Đồng sáng lập Ethereum đề xuất cuộc cách mạng "thành phố mã hóa" - ứng dụng công nghệ blockchain trong điều hành thành phố
Với ý tưởng này, mỗi thành phố có thể có một đồng coin riêng, một NFT riêng với bản ghi được lưu giữ liên tục trên chuỗi blockchain, giúp vận hành các thành phố minh bạch hơn, dễ kiểm soát hơn.
Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum vừa phát hành một tài liệu với tựa đề "Crypto Cities", mô tả về mối quan tâm ngày càng tăng của nhiều chính phủ trên thế giới đối với nhiều loại công nghệ mới, đặc biệt là tiền mã hóa. Trong đó Buterin đề xuất việc lồng ghép nhiều công nghệ tốt nhất của những thành phố này với các công nghệ tiền mã hóa để xây dựng nên các thành phố mã hóa – các crypto city.
Buterin cho biết: "Một xu hướng thú vị khác của năm ngoái là việc nhiều ý tưởng của tiền mã hóa nhanh chóng trở thành chủ đạo, ví dụ như coin, các NFT và các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta kết hợp hai xu hướng này với nhau? Có hợp lý không khi một thành phố có đồng coin riêng, một NFT riêng, một DAO riêng, với bản ghi liên tục được lưu lại trên blockchain để chống tham nhũng, hoặc thậm chí áp dụng cả 4 công nghệ trên?"
Một trong các ví dụ về việc các thành phố đã thử nghiệm việc tích hợp tiền mã hóa là đồng Miami Coin, một token tiền mã hóa được xây dựng trên Bitcoin với mục đích nhằm phát triển thành phố Miami. Tương tự như vậy, Reno – một thành phố ở bang Nevada – cũng đang thử nghiệm các dự án RenoDAO và NFT.
Lời đề xuất về các thành phố mã hóa được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Facebook đổi tên thành Meta – một động thái cho thấy trọng tâm hướng đến việc xây dựng một thế giới kỹ thuật số thực sự sử dụng công nghệ blockchain.
Ngược lại, thay vì hướng đến tạo ra các thế giới ảo mới, đề xuất của Buterin hướng đến việc sử dụng các công nghệ phi tập trung tại những thành phố hiện tại để biến chúng thành những thành phố mã hóa thực sự. Metaverse – ý tưởng về siêu vũ trụ số của Facebook – nơi mọi người có thể tương tác và làm bất cứ thứ gì họ muốn trong hình hài avatar của mình. Nhưng ý tưởng này lại không được số đông công chúng đón nhận vì các tai tiếng trong lịch sử quản lý dữ liệu người dùng của Facebook.
Trong tài liệu của mình, Buterin cũng nhấn mạnh đến một trong các dự án thu hút được nhiều sự chú ý của anh ta nhất có tên CityDAO. Không giống như Miami Coin hay RenoDAO được xây dựng từ đầu và đến nay vẫn chưa vận hành, CityDAO là một công ty DAO có tư cách pháp nhân, tồn tại theo luật về DAO của bang Wyoming, với nỗ lực muốn tạo ra các thành phố hoàn toàn mới từ đầu.
Không giống như các công ty khác, các quy định, luật lệ của công ty được mã hóa bằng blockchain, thay vì giấy tờ như thường thấy. Bằng cách này, thay vì một CEO điều hành tổ chức, các quy tắc được tạo thành nhờ sự đồng thuận giữa một nhóm các cá nhân. Đây chính là điểm hấp dẫn của CityDAO.
Chung tầm nhìn với Buterin cũng là các tên tuổi khác trong làng tiền mã hóa thế giới, như Brian Amstrong, nhà đồng sáng lập và là CEO của sàn tiền số Coinbase, tỷ phú Mark Cuban, người luôn nhiệt tình với các dự án tiền mã hóa tiềm năng.
Vitalik Buterin cho rằng, trong khi các ví dụ trên cho thấy, ảnh hưởng ngày càng tăng của thị trường tiền mã hóa, nó cũng cho thấy tiềm năng của việc nhiều thành phố khác tích hợp công nghệ blockchain vào hệ thống hiện tại của họ. Anh đặc biệt chú ý đến hai tình huống sử dụng cụ thể:
- Ứng dụng blockchain vào các quy trình hiện tại để tạo nên một phiên bản đáng tin cậy hơn, minh bạch hơn và dễ dàng kiểm tra được hơn.
- Ứng dụng blockchain để triển khai các hình thức sở hữu mới và thử nghiệm đối với đất đai và các tài sản khan hiếm khác, cũng như các hình thức quản trị mới.
Cuộc thảo luận về Metaverse đang tăng lên, nhưng đề xuất về các thành phố mã hóa của Buterin có thể chứng minh đây là một giải pháp khả thi trong ngắn hạn.