Hãng thức ăn nhanh của Mỹ không thể rời Nga vì lý do đặc biệt

23/03/2022 21:02 PM | Kinh doanh

Thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu này không thể bắt người dân Nga ngừng ăn loại bánh nổi tiếng.

Trong khi các thương hiệu ngành đồ ăn và thức uống (F&B) nổi tiếng quốc tế của Mỹ như McDonald's, Starbucks, các hãng ô tô, tài chính - ngân hàng... đã rời Nga tuân thủ theo lệnh trừng phạt.

Riêng có một nhãn hàng trong lĩnh vực F&B vẫn chưa cắt đứt hoạt động kinh doanh tại quốc gia có lãnh thổ trải dài hai châu lục này. Điều này trở thành đề tài của báo chí phương Tây trong những ngày gần đây. Đó là Burger King, một thương hiệu thức ăn nhanh.

Đài BBC (Anh) chạy tít "Đối tác của Burger King tại Nga 'từ chối' đóng cửa hàng" vào hôm qua.

Trong một bức thư gửi nhân viên, David Shear, chủ tịch Restaurant Brands International cho biết đã liên hệ với nhà điều hành của doanh nghiệp và yêu cầu tạm dừng hoạt động của nhà hàng Burger King tại Nga. Nhưng ông ấy đã từ chối làm như vậy.

Ông Shear nói thêm rằng việc thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với hoạt động kinh doanh Burger King tại địa phương "cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của Nga và chúng tôi biết rằng điều đó thực tế sẽ không sớm xảy ra".

Hãng thức ăn nhanh của Mỹ không thể rời Nga vì lý do đặc biệt - Ảnh 1.

Burger King không thể rời Nga vì vấn đề nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: TASS.

Tập đoàn Restaurant Brands International (RBI), đơn vị chủ quản của các thương hiệu nổi tiếng như Burger King, Popeyes, cho biết đã liên hệ với đối tác Alexander Kolobov tại Nga bày tỏ vấn đề đóng cửa các cửa hàng trong bối cảnh khủng hoảng quân sự ở Ukraine. Nhưng tập đoàn RBI cho biết đây là vấn đề "phức tạp".

Ông Kolobov nói với BBC rằng ông không có "thẩm quyền hay quyền lực" để ngăn chặn các hoạt động của Burger King ở Nga. Người này cho biết thêm, bất kỳ việc đóng cửa cửa hàng nào cũng phải được sự chấp thuận của tất cả nhà đầu tư địa phương.

"Quyết định chấm dứt, đình chỉ hoạt động của bên nhận quyền sử dụng thương hiệu phải được thực hiện bởi tất cả các cổ đông, xem xét dựa trên tác động có thể có đối với nhân viên và gia đình của họ", ông nói Kolobov cho biết các cửa hàng tại Nga là kế sinh nhai của khoảng 25.000 nhân sự.

Burger King và nhà bán lẻ Marks and Spencer (M&S) của Anh, đã không thể ngừng hoạt động tại Nga vì các cửa hàng địa phương được điều hành bởi các đối tác nhượng quyền theo các thỏa thuận pháp lý "phức tạp".

Không chỉ Burger King khó xử, còn một nhãn hàng nữa

Burger King thâm nhập thị trường Nga cách đây 10 năm, thông qua quan hệ đối tác liên doanh với ông Kolobov - người điều hành chính của doanh nghiệp - và VTB Capital (Nga) và một công ty đầu tư Ukraine.

VTB Capital là một chi nhánh của Ngân hàng VTB, tổ chức tài chính lớn thứ hai của Nga đã bị Mỹ, Anh và các nước châu Âu khác trừng phạt.

Ông Kolobov sở hữu 30% cổ phần trong liên doanh. "Kể từ ngày thành lập liên doanh, cổ phần của tôi luôn ở mức thấp hơn nhiều để có thể kiếm soát [doanh nghiệp - PV]", ông nói.

Ông Shear cho biết Restaurant Brands sở hữu 15% cổ phần trong liên doanh của Nga. "Mặc dù chúng tôi muốn làm điều này ngay lập tức. Nhưng rõ ràng là sẽ mất một thời gian", chủ tịch Restaurant Brands International nói thêm.

Restaurant Brands đã ngừng hỗ trợ chuỗi cung ứng, hoạt động và tiếp thị cho Nga. Đơn vị này cũng sẽ từ chối các lời mời chào đầu tư và mở rộng kinh doanh mới ở Nga.

Theo Fortune, giữa RBI và ông Alexander Kolobov có quan hệ khá tốt đẹp trong liên doanh này. Khi mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2010 tại trung tâm mua sắm Metropolis (Moscow), RBI đã ca ngợi Nga là "một thị trường năng động với nền kinh tế sôi động".

Nhà điều hành nhà hàng Alexander Kolobov, khi đó, đã nói rằng ông "rất vui mừng được trở thành một phần của một thương hiệu toàn cầu hàng đầu".

Hãng thức ăn nhanh của Mỹ không thể rời Nga vì lý do đặc biệt - Ảnh 2.

Subway đang bị tẩy chay vì không thể yêu cầu đối tác nhượng quyền Nga ngừng kinh doanh. Ảnh: CNBC.

Tương tự Burger King, một thương hiệu đồ ăn nổi tiếng khác là Subway cũng đưa ra tuyên bố vào tuần trước giải thích rằng cũng bị ràng buộc trong thỏa thuận nhượng quyền thương mại khiến việc rút khỏi Nga là không thể.

450 nhà hàng mang thương hiệu Subway tại Nga "được sở hữu và điều hành độc lập bởi các đơn vị nhượng quyền địa phương và được quản lý bởi một bên nhận quyền chính độc lập".

Subway đang gánh chịu các chỉ trích từ người tiêu dùng vì không cắt đứt quan hệ với Nga. Hashtag #boycottsubway (tạm dịch: Tẩy chay Subway) trên Twitter xuất hiện trong những ngày gần đây khi người tiêu dùng bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định tiếp tục ở lại Nga của công ty.

Theo Dy Khoa

Cùng chuyên mục
XEM