Đối thủ của Uber tại Trung Quốc mạnh cỡ nào?

03/06/2016 20:16 PM | Công nghệ

Didi Chuxing thường được gọi là "Uber của Trung Quốc" nhưng thực tế nó lớn hơn rất nhiều so với startup của Mỹ.

Theo con số riêng của hãng, Didi hầu như sở hữu toàn bộ thị trường ứng dụng gọi xe riêng và taxi Trung Quốc với 99% thị phần và 87% thị phần nếu xét riêng phân khúc gọi xe riêng. Hãng hoạt động ở hơn 400 thành phố trên khắp Trung Quốc so với 45 thành phố của Uber Trung Quốc.

Didi không chỉ có xe hơi và taxi. Hãng còn cung cấp các dịch vụ khác với xe buýt hoặc dịch vụ cho thuê lái xe, khá hữu ích trong trường hợp bạn quá say và cần một lái xe có thể đưa cả bạn và chiếc xe về nhà.

Didi Chuxing tới từ đâu?

Trước khi đổi tên vào mùa thu năm ngoái, Didi Chuxing được biết tới với cái tên Didi Kuaidi. Công ty này được thành lập sau sự hợp nhất vào đầu năm 2015 giữa hai ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc thời điểm đó là Didi Dache và Kuaidi Dache.

Nhiều người tin rằng hai hãng này sáp nhập với nhau để tăng sức cạnh tranh với Uber tại Trung Quốc.

Trước khi nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Apple, Didi đã được đỡ đầu bởi hai trong số những gã khổng lồ Internet lớn nhất và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent. Thực tế, CEO kiêm đồng sáng lập của Didi, Cheng Wei, là một cựu học sinh của trường Doanh nhân Alibaba. Trong khi đó, chủ tịch Didi, Jean Liu, là cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sách, con gái Liu Chuanzhi sáng lập Lenovo.

Didi không bao giờ phải lo lắng về việc huy động vốn giống như các startup khác trong tình cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển chậm lại. Didi đang phát triển mạnh mẽ, giá trị của hãng đã tăng lên mức 25 tỷ USD từ mức 6 tỷ USD vào tháng 2/2015.

Chia sẻ về tình hình gây vốn của Didi trong một hội nghị tuần này bà Jean Liu cho biết số vốn huy động được vượt quá nhu cầu mà hãng này dự tính ban đầu.

Vậy Didi Chuxing sẽ làm gì với số tiền mà họ huy động được?

Didi chia sẻ rằng hãng này muốn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để phát triển hệ thống kết nối xe với khách hàng trở nên thông minh hơn.

Về vấn đề mở rộng ra thị trường quốc tế, Didi cho biết chưa có kế hoạch gì và vẫn đang tập trung vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng này đã cùng Lyft, Ola và Grab gia nhập vào liên minh toàn cầu để cạnh tranh với Uber.

Didi từ chối chia sẻ các thông tin về tài chính nhưng tiết lộ rằng thời kỳ hãng này làm ăn có lãi không còn xa. Tính tới cuối năm ngoái, Didi có 3 tỷ USD tiền mặt trên bảng cân đối thu chi.

Cùng chuyên mục
XEM