Dòng tiền dịch chuyển mạnh mẽ vào thị trường đất nền vùng ven TP.HCM
Sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản tại một số khu vực vùng ven phía Tây Bắc TP.HCM tiếp tục sôi động ở phân khúc nhà ở và đất nền riêng lẻ. Giá sản phẩm đến cuối tháng 3 có xu hướng tăng từ 10-15% so với cuối năm 2017.
Dòng tiền hướng về đất nền vùng ven
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia phân tích độc lập, cho rằng thị trường tiếp tục chuyển biến tích cực khi dòng tiền đầu tư vào bất động sản có xu hướng tăng. "Thị trường đang rất nhạy cảm. Nhưng theo những dấu hiện tôi đang quan sát, khả năng những cơn sốt sẽ có thể quay lại vào sau dịp Tết Nguyên đán, tức là khoảng quý 2/2018", ông Chánh nói thêm.
Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân của cơn sốt nhà đất tại một số khu vực vùng ven của TP.HCM vẫn chưa có điểm dừng là 2018 là năm thành phố dành tiền khá lớn để đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối trung tâm TP.HCM với các khu đô thị vệ tinh mở rộng theo quy hoạch vùng vừa được Chính phủ phê duyệt.
Theo khảo sát thực tế, trong quý I/2018, các sản phẩm bất động sản tại các quận như Tân Phú, huyện Củ Chi, Nhà Bè, hoặc vùng giáp ranh như Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An) đang được nhiều khách hàng quan tâm và tập trung ở phân khúc đất nền/ nhà phố…
Trong đó, đất nền trong dân tại đây cũng có dấu hiệu tăng và được nhiều khách hàng tìm mua, nhất là các khu vực càng gần đường quốc lộ, cao tốc đang được săn đón nhiều. Một số lô đất tiếp giáp đường mặt tiền QL50 có giá dao động từ 30-40 triệu đồng/m2, giá đất ở một số tuyến hẻm đấu nối vào hồ từ 10-20 triệu đồng/m2 tùy theo từng vị trí và tùy theo hẻm lớn hay nhỏ.
Ông Hồ Quang Tây, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Văn phòng Đại diện Khu vực ĐBSCL, cho biết: "Hiện nay, một số khách hàng có vốn mạnh từ Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận ở ĐBSCL có xu hướng tìm mua nhà đất tại một số vùng giáp ranh với TP.HCM để đón đầu quy hoạch mở rộng vùng đô thị TP.HCM nhằm trực tiếp kinh doanh hoặc cho thuê lại".
Theo một số đơn vị kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản tại khu Tây Bắc TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Dòng tiền nhàn rỗi trong dân đầu tư vào bất động sản có xu hướng tăng thay vì đầu tư vào các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hoặc đem gửi ngân hàng.
Còn theo ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Khu vực ĐBSCL, lượng khách hàng tập trung đầu tư lẫn đầu cơ thường tập trung vào các dự án gần kề các khu vực mở đường, nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố như dự án mở rộng tuyến QL 50, mở rộng và nâng cấp đường Phạm Hùng (quận 8), tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành, xây dựng cầu nối TP.HCM với huyện Cần Giờ…
"Một số khách hàng là người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đền bù, giải tỏa để thi công cơ sở hạ tầng thay vì chờ đợi nhận nền tái định cư cũng chủ động tìm mua đất nền xây dựng hoặc mua nhà ở ngay" vị này cho biết.
Hạ tầng giao thông quy mô lớn đang được gấp rút đầu tư nhằm rút ngắn khoảng cách kết nối trung tâm TP.HCM với các khu đô thị vệ tinh
Long An dồn dập đón dự án mới
Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 11 công trình giao thông mang tính kết nối quan trọng với TP.HCM và khu vực miền Tây... Trước đó, năm 2014, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai đã chính thức được khởi công. Dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị TP.HCM. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu, tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và Khu Đô thị cảng Hiệp Phước.
Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc - Long An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc.
Hiện nay đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km cũng đang được triển khai. Mặt cắt ngang đường giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường đô thị và vỉa hè 2 bên, bề rộng 74,5m; trên tuyến có 10 cầu vượt sông và 1 cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 1A.
Khi hoàn thành, tuyến Bến Lức - Hiệp Phước sẽ giảm tải giao thông nội đô TP.HCM, kết nối liên hoàn toàn khu vực miền Nam và là tuyến đường huyết mạch trung chuyển hàng hóa đi cảng Hiệp Phước, lưu thông ra quốc tế qua đường biển.
Theo đề án Quy hoạch vùng TP.HCM thì 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa của tỉnh Long An sẽ là đô thị vệ tinh của thành phố. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và đô thị phát triển mạnh mẽ sẽ là động lực để thị trường bất động sản của tỉnh tăng trưởng trong tương lai gần. Vì vậy, so với khu vực TP.HCM, thị trường đất nền, nhà phố tỉnh Long An không xảy ra tình trạng "sốt" hay tăng giá đột biến nhưng vẫn đang thu hút nhiều nhà đầu tư.
Chính vì thế, ngay khi các dự án hạ tầng kết nối Long An với TP.HCM được phát triển, các doanh nghiệp tham gia như Thaco, Nguyễn Kim, Nam Long, Năm Sao, Khang Thông... trong đó nổi bật nhất là Vạn Thịnh Phát vì nắm trong tay quỹ đất lớn nhất nhì Long An, với hơn 2.000ha.
Các doanh nghiệp bất động sản địa phương cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua này. Điển hình như Hiển Vinh Long An dự kiến ra mắt dự án Hiển Vinh Đại Phúc với quy mô 5,5ha vào quý IV năm nay. Doanh nghiệp kỳ cựu Trần Anh Long An đang mở bán 3 dự án là Phúc An City (100ha), Bella Vista (70ha) và Trần Anh Riverside (11ha).
Mới đây nhất, một "đại gia" địa ốc tại TP.HCM tiết lộ đang chuẩn bị các thủ tục liên quan để đưa ra thị trường một dự án khu đô thị rộng hơn 32ha tại đây nhằm đón đầu xu thế dòng vốn đang dịch chuyển vào địa ốc vùng ven.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khu vực này đã có lịch sử đầu tư tiềm năng từ sau năm 1975 nhờ lợi thế về địa hình. Trước khi các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tham gia, đã có các doanh nghiệp đa quốc gia đặt chân xuống vùng đất này như Công ty nước khoáng Lavie, nhà máy bia Sapporo...
Tuy nhiên, ông Châu cũng khẳng định chỉ có một số khu vực thực sự hấp dẫn chứ không phải toàn bộ. Các khu vực đó là những nơi có vị trí được xem là ngoại ô hay là đô thị vệ tinh mới của TP.HCM như Long An - Bến Lức - Đức Hòa - Cần Giuộc. Từ đây, người dân có thể dễ dàng tiếp cận đến những tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long khi một mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng đang xây dựng được đưa vào khai thác.