Dự báo giá xăng lên 30.000 đồng/lít: Khó chồng khó

10/03/2022 08:35 AM | Kinh doanh

Với tốc độ tăng giá dầu thế giới như vừa qua, giá xăng dầu trong nước liên tiếp tăng theo và được dự báo sẽ vượt trên 30.000 đồng/lít, cộng đồng doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên. Nếu không có giải pháp giảm thuế phí kịp thời và đủ lớn để kìm bớt đà tăng giá xăng dầu, nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

 Dự báo giá xăng lên 30.000 đồng/lít: Khó chồng khó  - Ảnh 1.

Giá xăng dầu liên tiếp tăng gây sức ép lớn tới nhiều ngành kinh tế

Xăng dầu chiếm 50-70% chi phí sản xuất nhiều ngành

Vừa tăng giá vé, cước vận tải hàng hoá lên 5% nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hoá kêu trời và tỏ ra lo lắng nếu như giá xăng, dầu tiếp tục tăng nữa. So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu đang chênh lệch 8.000 đồng/lít.

Ông Đào Minh Kha, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Minh Kha cho biết, mỗi tháng công ty sử dụng khoảng 100.000 lít dầu cho xe vận tải. Với mức giá này, công ty đang gánh thêm khoảng 800 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí nhiên liệu khác cũng leo thang 40% so với năm ngoái. Vừa rồi, khi giá dầu tăng, doanh nghiệp đàm phán với chủ hàng mới thì có đến 30% chủ hàng đồng ý tăng giá cước vận tải lên 5%.

“Giá xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp khó gồng gánh được chi phí. Trong khi đó, việc đàm phán với đối tác tăng cước là vấn đề lớn chứ không phải doanh nghiệp muốn tăng là tăng được”.

“Giá xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp khó gồng gánh được chi phí. Trong khi đó, việc đàm phán với đối tác tăng cước là vấn đề lớn chứ không phải doanh nghiệp muốn tăng là tăng được”, ông Kha nói.

Về phía các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội, ngoài việc liên tục đàm phán với khách hàng về mức cước mới để giảm thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch thu hẹp hoạt động tới 50% và có ý định chuyển sang lĩnh vực khác để cắt lỗ.

Tại phòng vé bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), nhiều nhà xe mở bán vé nhưng gần như không có khách mua. Nhân viên bán vé nhà xe chạy tuyến Hà Nội- Yên Bái cho biết, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10 vé/chiều. Theo lãnh đạo bến xe Mỹ Đình, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Giá xăng dầu tăng cao, nhiều nhà xe tiếp tục cắt giảm số đầu xe vào bến.

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, cả sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm 2022 đều giảm mạnh. Cụ thể, lượng hành khách vận chuyển chỉ đạt 46,7 triệu lượt, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm 2021; số hành khách luân chuyển đạt 1.143 triệu lượt, giảm 26,6%. Trong khi đó, doanh thu từ vận tải khách chỉ đạt 2.314 tỷ đồng, giảm hơn 29%.

Không chỉ vận tải, những ngày qua giá xăng dầu liên tiếp tăng cao đã khiến các ngành khác như thuỷ sản, khai thác than ảnh hưởng nặng nề. Ở nhiều địa phương trên cả nước, tàu bè “nằm bờ” vì không chịu nổi mức tăng của xăng dầu.

Không chỉ vận tải, những ngày qua giá xăng dầu liên tiếp tăng cao đã khiến các ngành khác như thuỷ sản, khai thác than ảnh hưởng nặng nề. Ở nhiều địa phương trên cả nước, tàu bè “nằm bờ” vì không chịu nổi mức tăng của xăng dầu.

Ông Nguyễn Văn Bé, thuyền trưởng tàu đánh bắt hải sản tại Quảng Xương (Thanh Hoá) cho biết, giá bán hải sản giữ nguyên trong khi giá xăng dầu tăng mạnh. Ví dụ, trước đây chỉ cần 1 triệu đồng tiền xăng dầu cho mỗi chuyến ra khơi thì nay con số tăng lên tới 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán hải sản thu về gần như giữ nguyên. Vì vậy, nhiều ngư dân như ông Bé cho tàu “nằm bờ”, vì càng ra khơi, càng lỗ do chi phí xăng dầu tăng cao.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê, xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Tiêu biểu như chi phí xăng dầu chiếm 76,7% chi phí hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,3% chi phí hoạt động vận tải; 45,1% đối với khai thác than… Giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào. Trong khi giá bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể tăng tương ứng, vì trong và sau đại dịch, sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm.

Ông Lâm nhận định, sau đại dịch, “sức khỏe” của doanh nghiệp đã suy giảm, không còn như trước. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với hàng ngàn khó khăn và thử thách. Nếu giá xăng dầu tăng và đứng ở mức 125USD/thùng trong dài hạn sẽ khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp gia tăng cùng với giá cước vận tải tăng khoảng 6,5-7,5%. Điều này sẽ làm cộng đồng doanh nghiệp suy yếu thêm và làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế.

“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là “máu” của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế. Có thể thấy, xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt, xăng dầu chiếm 40%-45% trong cơ cấu giá thành vận tải. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, giá xăng dầu tăng cũng tác động trực tiếp làm tăng lạm phát của nền kinh tế”, ông Lâm nói.

Giá xăng dầu có thể tăng 3.000 - 4.000 đồng/lít vào 11/3

Tính đến 20 giờ, gày 9/3, trên thị trường thế giới giá dầu Brent được giao dịch ở mức 124 USD thùng, dầu WTI 120 USD/thùng. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương đến ngày 8/3, giá bán lẻ tại Singapore: xăng RON 92 ở mức gần 150 USD/thùng (tăng 36 USD/thùng so với ngày 1/3); Xăng 95 có giá 144.8 USD/thùng (tăng 28 USD/thùng), dầu Diesel 157,6 USD thùng (tăng 40 USD/thùng). Các doanh nghiệp xăng dầu tính toán, giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức 3.000-4.000 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3 sắp tới.

Giảm thuế bảo vệ môi trường thấp, ít ý nghĩa

Trước việc giá xăng dầu liên tiếp tăng nhanh, Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu được Quốc hội thông qua, mức giảm này chưa có nhiều tác dụng. Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, mức giảm này còn thấp so với phần thuế trong cơ cấu giá thành xăng dầu.

Theo ông Long, dư địa giảm thuế xăng dầu hiện vẫn còn. Chẳng hạn, thuế bảo vệ môi trường có thể giảm tới 4.000 đồng/lít hoặc giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đặc biệt là đang ưu tiên dành cho chương trình phục hồi kinh tế, mức giảm trên cũng là nỗ lực của các bộ, ngành.

Để tránh tăng giá sốc, ông Long cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát và cân đối lại nguồn thu xem những lĩnh vực nào còn tiềm năng mà chưa khai thác hết có thể tận dụng để bù đắp phần thiếu hụt từ xăng dầu.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường này chưa đủ sức để giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh. Qua đó, mặt bằng giá cả thị trường sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

“Dư địa giảm vẫn còn nhiều, theo tôi, Chính phủ và Quốc hội cần xem xét cẩn trọng. Nếu giảm thuế một cách hợp lý, sản xuất sẽ được thúc đẩy, doanh nghiệp “hồi sinh” sau những ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, làm như thế đời sống người dân sẽ được cải thiện rõ rệt. Bộ Tài chính không nên chỉ nhìn vào việc giảm thuế 1.000 đồng/lít thì ngân sách giảm thu khoảng 14.000 tỷ đồng. Vấn đề quan trọng hơn là khi giảm thuế, chi phí sản xuất, kinh doanh sẽ giảm; doanh nghiệp, người dân sẽ được tiếp sức. Đây mới là vấn đề toàn xã hội mong chờ”, ông Phú nhấn mạnh.

Thường vụ Quốc hội chất vấn điều hành giá xăng dầu

Sáng nay (10/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thường kỳ thứ 9 với nhiều nội dung quan trọng. Phiên họp sẽ dành 1 ngày chất vấn với hai nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tập trung vào tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nội dung chất vấn tập trung vào việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo N.Mai - D.Hưng - Q.Nga

Cùng chuyên mục
XEM