Dù ghét đối thủ nhưng bà Clinton cũng phải thừa nhận: Trump đang sở hữu "một thứ vũ khí" đáng sợ y hệt chồng mình

03/11/2016 07:07 AM | Xã hội

Có một sự thật trở trêu là dù đối đầu nhau trong cuộc bầu cử năm 2016 này nhưng ứng cử viên Donald Trump lại có khá nhiều nét tương đồng với chồng bà Hillary Clinton.

Cựu tổng thống Bill Clinton là ông chủ thứ 42 của Nhà Trắng trong khoảng 1993-2001. Ông là vị tổng thống đầu tiên của Đảng Dân chủ đắc cử kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt.

Bất chấp những vụ bê bối tình ái, ông Clinton vẫn được đánh giá là một trong những vị tổng thống thành công nhất trong vài thập niên trở lại đây. Sự hồi sinh của kinh tế Mỹ sau thời kỳ chiến tranh lạnh là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các chuyên gia có nhận định tích cực về ông chủ thứ 42 của Nhà Trắng này.

Trong thời kỳ Tổng thống Bill Clinton, kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 22 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7,5% xuống 4%, tỷ lệ sở hữu nhà tăng lên mức cao kỷ lục 67,7%. Ngân sách chuyển từ thâm hụt 290 tỷ USD lên thặng dư 128 tỷ USD và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 11,8%.

Tuy nhiên, có lẽ người dân Mỹ không chú trọng mấy đến những con số kinh tế mà họ ấn tượng nhiều hơn về tài diễn thuyết cũng như phong cách của Cựu tổng thống Bill Clinton.


Ông Bill Clinton cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ông Bill Clinton cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama

Bí quyết đến thành công

Có một sự thật trở trêu là dù đối đầu nhau trong cuộc bầu cử năm 2016 này nhưng ứng cử viên Donald Trump lại có khá nhiều nét tương đồng với chồng bà Hillary Clinton.

Ngoài những lý do rằng người dân Mỹ đã quá chán nản giới chính trị và muốn được thấy một kẻ ngoại đạo như ông Trump nói lên sự thật, một số chuyên gia cho rằng chính tài diễn thuyết cũng như phong cách của vị tỷ phú bất động sản này đã làm nên sự bất ngờ cho mùa tranh cử năm nay.

Ông Trump nổi tiếng là một người có tài ăn nói, biết hướng câu chuyện theo ý mình và luôn đè bẹp các đối thủ bằng phong thái mạnh mẽ của một doanh nhân thành đạt. Trong khi đó, Cựu tổng thống Bill Clinton cũng biết cách tạo thiện cảm cũng như gây ảnh hưởng đối với mọi người xung quanh. Nói cách khác, ông Clinton là một chuyên gia về giao tiếp, ứng xử.


Tỷ phú Trump từng là người quen của gia đình Clinton

Tỷ phú Trump từng là người quen của gia đình Clinton

Vậy bí quyết thật sự trong giao tiếp của vị tổng thống thứ 42 của Mỹ là gì? Rất đơn giản, đó là thật sự chú ý vào người nói hoặc khán giả.

Việc tập trung vào đối tượng nói chuyện nghe có vẻ dễ mầ thực ra lại khá khó, nhất là khi mọi người có quá nhiều việc phải làm trong ngày cùng với sự tác động của thiết bị công nghệ.

Một số nghiên cứu ngày nay cho thấy người Mỹ bình quân kiểm tra điện thoại khoảng 6 phút rưỡi trong các cuộc trò chuyện và hầu như chỉ dùng 1/3 tâm trí để tập trung vào đối tác khi đang nói chuyện. Trong khi đó, nghiên cứu năm 2010 của trường đại học Havard cho thấy con người dùng tới 47% số thời gian tỉnh táo của bản thân để nghĩ về những việc mà chúng ta không đang làm.

Với kết quả như vậy, việc ông Clinton có thể hoàn toàn tập trung tinh thần vào phía đối phương khi giao tiếp là một điều đáng kinh ngạc.

Vậy tại sao việc tập trung vào đối tác trong giao tiếp lại đem đến thành công như vậy?

Không phải đúng sai, chính sự đồng cảm mới khiến cử tri bỏ phiếu

Nguyên nhân đầu tiên là sự lắng nghe, tập trung tinh thần sẽ đem lại sự đồng cảm giữa 2 bên. Trong cuộc tranh luận ứng cử viên tổng thống năm 1992, cả ông Clinton và đương kim tổng thống khi đó George H Bush (Bush cha) đã được hỏi về tác động của nợ công đối với dân chúng Mỹ.

Tổng thống Bush khi đó liên tục trả lời vòng vo, không hiểu rõ câu hỏi và liên tục hướng vấn đề về việc giá cả tăng đã ảnh hưởng đến tất cả người dân Mỹ chứ không phải riêng ai.

Trái ngược lại với cách nói của ông Bush, ứng cử viên Clinton đã bước về phía người phụ nữ dưới khán đài đã đặt ra câu hỏi trên, nhìn vào mắt cô ấy và hỏi nợ công đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của cô.

Cuộc tranh luận năm 1992 giữa ứng cử viên tổng thống Clinton và Bush (cha)

Ông Clinton sau đó đã giải thích rằng nợ công đã ảnh hưởng đến ông, một Thống đốc của bang Arkansas như thế nào, đã cho biết mình nhìn thấy người dân phải chịu tổn thương ra sao.

“Tại bang Arkansas của tôi, khi một người nào đó mất việc, nhiều khả năng tôi còn thậm chí biết được tên của người đó”, ông Clinton nói.

Với việc tập trung lắng nghe và quan tâm tới đối phương khi nói chuyện, ông Clinton đã thu hút được rất nhiều sự đồng cảm cũng như lá phiếu từ cử tri.

Kỹ năng đơn giản mà nhiều chính trị gia không làm được

Thêm vào đó, sự lắng nghe và tập trung khiến cuộc đối thoại hay diễn thuyết trở nên mạnh mẽ hơn. Đôi khi, sức mạnh của một bài diễn thuyết hay phong cách thu hút của một con người không nằm ở những ngôn từ đanh thép hay biểu cảm dứt khoát mà là ở sự lắng nghe, tập trung chú ý vào phía đối diện.

Câu chuyện này nghe có vẻ điên rồ nhưng Cựu Tổng thống Bill Clinton đã xây dựng sự nghiệp dựa trên một kỹ năng mà hầu hết các chính trị gia không thể hoặc không muốn làm, đó là kết nối với cử tri.

Chỉ với những điều đơn giản như nhìn vào mắt người đối diện hay tập trung lắng nghe những gì họ nói, Bill Clinton có thể dễ dàng lấy được thiện cảm của cử tri.

“Trong cả cuộc đời mình, tôi luôn cảm thấy hứng thú với những câu chuyện của người khác. Tôi muốn được biết thêm về họ, hiểu họ và cảm thông với họ”, ông Clinton viết trong cuốn tự truyện của mình.


Đôi khi ánh mắt là thứ ngôn ngữ sắc bén nhất...

Đôi khi ánh mắt là thứ ngôn ngữ sắc bén nhất...


...và ông Trump cũng hiểu được điều đó

...và ông Trump cũng hiểu được điều đó

Nghiên cứu của trường đại học Miami đã chứng minh được rằng sự kết nối ánh mắt là động thái mạnh mẽ nhất trong giao tiếp với hơn 43% sự chú ý của mọi người là đến ánh mắt của người đối diện khi giao tiếp.

Bằng việc kết nối qua anh mắt, ông Clinton không chỉ thu hút được sự chú ý của mọi người mà còn có thể tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ trong lòng cử tri.

Trong cuộc phỏng vấn năm 1999 với David Letterman, nữ diễn viên nổi tiếng Gillian Anderson cho rằng sức cuốn hút đặc biệt của ông Clinton đối với nữ giới là nhờ kỹ thuật “kéo dài ánh mắt”.

“Khi chúng tôi, hầu hết là nữ giới, xếp hàng bắt tay ngài tổng thống, ông ấy sẽ đến bắt tay từng người và ngay lập tức kết nối ánh mắt. Trước khi ông ấy rời khỏi một người nào đó để chuyển qua bắt tay người tiếp theo, ông ấy sẽ nhìn lại bạn một lần nữa như để khẳng định một điều gì đó”, cô Anderson nói.

Theo diễn viên này, việc kết nối ánh mắt như vậy sẽ khiến hầu hết nữ giới tại Mỹ có cảm tình với ông Clinton.

Bậc thầy về diễn thuyết

Ngoài kỹ năng lắng nghe, tiếp xúc ánh mắt, ông Clinton còn là bậc thầy về diễn thuyết khi luôn biết cách tận dụng những đoạn nhấn nhá, nghỉ giữa các câu từ để tạo nên sự thu hút cũng như nhấn mạnh thông điệp truyền đạt.

Việc không hề sợ hãi khi đứng trước máy quay và hàng triệu khán giả, sử dụng những đoạn nghỉ một cách thông minh đã khiến các bài diễn thuyết của ông Clinton ấn tượng hơn so với bình thường.

Thêm vào đó, vị tổng thống thứ 42 này luôn biết cách kết hợp ngôn ngữ với cử chỉ cơ thể. Ông Clinton thường mở rộng bàn tay khi diễn thuyết, tạo nên sự chắc chắn và mạnh mẽ khi phát ngôn.


Ông Bill Clinton luôn biết cách sử dụng các cử chỉ sao cho hiệu quả nhất

Ông Bill Clinton luôn biết cách sử dụng các cử chỉ sao cho hiệu quả nhất


Tỷ phú Trump cũng vậy

Tỷ phú Trump cũng vậy


Tổng thống Obama cũng thế

Tổng thống Obama cũng thế

Khi muốn thu hút sự chú ý của khán giả hay gợi cảm xúc của cử tri, Bill Clinton thường mở lòng bàn tay lên trên, một cử chỉ mang biểu tượng xin phép, chân thành trong tâm lý học. Khi vào thế bị động, ông Clinton thường khoanh tay trước ngực, một cử chỉ phòng thủ trước các lời chỉ trích.

Đặc biệt hơn, ông Clinton còn biết dùng cử chỉ khuôn mặt để đem lại nhiều cảm xúc hơn cho người nghe trong các bài diễn thuyết hay tranh luận. Chỉ với những cái cười nhẹ, nhếch môi, hơi hếch cằm... cũng có thể khiến thông điệp mà Bill Clinton truyền tải khác xa so với nhiều chính trị gia khác.

Những nghiên cứu về tâm lý học cho thấy hiệu quả của các thông điệp truyền tải trong giao tiếp chịu ảnh hưởng 55% từ biểu hiện của khuôn mặt, 38% từ các cử chỉ cơ thể và chỉ có 7% là từ ngôn ngữ.

Vì vậy, có lẽ nếu bạn muốn thành công như Cựu tổng thống Bill Clinton thì có lẽ nên xem xét đi học các khóa học tâm lý và hoàn thiện khả năng giao tiếp của mình.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM