Donald Trump: Ông Obama "mù tịt" về hiện trạng thuế má ở Mỹ, hãy để tôi giải thích cho mà nghe

02/11/2016 09:41 AM | Xã hội

Obama không phải là người duy nhất mù tịt về hiện trạng thuế má ở Mỹ. Thực tế là, nhiều người đã tin vào những lời dối trá theo tinh thần tự do mà người ta đã nói với chúng ta hàng thập niên.

Đây là những dòng do chính ứng viên tổng thống Donald Trump viết khi chỉ trích về chính sách thuế của chính phủ ông Obama trong cuốn sách Time to Get Tough: Make America Great Again! Trong cuốn sách này, tỷ phú Donald Trump phản đối mọi chính sách của tổng thống Obama và đưa ra những sáng kiến độc đáo, những chính sách chưa từng có và có phần xa lạ với giới chính trị. Sau đây là phản biện của Trump về thực trạng thuế suất quá cao tại Mỹ:

Obama không phải là người duy nhất mù tịt về hiện trạng thuế má ở Mỹ. Thực tế là, nhiều người đã tin vào những lời dối trá theo tinh thần tự do mà người ta đã nói với chúng ta hàng thập niên. Lời dối trá đầu tiên là về tầng lớp trung lưu và tầng lớp thấp hơn phải gánh phần lớn gánh nặng thuế và để giới nhà giàu trốn thuế như thế nào. Nếu người ta chịu dừng lại và nghĩ xem điều này điên rồ như thế nào, hẳn họ sẽ thấy rằng chính quan niệm ấy đã bất chấp các quy luật toán học.

Trước hết, một nửa dân số nước Mỹ thậm chí còn không đóng một xu nào trong các khoản thuế thu nhập liên bang. Đó là một trong những lý do khiến việc chi tiêu liên bang tăng vùn vụt lại nguy hiểm đến thế: Một nửa đất nước sẽ nhún vai và nói "Ai thèm quan tâm? Họ đâu có tiêu tiền của tôi đâu." Vì vậy, ý kiến cho rằng tầng lớp thấp hơn đang chung vai gánh vác gánh nặng thuế là phi lý, vì nửa dân số Mỹ nằm dưới không hề trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào.

Thế vẫn chưa hết chuyện. 1% những người làm công ăn lương Mỹ nằm ở tốp đầu đóng thuế nhiều hơn toàn bộ 95% người nằm dưới- kết hợp lại. Và 10% người có thu nhập nằm trong tốp đầu đóng 71% tiền thuế thu nhập liên bang. "Nói cách khác", Scott Hodge của Quỹ Thuế cho biết, "1% người nằm tốp đầu chỉ gồm khoảng 1,4 triệu người đóng thuế và phần đóng góp của họ cho gánh nặng thuế thu nhập hiện nhiều hơn số tiền đóng của 134 triệu người đóng thuế nằm dưới". Neil Cavuto của chương trình Fox News, một người rất am hiểu kinh doanh, đã diễn đạt điều này như sau:

Nó giống việc ra ngoài ăn tối với bạn bè. Ông bạn thân của bạn ngồi ở bàn nhận lấy hóa đơn và gã giả ngu nào đó trơ trẽn nói: "Joe, đáng lẽ cậu nên để tiền boa nhiều hơn." Lúc này, một số đảng viên Dân chủ đang thúc đẩy xung đột giai cấp sẽ nói: "Phải đấy, mọi sự nên như vậy. Đúng đấy Joe ạ, đáng lẽ cậu nên để tiền boa nhiều hơn." Song khi bạn nhận ra rằng người giàu nhất trong chúng ta đang thay ta trả hào phóng cho chính phủ…. Thì ít ra, thi thoảng ta cũng nên nói lấy tiếng cảm ơn chứ.

Tôi không cần một lá thư cảm ơn nào từ bất kỳ ai. Tôi làm ra nhiều tiền và đóng nhiều thuế. Đó là chuyện bình thường. Nhưng thông tin sai lệch và những lời dối trá được mấy gã được gọi là "cấp tiến" phun ra thì thật lố bịch. Sao lại phải biến người giàu thành quỷ? Ai lại không muốn làm giàu kia chứ? Thế mấy gã này nghĩ các quỹ từ thiện lấy tiền ở đâu ra? Đó là người giàu, các doanh nhân, những người đã làm việc rất, rất vất vả đấy!

Song phần thực sự thú vị là đây- phần mà những người tự do dân chủ vẫn mù tịt: Nếu chính quyền liên bang thực sự muốn "gây rắc rối" với những người giàu và sung công thêm số tiền mà họ vất vả kiếm được để tài trợ cho những đợt chi tiêu hoang phí, điên cuồng của họ cho các chương trình xã hội phản hiệu quả, thì họ nên hạ, chứ không phải tăng thuế.

Nhưng ông bạn Steve Forbes của tôi giải thích, trước khi tổng thống Reagan bắt đầu tiến hành các chương trình cắt giảm thuế Reagan, 1% người giàu nhất nước Mỹ đóng 18% tổng thuế thu nhập liên bang. Lúc đó, đỉnh thuế suất biên đã giảm từ con số nghẹt thở 70% xuống còn 28%. Và kết quả là gì? Phần đóng thuế của họ trong hóa đơn thuế quốc gia đã tăng gấp đôi- họ đã đóng góp 36% thuế thu nhập liên bang và tạo ra 23% thu nhập quốc gia. Như tổng thống Reagan đã giải thích: "Một vài nhà kinh tế học gọi nguyên tắc này là kinh tế học trọng cung. Tôi thì gọi nó là kiến thức thông thường."

Tổng thống Barack Obama không hiểu sự thịnh vượng được tạo ra như thế nào- và chính quyền liên bang có thể hủy hoại nó ra sao. Ông ấy cũng không hiểu được sự thịnh vượng ngày nay dễ thay đổi như thế nào. Mọi người hiện nay có nhiều lựa chọn. Các cá nhân và doanh nghiệp có thể "chơi" ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ví dụ, thuế suất doanh nghiệp ở Ireland là 12,5%. Còn ở Mỹ thì sao? Thuế suất của chúng ta đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản, với con số là 39%.

Nghĩa là, các doanh nghiệp của ta có thể tiết kiệm đến 26,5% tiền thuế chỉ bằng cách dời doanh nghiệp của họ ra nước ngoài. Và họ đã làm thế- với số lượng rất lớn. Thực tế, thuế suất doanh nghiệp trung bình của quốc tế là 26%. Thuế suất cao đang chuyển sự thịnh vượng và công ăn việc làm ra nước ngoài theo đúng nghĩa đen của từ này, và điều này chỉ làm giảm đi phần thu thuế mà đáng lẽ chính phủ liên bang sẽ thu được.

Một điều khác nữa về thuế suất doanh nghiệp cao là xét cho cùng, người trả hóa đơn không phải là các công ty, mà là người tiêu dùng. Quỹ thuế đã chạy các con số và nhận thấy rằng từ năm 2007, thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang thu được 370 tỷ USD. Họ kết luận thêm rằng mỗi năm một hộ gia đình bình thường ở Mỹ phải trả 3.192 USD cho thuế thu nhập doanh nghiệp. Một lần nữa, Barack Obabma không hiểu điều mà Ronald Reagan đã hiểu. Đây là cách Tổng thống Reagan giải thích ảnh hưởng xói mòn của các loại thuế doanh nghiệp lên người Mỹ bình thường:

Một số người nói phải chuyển gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và các ngành nghề, nhưng doanh nghiệp không hề trả thuế. À, xin bạn đừng hiểu sai ý tôi. Doanh nghiệp bị đánh thuế, cao đến mức chúng ta nổi bật hẳn lên trên thị trường thế giới. Nhưng doanh nghiệp phải chuyển các chi phí vận hành của mình- và trong đó gồm cả thuế- cho người tiêu dùng dưới dạng giá sản phẩm. Chỉ người dân mới trả thuế, mọi thứ thuế. Chính phủ chỉ sử dụng doanh nghiệp theo một cách lén lút để giúp thu thuế. Chúng bị giấu vào giá cả; chúng ta không ý thức được thực sự mình đã trả bao nhiêu tiền thuế.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM