Đông Nam Á chuẩn bị đánh thuế thương mại điện tử

28/01/2018 14:30 PM | Kinh doanh

Chính phủ các nước Đông Nam Á chuẩn bị thực hiện biện pháp tài khoá đối với khu vực kinh tế sôi động nhất trong khu vực.

Theo Financial Times, Chính phủ các nước Đông Nam Á chuẩn bị đánh thuế các ngành kinh doanh thương mại điện tử - một trong những "động cơ" phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất.

Singapore, Thái Lan và Malaysia là những quốc gia đầu tiên đã và đang cân nhắc các loại thuế trên. Động thái đánh thuế ngành bán hàng trực tuyến tại Đông Nam Á trùng khớp với những biện pháp đang được thực hiện tại châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, động thái này còn đặt các nhà bán lẻ vào một sân chơi công bằng cùng các hãng bán lẻ khác.

Nói về mười nước thuộc Asean, Steven Sieker, trưởng nhóm thuế khu vực châu Á Thái Bình Dương thuộc Baker McKenzie, cho biết: "Hiện nay các công ty phải tuân thủ các chế độ thuế thương mại điện tử khác nhau, hoặc không chịu thuế ở một vài trường hợp, tại khu vực Asean. Môi trường pháp lý không chắc chắn và không đồng bộ của khu vực vẫn là một thách thức lớn đối với các công ty địa phương và nước ngoài."

Trong báo cáo ngân sách hàng năm vào tháng 11, Singapore, quê hương của Lazada – hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất khu vực, từng ám chỉ sẽ cân nhắc đánh thuế các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Indranee Rajah, bộ trưởng cấp cao về luật pháp và tài chính, cho biết: "Bạn có thể tưởng tượng 20 năm nữa, cách mọi người mua hàng sẽ rất khác và khi đó các nền tảng trực tuyến sẽ là trụ cột chính, do đó nếu không đưa vào chế độ thuế, thì sẽ tồn tại rất nhiều lỗ hổng trong lĩnh vực này."

Lazada chia sẻ đã nhận được lời mời tham gia phản biện những thay đổi này, và hãng ủng hộ những sáng kiến giúp người tiêu dùng và thương nhân Singapore có thể mua sắm và bán hàng trực tuyến một cách hiệu quả và công bằng.

Malaysia cũng có kế hoạch tương tự. Subromaniam Tholasy, tổng cục trưởng tổng cục hải quan, cho biết: "Chúng tôi đang chỉnh sửa một số điều luật thuế, đặc biệt liên quan tới GTS, nhằm thu thuế các công ty nước ngoài cung cấp các dịch vụ số tại Malaysia."

Tại Thái Lan, nơi thương mại điện tử đang phát triển mạnh, sở thuế vụ hiện đang đề xuất bãi bỏ miễn thuế VAT đối với hàng hoá nhập khẩu trị giá dưới 1.500 baht (47 USD).

Kanchirat Thaidamri, chuyên gia tại Deloitte Thái Lan, cho biết: "Mục tiêu chính là nỗ lực đánh thuế các công ty đa quốc gia không đăng ký kinh doanh cho hoạt động kinh doanh trực tuyến của mình tại Thái Lan."

Trong khi đó, tại Trung Quốc, thương mại điện tử được hưởng nhiều lợi ích nhờ các quy định pháp lý không quá chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay, Bắc Kinh đang tìm cách tổng hợp lại các quy định của các chính quyền địa phương thành một bộ luật toàn quốc. Theo các cố vấn, bộ luật này sẽ áp dụng với cả các đơn vị nhỏ, ví dụ như phần lớn các đơn vị bán lẻ hoạt động trên nền tảng Taobao của Alibaba. Những đối tượng này hiện đang được miễn thuế bởi thu nhập của họ dưới mức 30.000 nhân dân tệ/tháng.

Thuế hiện đang được thắt chặt đối với khu vực bán lẻ trực tuyến trên toàn thế giới. Các trang thương mại điện tử tại EU thu thuế giá trị gia tăng giống như các cửa hàng thông thường. Tại Mỹ, trước đây, các doanh nghiệp chỉ phải thu thuế khi họ liên quan chặt chẽ với bang tiến hành hoạt động mua bán, ví dụ như cần có sự hiện diện của nhân viên. Tuy nhiên, các bang đã thắt chặt quy định, do đó Amazon đã thay đổi, và vào năm 2017, hãng đã tiến hành thu thuế với hàng tồn kho hãng trực tiếp sở hữu tại tất cả các bang có áp dụng loại thuế này.

Jason Ding, một cộng sự tại hãng tư vấn Bain & Co tại Trung Quốc, cho biết: "Các hoạt động trực tuyến chỉ đơn giản là sự phản ánh lại những gì tồn tại trong thế giới ngoại tuyến: các cửa hàng nhỏ không kê khai các loại thuế trong thực tế. Thế giới trực tuyến chỉ khiến hoạt động này diễn ra dễ dàng hơn."

Theo Quỳnh Mai

Cùng chuyên mục
XEM