"Đốt" 13% GDP trong 3 tháng, cách Đan Mạch "đóng băng" để tránh đại suy thoái có gì đặc biệt?
Chính phủ Đan Mạch đồng ý giúp đỡ các công ty tư nhân trả lương miễn là họ không sa thải nhân viên.
Đại dịch do virus corona gây ra đang đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái, buộc các chính phủ phải tung ra những gói cứu trợ khổng lồ. Từ trung tuần tháng 3, Đan Mạch đã có bước đi chưa từng có tiền lệ để giúp nền kinh tế chống đỡ với virus corona.
Theo đó, chính phủ Đan Mạch sẽ chi trả 75% chi phí lương cho các chủ doanh nghiệp để họ không phải sa thải nhân viên trên diện rộng. Kế hoạch này sẽ khiến Đan Mạch tiêu tốn khoảng 13% GDP trong 3 tháng.
Để làm rõ hơn về gói giải cứu này, phóng viên The Atlantic đã có cuộc phỏng vấn Flemming Larsen, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu thị trường lao động của ĐH Aalborg University.
PV: Ông có thể miêu tả sơ qua về tình hình ở Đan Mạch hiện nay?
Flemming Larsen: Đan Mạch gần như đã đóng cửa toàn bộ trường học, các địa điểm công cộng, nhà hàng, viện bảo tàng, rạp chiếu phim. Không được tụ tập trên 10 người. Biên giới cũng đã đóng cửa.
PV: Chính phủ Đan Mạch vừa thông báo gói kế hoạch lớn nhằm giúp đỡ nugời lao động trong những tháng sắp tới. Ông hãy nói cụ thể hơn về điều này?
Larsen: Chính phủ Đan Mạch đồng ý giúp đỡ các công ty tư nhân trả lương miễn là họ không sa thải nhân viên. Nếu 1 công ty thông báo sẽ phải sa thải 30% nhân viên hoặc ít nhất 50 người, chính phủ sẽ chịu 75% chi phí, tối đa 3.228 USD/người/tháng.
Ý tưởng ở đây là chính phủ muốn các công ty đảm bảo việc làm cho người lao động. Nền kinh tế sẽ khó hồi phục hơn nếu như các công ty phải mất thời gian tuyển dụng lại những lao động mà họ đã sa thải.
Dự định chương trình này sẽ được áp dụng trong 3 tháng, với hi vọng sau đó tình hình ổn định và mọi thứ sẽ bình thường trở lại.
PV: Nhưng liệu các công ty có dễ dàng gian lận, lừa dối chính phủ để có được khoản tiền đó?
Larsen: Có thể, nhưng những lao động được hưởng khoản tiền trợ cấp sẽ không được phép làm việc trong 3 tháng đó. Những người vẫn làm việc thì không được nhận khoản hỗ trợ 75%.
PV: Một số chuyên gia kinh tế của Mỹ nói rằng Mỹ nên học tập cách làm này Kurzarbeit của Đức, tức là lao động được giảm giờ làm và sau đó chính phủ hỗ trợ trả một phần lương cho các lao động đó. Kế hoạch của Đan Mạch có giống như vậy không?
Larsen: Không hoàn toàn chính xác. Ở Đức, chính phủ và doanh nghiệp cùng chia sẻ chi phí lương trả cho những người vẫn làm việc. Còn ở đây, đó là trả lương cho những người không làm việc. Họ được trả lương mà không cần làm gì cả. Logic là nhiều người đột nhiên đứng trước nguy cơ mất việc nhưng nếu họ bị sa thải thì sau này doanh nghiệp sẽ rất khó thích nghi. Làm theo cách này thì các công ty vẫn giữ được lực lượng lao động, người dân vẫn giữ được lương trong thời khủng hoảng.
PV: Tôi sẽ tóm tắt lại như thế này: Đan Mạch đang để cho nền kinh tế "đóng băng: trong 3 tháng. Chuyện mọi người không thể làm việc trong 3 tháng là không thể tránh khỏi, do đó thay vì giờ sa thải và sau này lại phải vất vả tuyển dụng lại, điều khiến kinh tế khó hồi phục hơn, hãy để cho nền kinh tế đóng băng, và khi dịch bệnh qua đi thì sẽ "rã đông", mọi thứ quay trở lại như cũ. Có đúng như vậy không?
Larsen: Chính xác. Chúng tôi đang đóng băng nền kinh tế. Bởi vì chính phủ lo ngại về những thiệt hại mà toàn bộ hệ thống phải gánh chịu trong dài hạn. Nhưng cũng đi kèm với dự báo là dịch bệnh chỉ kéo dài 3-4 tháng.
PV: Chính phủ Đan Mạch còn làm những gì để hỗ trợ nền kinh tế?
Larsen: Có một vài thứ khác. Để ngăn khu vực tài chính đóng cửa, chính phủ cũng bảo lãnh cho 70% các khoản vay mới mà ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp. Điều này sẽ khuyến khích cho vay bất chấp số lượng vỡ nợ có thể tăng lên.
Ngoài ra, bình thường mọi người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp thì phải tới trung tâm việc làm và nộp một vài đơn xin việc. Có rất nhiều quy tắc. Nhưng giờ chúng đều được tạm dừng. Không có yêu cầu nào cả.
Các bang cũng đồng ý hỗ trợ chi phí cố định cho doanh nghiệp, ví dụ như tiền thuê đất và các nghĩa vụ trên hợp đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại. Nếu trước đây doanh thu của 1 doanh nghiệp là 1 triệu USD mà giờ đây chỉ còn 100.000 USD, họ đã mất 90% thu nhập và sẽ nhận được khoản trợ cấp lớn.
Kỳ nộp thuế doanh nghiệp mùa xuân đã được hoãn đến mùa thu, và tất cả các công chức nhà nước vẫn được hưởng lương dù phải ở nhà.
PV: Có vẻ gói cứu trợ này rất đắt đỏ. Chính phủ Đan Mạch dự đoán chi phí sẽ là bao nhiêu?
Larsen: Vào khoảng 287 DKK (tương đương 41 tỷ USD), bằng 13% GDP Đan Mạch. Nếu quy ra kinh tế Mỹ, tương đương 2.500 tỷ USD được tiêu chỉ trong 13 tuần!
PV: Ông có thể so sánh phản ứng lần này với những gì Đan Mạch đã làm trong khủng hoảng tài chính 2008?
Larsen: Lần này lớn hơn nhiều. Ở cuộc khủng hoảng trước, chính phủ lo lắng về nợ công và đã có 1 cuộc tranh luận rất lớn kéo dài về việc Đan Mạch có nên chi nhiều tiền hay không. Cuối cùng thì chúng tôi là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh nhất trong cuộc khủng hoảng đó.
Ngày nay nền kinh tế Đan Mạch đã mạnh hơn rất nhiều, với thặng dư lớn, tiết kiệm dồi dào và lãi suất âm. Vì thế có rất nhiều dư địa để kích thích tài khóa. Môi trường chính trị cũng đã thay đổi, trong vài năm gần đây chúng tôi chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi xã hội.
PV: Có phải 10 năm trước đã có cuộc tranh luận gay gắt về gói kích thích còn giờ thì ai cũng đồng tình rằng tất cả những gì cần làm là cứu lấy nền kinh tế?
Larsen: Đúng, chỉ là cứu lấy nền kinh tế, với suy nghĩ là nếu không làm bây giờ thì sau này chi phí để cứu sẽ đắt đỏ hơn nhiều. Chúng ta đã nhìn thấy virus có thể gây ra những điều tồi tệ như thế nào ở Ý và Tây Ban Nha. Tôi nghĩ ai cũng đang rất lo lắng, chúng ta đang đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng rất lớn.
PV: Ông có nghĩ đây là 1 ý tưởng tốt?
Larsen: Tôi cũng không chắc, ở thời điểm này không ai có thể chắc chắn về bất cứ điều gì. Đó là những hoàn cảnh chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng nếu bạn để cho các công ty phá sản và đời sống người dân bị hủy hoại, sẽ mất nhiều năm trời để xây dựng lại. Vì thế tôi cho rằng đây là 1 quyết định sáng suốt.