'Bão giá' toàn thế giới: Một loại snack ở Nhật Bản tăng giá sau 43 năm, dân nghèo Mỹ, Anh chật vật sống qua ngày
Người dân ở nhiều quốc gia đã bắt đầu chịu tác động của cơn "bão giá" trong bối cảnh hiện tại.
Theo một báo cáo mới được Liên Hợp Quốc công bố, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu đã ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là biến đổi khí hậu cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Không những vậy, cuộc xung đột gần đây giữa Nga và Ukraine – hai quốc gia xuất khẩu lương thực lớn của thế giới, cũng làm gia tăng áp lực giá cả với những mặt hàng như nhiên liệu và ngũ cốc.
Người dân ở nhiều quốc gia đã bắt đầu chịu tác động của cơn "bão giá" trong bối cảnh hiện tại.
Giá lương thực, thực phẩm leo thang
Do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá của nhiều loại thực phẩm như bánh mì, một số loại thịt, bia và thức ăn chăn nuôi tại Mỹ đã tăng giá. Do giá nhiên liệu sản xuất là khí đốt tự nhiên tăng vọt, nông dân Mỹ phải chịu cảnh giá phân bón tăng cao.
Trong khi đó, những nước dựa chủ yếu vào nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine như Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Lebanon hay Ai Cập cũng ở trong tình cảnh tương tự Mỹ.
Thậm chí, tại Nhật Bản, Umaibo – món ăn vặt nổi tiếng chưa từng tăng giá, mới đây đã tăng thêm 2 yen/gói kể từ tháng 4. Đây là lần đầu tiên sau 43 năm công ty sản xuất Umaibo tăng giá sản phẩm này.
Một người dân Tokyo cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ là mặt hàng như snack Umaibo – thứ mà ngay cả trẻ em cũng có thể mua được, lại bị ảnh hưởng".
Đây cũng là một lời nhắc nhở rằng Nhật Bản, ngay cả sau nhiều thập kỷ giảm phát, cũng không tránh được tình trạng chi phí hàng hóa và vận tải tăng cao. Trong khi giá cả nhiều mặt hàng đang tăng mạnh ở phương Tây, đến nay, các công ty Nhật Bản vẫn cố gắng không tăng giá trên diện rộng vì sợ mất đi đối tượng khách hàng nhạy cảm với sự thay đổi của giá cả.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm do dịch bệnh và xung đột có khả năng làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới.
Mối lo giá xăng tăng
Một trong những mối lo lớn nhất hiện nay của nhiều người ở Mỹ và các nước khác là giá xăng dầu tăng. Vốn dĩ, ngành dầu khí tại không ít quốc gia đã bị đình trệ do đại dịch, khiến giá năng lượng tăng mạnh trong năm qua.
Thời điểm hiện tại, việc Nga – quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba và khí đốt lớn thứ hai thế giới, mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, đã khiến cơn sốt này càng gia tăng.
Dù Mỹ đứng đầu thế giới về sản xuất dầu mỏ và khí đốt nhưng người dân vẫn phải chịu sức nóng của việc tăng giá xăng. Đối với họ, việc di chuyển bằng ô tô quả thực không hề dễ dàng chút nào trong thời gian này, đặc biệt là những người và doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải. Không ít người bày tỏ sự lo ngại rằng giá xăng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hóa đơn năng lượng tăng vọt
Trong đại dịch, thu nhập của rất nhiều người lao động trên thế giới đã bị cắt giảm và người dân nước Anh không phải ngoại lệ.
Thu nhập giảm, giá nhiều sản phẩm tăng vọt đã khiến một bộ phận người dân Anh phải chật vật sống qua ngày. Chị Nicola Frape – một nhân viên y tế sống tại thành phố Ashford, giờ đây đã phải từ bỏ thói quen dùng máy sưởi trong những ngày đông giá rét.
Chị Nicola Frape (Ảnh: Internet).
Thay vào đó, trước khi đi ngủ, chị tắt máy sưởi, cuộn mình trong chăn cùng con và một bình nước nóng để ủ ấm. Giống chị Frape, không ít người chọn cách mặc thêm áo hay đắp thêm chăn vì nếu bật máy sưởi nhiều, hóa đơn năng lượng của họ sẽ tăng vọt lên mức khó tin.
Không những vậy, các hộ gia đình ở Anh còn cắt giảm nhiều chi phí khác như đi dã ngoại, ăn ngoài hàng, đi xem phim hay mua sắm. Họ nằm trong số hàng triệu người Anh từng có cuộc sống dư dả ngày trước nhưng giờ đây phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc "bão giá" trên toàn cầu.
Nguồn: RT