Donald Trump đắc cử, tương lai của NASA và ngành hàng không vũ trụ Mỹ sẽ ra sao?

11/11/2016 09:43 AM | Công nghệ

Nếu bạn tỉnh dậy và ước rằng mình bị hút vào một cái hố đen, có thể bạn sẽ tự hỏi tương lai của NASA sẽ ra sao khi Donald Trump giờ đây đã đắc cử Tổng thống Mỹ.

Rất khó để biết trước điều gì sẽ xảy ra.

Nhưng nhìn chung, Donald Trump đắc cử Tổng thống cũng đồng nghĩa NASA sẽ được đầu tư vào các hoạt động không gian trong vòng 4 năm tới. Ngược lại, các chương trình khoa học về Trái đất có thể sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng.

Bởi tính cho đến những tháng gần đây, Donald Trump hầu như chỉ nói về việc vũ trụ rộng lớn ra sao và nhiệm vụ của người Mỹ là phải chiếm lĩnh không gian.

Quan điểm này phần nào phản ánh suy nghĩ của ông về cách quản lý đất nước. Donald Trump tự coi mình là vị cứu tinh của nước Mỹ - người sẽ biến NASA từ một tổ chức "vô tích sự" thành một biểu tượng được hồi sinh của Hoa Kỳ.

"Dưới chính quyền của tôi, Florida và Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu cuộc hành trình đến các vì sao", Trump đã nói như vậy tại buổi vận động tranh cử ở Sân bay Quốc tế Orlando Sanford.

Vậy thực sự Trump hy vọng sẽ làm được gì ở lĩnh vực không gian?

Một vài tuần trước, bộ sậu của Trump được bổ sung thêm cựu nghị sĩ Robert Walker để tô điểm thêm cho một số lĩnh vực bàn luận.

Có lẽ chính sách về không gian quan trọng nhất mà Walker phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban Tư vấn Thương mại về Vận tải Không gian là chính quyền Trump sẽ tập trung ngân sách của NASA vào các hoạt động ở những không gian xa xôi, trong khi thu hẹp các nghiên cứu khoa học về trái đất.

Walker nhấn mạnh cam kết của Trump đối với các hoạt động "khám phá hệ mặt trời vào cuối thế kỷ này", và dự định chuyển nhượng các hoạt động quan trắc xung quanh quỹ đạo trái đất cho các công ty thương mại như: SpaceX của CEO Elon Musk và Orbital ATK.

Một điều nhỏ nhặt nhưng đáng chú ý nữa mà Walker đề xuất là tái lập Hội đồng Không gian Quốc gia, do phó tổng thống đứng đầu.

Trước đây tổ chức này được thành lập vào năm 1958 để điều phối các hoạt động không gian cả về dân sự và quân sự, nhưng đã bị giải thể vào năm 1973 theo lệnh của tổng thống Nixon, trước khi được tổng thống George H.W. Bush hồi sinh trong vài năm sau thảm họa của tàu con thoi Challenger.

Đến thời điểm này, vẫn chưa rõ Hội đồng này sẽ làm gì, ngoài việc bổ nhiệm Mike Pence làm nhân vật chủ chốt cho chính sách về không gian trong tương lai của Hoa Kỳ.

Cho đến nay, dự định thu hẹp các hoạt động nghiên cứu về trái đất vẫn chỉ là những lời bóng gió và có rất ít chi tiết quan trọng.

Liệu tổng ngân sách dành cho NASA có thay đổi trong những năm tới hay không?

Điều gì sẽ xảy ra với tên lửa SLS, hay những chuyến du hành đến Sao Hỏa của cơ quan này?

Liệu những người ủng hộ kế hoạch đưa con người lên Mặt Trăng một lần nữa có giành được ưu thế trước đề xuất về Sứ mạng Lai dắt Thiên thạch của NASA hay không?

Những câu hỏi này vẫn cần có thời gian để trả lời.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM