Đông Ngạc - Ngôi làng cổ trong lòng phố Hà Nội nhất định phải ghé một lần!

29/08/2016 10:23 AM | Xã hội

Gần ngay trung tâm Thủ đô, sát ngay dòng sông Hồng đỏ ruộm phù sa là một ngôi làng đậm nét truyền thống của vùng đất châu thổ với niên đại đã hơn 400 năm nhưng vẫn còn nguyên dạng như mới.

8h sáng tại Hà Nội, đúng vào một ngày làm việc trong tuần nhưng trước mắt tôi không phải là những dòng xe cộ chen nhau đi trên đường và bên tai, chỉ độc một âm thanh duy nhất là tiếng động cơ, còi xe của đủ loại phương tiện giao thông. Sáng nay, mở mắt ra, chỉ trong tích tắc, tôi thấy mình như vừa lao lên một con tàu du hành vượt thời gian, ngược về lại với quá khứ.

Ngôi làng cổ trong lòng phố đáng thăm nhất ở Hà Nội. Thực hiện: Kiên Nguyễn

Trước mắt chỉ thấy những mảnh vườn "biếc xanh như ngọc", bầu trời cao vời vợi và ánh nắng đầu thu hơi lẫn hạt sương mờ tỏa rộng khắp chung quanh. Không gian yên tĩnh, thời gian trôi chầm chậm. Mọi thứ ở đây như đã có từ vài trăm năm trước chứ nhất định, không phải là cuộc sống hiện tại ở một Thủ đô ồn ào, huyên náo như Hà Nội.

Độc đáo ngôi làng cổ trong lòng phố ngay giữa Thủ đô

Nơi tôi đang đứng là mảnh đất Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Vùng này xưa kia có tên là Kẻ Vẽ, nay thuộc hai phường Đông Ngạc và Đức Thắng. Nếu có dịp đến đây, được ngồi giữa những gian nhà cổ, nhâm nhi một chén trà pha trong những chiếc ấm có in họa tiết xưa, thong thả ngồi nhìn ra xung quanh, thấy những giếng nước, sân gạch và hàng cau, giàn trầu xanh mơn mởn, chắc hẳn, bạn sẽ có cảm nhận giống tôi. Đó là thấy mình vừa lùi về một nơi quá xa so với trung tâm Thủ đô.


Nhà thờ họ Phan có niên đại cổ nhất ở Kẻ Vẽ. Ảnh: Thu Hường.

Nhà thờ họ Phan có niên đại cổ nhất ở Kẻ Vẽ. Ảnh: Thu Hường.


Nhìn kỹ, hàng mái ngói đã xanh rêu từ bao giờ!

Nhìn kỹ, hàng mái ngói đã xanh rêu từ bao giờ!

Nhưng không hề, chúng ta vừa đi xa có hơn chục km thôi! Ngôi làng này nằm ngay trên triền đê sông Hồng, cách chân cầu Thăng Long chỉ độ 50-60m. Một vùng đất nổi tiếng với câu thơ "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ".

Theo ông Lê Văn Đôn, Trưởng ban di tích phường Đông Ngạc, làng Kẻ Vẽ hiện nay còn khoảng gần 100 ngôi nhà cổ với nhiều niên đại khác nhau. Trong đó, có những ngôi nhà được xây dựng vào năm 1605, cách đây khoảng hơn 400 năm.

Trải qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, tất cả vẫn hiên ngang thách thức thời gian. Từng cột gỗ, hoành phi câu đối vẫn không hề phai mờ màu sơn son, thếp vàng. Chúng thường được xây theo kiểu nhà 3 hoặc 5 gian, nền nhà khá thấp và mái ngói rủ xuống 4 bên. Vốn là mảnh đất sinh ra nhiều nhân tài, làm quan to ở các triều đại hậu Lê, Mạc, Nguyễn... nên những ngôi nhà ở đây được xây dựng khá kỳ công, bao gồm nhiều cột gỗ quý như lim, sến, táu.


Đình Vẽ với bãi cỏ lau xanh mượt nên thơ.

Đình Vẽ với bãi cỏ lau xanh mượt nên thơ.


Những hồ sen xây theo kiến trúc cổ.

Những hồ sen xây theo kiến trúc cổ.


Những bức tường cổ với màu gạch đỏ, lở vỡ và xanh rêu bụi mờ thời gian.

Những bức tường cổ với màu gạch đỏ, lở vỡ và xanh rêu bụi mờ thời gian.


Bia đá ghi lại năm xây dựng đình bằng văn tự chữ Hán.

Bia đá ghi lại năm xây dựng đình bằng văn tự chữ Hán.


Mái đình uy nghi.

Mái đình uy nghi.


Đầy vẻ rêu phong.

Đầy vẻ rêu phong.

Ngoài kiến trúc mang dấu ấn qua các thời đại phong kiến, làng Kẻ Vẽ còn có sự pha trộn của trường phái Pháp cổ. Điển hình là ngôi trường Tiểu học gần đình làng với những gian nhà nhỏ, sơn màu vàng. Tuy nhiên, phong cách châu Âu khi du nhập về đây cũng có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thị hiếu của người dân. Ấy là trên những thành tường, mái nhà ở ngôi trường này vẫn chạm trổ thêm hình rồng bay lên, đài hoa sen và xây hơi cong theo kiểu truyền thống.

Làng Kẻ Vẽ ngày nay thật đúng với câu nói "làng xưa trong phố". Sự hiện đại và xưa cũ đan xen lẫn nhau. Có rất nhiều ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự to đẹp nhưng vẫn giữ lại gian nhà cổ thấp lùn bên cạnh. Ngay trong những căn nhà mới kia, vẫn còn đó sư tử đá, giếng nước cổ mang hơi hướng hoài niệm.

Những con ngõ nhỏ rợp bóng cây xanh.

Bạn tin được không khi đây là cánh cổng nhà nằm cách trung tâm Thủ đô chỉ 10km?

Mọi khoảng trống đều rợp bóng cây xanh.

Ở làng Kẽ Vẽ, có rất nhiều điều để bạn khám phá. Mỗi cây đa, bến nước, mỗi viên gạch lát trên đường đi, phía sau nó đều có những câu chuyện thật dài. Ông Đôn dẫn tôi đến thăm đình Vẽ, có niên đại cách đây gần 400 năm và chỉ lên cây thị, cây kéo có tuổi đời ngót 300 năm.

Ông bảo những loại cây này đến giờ vẫn đơm hoa, kết trái. Cây thị có gốc to đủ cho vài người trưởng thành ôm không xuể, cành lá vô cùng xum xuê và vào mùa thu, hương thị chín tỏa hương thơm ngào ngạt.

Nhà thờ tổ họ Đỗ với diện tích khá rộng.

Bên trong gian nhà thờ cổ họ Đỗ.

Cổng vào nhà cổ kính, nhỏ hẹp.

Mái đình Vẽ uy nghi, những chõng, lọng được dùng đã vài trăm năm vẫn chưa từng thay thế. Đình trải qua đợt đại trùng tu năm 1999 nhưng đến nay, vẫn lưu giữ được những nét rất nguyên dạng. Ngoài đình, làng còn có chùa Tự Khánh rất đẹp và rộng tới 59 gian, chưa kể khuôn viên vườn tược, sông nước.

Được xây dựng cùng khoảng thời gian với đình nhưng chùa Vẽ (tên chữ là Tự Khánh cổ tự) mang nhiều dấu ấn dân dã. Hiện tại, nơi đây sở hữu 53 pho tượng, 3 quả chuông được đúc vào thời Nguyễn và nhiều đồ thờ tự cổ khác. Đây là ngôi chùa có ít tượng nhất của Hà Nội.

Cổng chùa Tự Khánh.

Hình điêu khắc trên ngọn mái đình.

Cánh hạc đồng bên trong đình.

Dọc đường đi thăm làng Kẻ Vẽ, ông Đôn chỉ cho tôi những con ngõ nhỏ mang tên thật hay, thật cổ. Ấy là ngõ Ngạc, ngõ Vẽ, ngõ Đông. Những miếng gạch dải dưới chân, đều là công sức của người dân có con gái lớn gả chồng. Để có thể lên kiệu hoa, các thiếu nữ xưa kia phải nộp đủ 300 viên gạch để lát đường. Cứ như thế, những con đường gạch nghiêng liên tục nới rộng ra, bao trùm khắp làng Kẻ Vẽ rộng lớn.

Tinh thần gia tộc và truyền thống giữ gìn nét đẹp từ đời cha ông

Ông Đỗ Quốc Hiên, trưởng họ Đỗ, người đang quản lý nhà ngôi nhà thờ cổ vào dạng to, đẹp vào hàng nhất nhì làng Kẻ Vẽ tâm sự, chuyện gìn giữ kiến trúc đời cha ông để lại, đều do con cháu ở đây tự làm. "Hàng năm, con cháu chúng tôi đều xem gian nhà thờ có gì xuống cấp không thì sẽ góp tiền, cùng nhau tu bổ".

Ông Hiên nói, những giai đoạn khó khăn như thời kỳ chiến tranh, bao cấp, cuộc sống có lúc lâm vào cảnh túng quẫn nhưng người dân làng Kẻ Vẽ đều cố gắng duy trì nguyên bản hiện trạng của những gian nhà cổ. "Kiến trúc nhà vườn ở đây được rất nhiều người yêu thích. Có những người sẵn sàng chi tiền tỷ để mua lại nhưng người Kẻ Vẽ không bao giờ bán".

Ông Hiên - trưởng họ Đỗ.

Làng Kẻ Vẽ được phân làm nhiều xóm, mỗi xóm có một điếm hoặc miếu thờ thổ thần riêng. Tuy rằng đóng cửa suốt ngày... nhưng người dân ở đây đều nhất lòng, chung sức giữ gìn, không hề lấn chiếm hay mảy may ý định bán chác.

Vợ chồng ông Thuật tuy tuổi cao nhưng vẫn rất nhiệt tình giới thiệu với khách về nhà thờ tổ khi họ ghé thăm.

Tâm sự với tôi, ông Phan Trác Thuật (năm nay 93 tuổi) cho hay, việc trùng tu, bảo vệ những ngôi nhà thờ cổ tốn kém khá nhiều chi phí. "Vì ngày xưa các cụ đều làm nhà bằng các loại gỗ quý, không bị mối mọt. Vì thế, bây giờ sửa sang, để giữ nguyên bản không phải là điều dễ dàng".

Nói vậy mà ngôi nhà thờ tổ họ Phan của ông, xây từ năm 1605 bây giờ vẫn sừng sững, hiên ngang giữa Hà Nội ồn ã. Thế mới thấy, để duy trì nó, con cháu ngày nay đã phải vất vả ra sao.

Bên cạnh những ngôi nhà to đẹp là nếp nhà cổ thấp, nhỏ.

Cuộc sống vẫn mang nặng phong cách tự cung, tự cấp.

Ngăn cách giữa những ngôi nhà là giàn lưới mỏng, thấp và mọi công tác bảo vệ, trông cậy cả vào những chiến binh này.

Cuộc sống người dân vẫn hồn hậu, mộc mạc như ngày xưa.

Những con đường lát gạch nghiêng.

Nay nhiều đoạn cỏ đã mọc xanh.

Không gian ở đây nơi đâu như cũng hoài cổ hơn vùng khác.

Theo lời ông Hiên, người dân đất Kẻ Vẽ có tinh thần gia tộc rất cao. Mỗi năm, vào ngày giỗ tổ thì dù bận trăm công nghìn việc, con cháu khắp nơi đều về đây quây quần. "Ngày xưa ở đây được gọi là làng tiến sĩ. Con cháu ngày nay, dù không là tiến sĩ thì cũng đều có học vị cao, đỗ ĐH nhiều và rất thành đạt", ông Hiên tự hào.

Ông Đôn trầm ngâm hồi tưởng lại những kỉ niệm tuổi thơ gắn với những gian nhà cổ.

Người dân ở đây vẫn giữ nếp sống rất mộc mạc. Đến đây, bạn có thể đi thăm bất cứ ngôi nhà nào và nhờ người dân giới thiệu tỉ mỉ về từng vật dụng cổ trong nhà. Nếu đến bữa, họ sẵn sàng mời bạn ở lại, ăn một miếng nem - món ngon nổi tiếng của đất Kẻ Vẽ, uống một ấm trà.

Hãy vui lòng thưởng thức những điều tuyệt vời ấy để thấy rằng, lòng người quanh đây, ấm áp biết bao nhiêu. Và khi ra về, bạn đừng vội lao đi, hãy đi thật chậm, thật khẽ vì chỉ cần bước ra cánh cổng làng, nhịp sống hiện đại sẽ nhanh chóng bủa vây bạn. Chúng ta sẽ "xuyên không" về với thực tại, rất nhanh thôi!

Theo Thu Hường - Ảnh Mai Lân

Cùng chuyên mục
XEM