệu người dân trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản, chiếm 63% số người dân trưởng thành, nhưng nói chung khả năng tiếp cận dịch ngân hàng còn hạn chế, đặc biệt với đối tượng dân cư sinh sống tại nông thôn. Thị trường nông thôn là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hoạt động Fintech dù phát triển mạnh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực trung gian thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…
Trong số 30 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, phần lớn là tổ chức ví điện tử (27 đơn vị), cổng thanh toán điện tử (26 đơn vị), hỗ trợ thu hộ chi hộ (26 đơn vị), chuyển tiền điện tử (9 đơn vị). Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại cũng rất mạnh, ứng dụng công nghệ mới. Dịch vụ thanh toán qua các kênh điện thoại và Internet có giá trị giao dịch ngày càng tăng nhanh.
Như ICTnews đã đưa tin, hồi giữa tháng 7/2019, Ngân hàng TPBank đã ký thỏa thuận với UnionPay triển khai dịch vụ giúp các du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan dễ dàng thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán mã QR Code, mPOS đồng thời có thể rút tiền mặt tại các cây ATM, LiveBank của TPBank.