Hơn 40% trẻ em Mỹ tin thịt bacon, xúc xích và hamburger là rau củ quả, con số ấy phản ánh điều gì?

15/11/2021 11:27 AM | Công nghệ

Đa số trẻ được hỏi tin rằng bò (77%), lợn (73%) và gà (65%) là những con vật không thể ăn được. Có 5% nói rằng chúng có thể ăn thịt mèo và 1% nói rằng cát cũng ăn được.

Quá trình đô thị hoá tại Mỹ bắt đầu từ hơn 100 năm trước đã dẫn đến một hiện tượng gọi là xa rời nguồn gốc thực phẩm. Điều đó nghĩa là ngày càng nhiều người trong thành phố không biết thực phẩm họ đang ăn được trồng ra hay sản xuất từ đâu.

Ngày càng có ít những đứa trẻ biết tới các vùng quê và trang trại, nơi những người nông dân đang trồng lúa mì, các loại rau củ, nuôi gà đẻ trứng và các con vật để lấy thịt...

Hậu quả ấy đã được phản ánh rõ trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Tâm lý học môi trường. Trong đó, các nhà khoa học đã khảo sát một nhóm 176 trẻ em điển hình ở Mỹ trong độ tuổi từ 4-7. Họ hỏi các em về nguồn gốc từng loại thực phẩm mình hay ăn.

Kết quả có tới hơn 40% những đứa trẻ tin rằng xúc xích, hamburger và thịt bacon có nguồn gốc từ thực vật. 44% trẻ được hỏi tin rằng có cây phô mai và người ta thu hoạch phô mai từ chúng. Ngay cả một loại thức ăn là gà nugget, với chữ "" rõ ràng cũng bị 38% hiểu lầm là đến từ cây trồng.

Ở chiều ngược lại, 47% những đứa trẻ tin khoai tây chiên thực ra đến từ một con vật. Bỏng ngô và hạt hạnh nhân bị hiểu lầm hơn 30% là sản phẩm chăn nuôi.

Hơn 40% trẻ em Mỹ tin thịt bacon, xúc xích và hamburger là rau củ quả, con số ấy phản ánh điều gì? - Ảnh 1.

Xa rời nguồn gốc thực phẩm trong xã hội đô thị hóa

"Một lý do khiến trẻ em thiếu kiến ​​thức cơ bản về thực phẩm là bởi đại đa số các em bây giờ có rất ít cơ hội tiếp cận với quá trình sản xuất thực phẩm. Với việc ngày càng ít người Mỹ làm nông nghiệp, số lượng trẻ em ở Hoa Kỳ sống trong các vùng trang trại cũng đã giảm dần", các nhà nghiên cứu viết.

Nếu được sinh ra trong xã hội nông thôn khi xưa, các em có thể đi đến tận nơi những con bò đang được nuôi để xem chúng tạo ra sữa, tới những nông trại để nhìn tận mắt những đàn gà đẻ trứng. Nhưng khi thực phẩm đã được sản xuất hàng loạt và công nghiệp, người tiêu dùng đột nhiên mất mọi sự tiếp xúc cá nhân của họ với đơn vị và quá trình sản xuất ra thực phẩm.

Bây giờ, làm thế nào một người thành thị Mỹ có thể kiểm tra trứng, sữa và các loại thực phẩm đóng gói của họ được làm ra như thế nào, khi chúng đều được sản xuất trong những nhà máy đóng kín cửa?

Một mặt, sự thiếu minh bạch này đang thúc đẩy những hoạt động sản xuất thực phẩm bẩn, kém chất lượng và độc hại. Mặt khác, nó bắt đầu khiến những đứa trẻ ngày càng xa rời nguồn gốc thực phẩm, nơi mà thức ăn hàng ngày của trẻ được tạo ra.

Trước đây cũng đã có một số nghiên cứu chỉ ra trẻ nhỏ ở các quốc gia khác có hiểu biết hạn chế về thực phẩm, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm trông quá khác so với thành phần ban đầu của chúng.

Ví dụ, vào năm 2014, một cuộc khảo sát trên tầm cỡ quốc gia ở Vương quốc Anh cho thấy một phần ba trẻ em từ 5 đến 8 tuổi không biết bánh mì, pho mát hoặc mì ống được làm ra như thế nào.

Nghe có vẻ nực cười đối với một người lớn, nhưng một nghiên cứu năm 2003 đã phỏng vấn những đứa trẻ mẫu giáo và phát hiện ra nhiều trẻ không biết để có thịt thì người nông dân phải giết động vật. Những đứa trẻ nghĩ rằng thịt được thu hoạch từ những con vật chết vì nguyên nhân tự nhiên.

Hơn 40% trẻ em Mỹ tin thịt bacon, xúc xích và hamburger là rau củ quả, con số ấy phản ánh điều gì? - Ảnh 2.

Có một lời giải thích nữa cho tất cả những hiểu lầm này, đó là cha mẹ trẻ đã nói dối chúng về nguồn gốc của các loại thức ăn trên đĩa.

Nghiên cứu cho biết: "Các bậc phụ huynh có thể đã cố tình giấu thông tin về việc giết mổ động vật nhằm bảo vệ sự trong trắng của trẻ. Theo đó, họ nghĩ rằng cho những đứa trẻ biết thực tế của quá trình sản xuất thịt là một điều quá khủng khiếp đối với lứa tuổi của chúng".

Hơn nữa, nói với một đứa trẻ rằng chiếc bánh hamburger đến từ một con bò sẽ khiến chúng bối rối. Trẻ có thể nghĩ con bò làm ra bánh mì kẹp thịt giống như một cái cây mọc ra táo. Ngay cả khi một đứa trẻ được cho biết sữa đến từ bò, chúng có thể cũng không hiểu bò làm ra sữa như thế nào.

Trẻ em có thể ăn rau nhiều hơn nếu biết nguồn gốc của thịt

Ngoài việc đánh giá kiến ​​thức của trẻ về nguồn gốc của các loại thực phẩm, nhóm nghiên cứu đã xem xét những động vật và thực vật nào mà trẻ tin rằng chúng có thể và không thể ăn được. Kết quả, đa số trẻ được hỏi tin rằng bò (77%), lợn (73%) và gà (65%) là không thể ăn được. Có 5% nói rằng chúng có thể ăn thịt mèo và 1% nói rằng cát cũng ăn được.

Tuy nghiên cứu chỉ ra quá nhiều quan niệm sai lầm về thực phẩm của trẻ em, nhưng các nhà khoa học nhìn vào mặt tích cực cho đó là một cơ hội. Họ cho biết đó là vì thế hệ người trưởng thành ở Mỹ bây giờ đang ăn quá nhiều thịt. Đỉnh điểm vào năm 2018, một người Mỹ trung bình ăn tới 90 kg thịt/năm.

"Hầu hết trẻ em ở Hoa Kỳ cũng ăn các sản phẩm từ động vật, nhưng không giống như người lớn đã xây dựng một kho chiến lược để biện minh cho hành vi tiêu thụ động vật của mình, trẻ em dường như chỉ là những người ăn thịt ngây thơ", nhóm nghiên cứu viết.

Hơn 40% trẻ em Mỹ tin thịt bacon, xúc xích và hamburger là rau củ quả, con số ấy phản ánh điều gì? - Ảnh 3.

Đó là lí do tại sao có đa số những đứa trẻ coi bò, lợn, gà là những động vật không nên ăn thịt, nhưng vẫn vô tình tiêu thụ các sản phẩm từ thịt của chúng.

Các nhà nghiên cứu đề xuất chúng ta nên cởi mở hơn khi nói chuyện về nguồn gốc thực phẩm với trẻ em. Chẳng hạn như hãy giải thích cho những đứa trẻ cách xúc xích và thịt bacon được tạo ra, đồng thời cung cấp cho chúng các lựa chọn thay thế từ thực vật.

Bằng cách này, các nhà nghiên cứu tin rằng trẻ em sẽ bị hấp dẫn một cách tự nhiên với các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chúng sẽ ăn nhiều rau hơn, giảm ăn các loại thịt đỏ và như vậy sẽ tốt hơn cho sức khỏe của trẻ cũng như môi trường.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM