Đồng rúp vọt lên sau quyết định “lịch sử” của Tổng thống Putin

24/03/2022 10:54 AM | Xã hội

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23-3 tuyên bố áp dụng thanh toán khí đốt bằng đồng rúp với các quốc gia không thân thiện, tỉ giá đồng rúp tăng so với USD và euro, giá khí đốt cũng tăng.

Đồng rúp của Nga nhanh chóng vọt lên mức cao nhất trong ba tuần, ở mức 95 rúp đổi 1 USD. Theo kênh RT, giá đồng rúp cũng tăng 3,5% so với tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU) khi giao dịch ở mức 110,5 rúp đổi 1 euro.

Đồng rúp giảm giá xuống mức thấp nhất lịch sử vào đầu tháng này khi các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây giáng vào nền kinh tế Nga.

Khi đó, cần tới 132 rúp mới đổi được 1 USD và 147 rúp chỉ đổi được 1 euro vào ngày 7-3. Đồng rúp có thời điểm giao dịch ở mức 120 rúp đổi 1 USD. Hồi giữa tháng 2, tỉ giá hối đoái của đồng rúp là khoảng 75 rúp/USD và 85 rúp/euro.

Đồng rúp vọt lên sau quyết định “lịch sử” của Tổng thống Putin - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23-3 tuyên bố áp dụng thanh toán khí đốt bằng đồng rúp với các quốc gia không thân thiện. Ảnh: AP

Ngày 23-3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga định không dùng các loại tiền tệ khác trong giao dịch thanh toán khí đốt. Ông Putin nói thêm rằng "quyết định bất hợp pháp" của một số nước phương Tây nhằm đóng băng tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin vào tiền tệ của họ. Do đó, những nước không thân thiện sẽ phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Tổng thống Nga đã chỉ thị cho Ngân hàng Trung ương Nga và chính phủ trong vòng một tuần phải đưa ra quy định về việc mua đồng rúp trên thị trường nội địa cho những nước mua khí đốt của Nga.

Ông Putin nói thêm rằng Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt và theo các nguyên tắc định giá đã ký kết trong hợp đồng. Chỉ có đơn vị tiền tệ thanh toán sẽ thay đổi.

Đồng rúp vọt lên sau quyết định “lịch sử” của Tổng thống Putin - Ảnh 2.

Đồng rúp của Nga nhanh chóng vọt lên mức cao nhất trong ba tuần, ở mức 95 rúp đổi 1 USD. Ảnh: Reuters

Sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào khí đốt của Nga và các mặt hàng xuất khẩu khác trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi Nga tấn công Ukraine.

Theo Gazprom, tính tới ngày 27-1 thì 58% doanh thu bán khí tự nhiên cho châu Âu và các nước khác của công ty quốc doanh này được thanh toán bằng đồng euro. Trong khi đó, Nga thực hiện thành công ít nhất một số khoản thanh toán đối với trái phiếu chính phủ của mình bằng USD, dường như để tránh tình trạng vỡ nợ đối với các khoản thanh toán nợ nước ngoài.

Tờ The Moscow Times đưa tin Đức cảnh báo yêu cầu áp dụng thanh toán khí đốt đến châu Âu bằng đồng rúp của Nga là hành vi vi phạm hợp đồng. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói: "Thông báo thanh toán bằng đồng rúp là vi phạm hợp đồng và bây giờ chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu về việc đó".

Ngày 23-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định trước quốc hội rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đẩy nhanh việc chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu loại bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, "hàng trăm ngàn việc làm sẽ gặp rủi ro, toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ đứng trước bờ vực" và điều đó sẽ đẩy Đức và toàn bộ châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái.

Theo Huệ Bình

Cùng chuyên mục
XEM