Đòi nợ thuê làm nóng nghị trường Quốc hội: Lành ít dữ nhiều?

20/11/2019 19:00 PM | Xã hội

Trong phiên thảo luận sáng 20/11 về Dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi), rất nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về tình trạng đòi nợ thuê với những quan điểm trái chiều.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cho rằng đòi nợ thuê rõ ràng là một tình trạng gây ra nhiều vấn đề với xã hội. Tuy nhiên, không nên hiểu đây là câu chuyện Nhà nước không quản lý được để chúng ta cấm. Thực tế, đòi nợ thuê cũng đang gây ra những hệ lụy không thể không đề cập.

Bày tỏ sự tán đồng ý kiến của một số đại biểu cho rằng Việt Nam đang càng ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế bảo vệ quyền con người, bảo vệ tài sản, bảo vệ công dân hay có rất nhiều các hình thái văn minh, đại biểu Nhưỡng khẳng định vẫn tồn tại những vấn đề biến tướng và gây nhiều bức xúc.

Ông Nhưỡng đề cập đến tình trạng đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, khi có một món nợ nhỏ, có một vài người xăm trổ đến nhà đe dọa, khủng bố bằng điện thoại đến mức có những người bị khủng bố rồi treo cổ cả nhà. Điển hình của hình thức đòi nợ này là tình trạng mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, đòi nợ thuê cũng khiến cơ quan nhà nước phải mất công để đi quản lý, điều ông Nhưỡng nghĩ là không cần thiết.

 Đòi nợ thuê làm nóng nghị trường Quốc hội: Lành ít dữ nhiều?  - Ảnh 1.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.


"Đòi nợ thuê là loại hình mà xã hội hiện nay cho là 'lành thì ít dữ thì nhiều'. Không phải chúng ta cấm người tự do kinh doanh mà kinh doanh phải ra kinh doanh. Bây giờ chúng ta cứ gọi đó là kinh doanh nhưng thực ra đây (đòi nợ thuê) là loại hình mang tính tiêu cực hơn là tính tích cực", vị đại biểu đoàn Bến Tre khẳng định.

Ông Nhưỡng cũng bày tỏ sự chia sẻ với việc một số thủ tục tư pháp rườm rà. Tuy nhiên, nếu thấy những thủ tục đó rườm rà thì nên sửa chứ không phải vì vậy mà lại để loại hình tiêu cực như thế này tồn tại.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự ủng hộ việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì dịch vụ này biến tướng và hại nhiều hơn lợi.

Theo ông Nghĩa, về mặt pháp lý, nợ hay không nợ cần phải có tòa án quyết định bởi nhiều trường hợp còn những tranh cãi. "Một bên thuê là bên kia cứ lấy tiền rồi đi đòi nợ và phát sinh ra rất nhiều hệ lụy", ông Nghĩa cho biết.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc đoàn Ninh Thuận cho rằng đòi nợ là một vấn đề khó trong giao dịch dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Bởi vì, nếu sản xuất, kinh doanh thuận lợi, sòng phẳng thì không phát sinh nợ. Chỉ khi sản xuất, kinh doanh thua lỗ, người nợ không có điều kiện và thiếu thiện ý trả nợ thì mới phát sinh nợ.

"Trong quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia phải tự thỏa thuận giải quyết, hoặc khiếu kiện để Tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án để giải quyết. Đối với các vụ việc đã có quyết định bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án thừa phát lại là cơ quan có thẩm quyền thi hành", bà Ngọc cho biết.

Trong hoạt động đòi nợ, có những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật nhưng cũng những doanh nghiệp không tuân thủ, thậm chí sử dụng các hình thức xã hội đen, như bên đòi nợ đã tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng lợi dụng đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Thậm chí, có nhiều vụ việc đòi nợ theo hình thức xã hội đen.

"Có thể nói việc quy định kinh doanh đòi nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng thiếu những quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu điều kiện phải tuân thủ pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh tình trạng tín dụng đen trong những năm gần đây", bà Ngọc cho biết.

Từ thực tiễn công tác và ý kiến kiến nghị của cử tri, bà Ngọc thấy rằng việc Chính phủ đề nghị chuyển ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sang ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh là phù hợp. Ở đây không phải không quản được thì cấm mà vì ngành, nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

"Mới đây nhất là vào ngày 18/11 tại huyện Chư Pa, tỉnh Gia Lai do chồng vay nợ tín dụng đen bị liên tục đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng và rất nhiều vụ việc khác nhưng không có thời gian để dẫn chứng. Nếu Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đưa ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn và hạn chế được hoạt động tín dụng đen", bà Ngọc nhấn mạnh

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự ủng hộ với hoạt động đòi nợ thuê. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đoàn Quảng Trị nêu ra những khó khăn, phức tạp mà một người phải thực hiện để có thể tiến hành khởi kiện đối tượng vay nợ ra tòa bởi những quy định phức tạp trong luật.

 Đòi nợ thuê làm nóng nghị trường Quốc hội: Lành ít dữ nhiều?  - Ảnh 2.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng.


"Tôi không bình luận về thủ tục này, chỉ xin nêu con số năm 2018 thi hành án dân sự cả nước thu hồi được trung bình 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành, tức là chỉ tuyển những trường hợp con nợ còn tài sản, còn những con nợ đã tay trắng thì không tính. Nếu tính cả thì chắc chắn con số sẽ thấp hơn 32% rất nhiều. Thời gian thi hành nhanh nhất là 150 ngày, còn nếu không thì vô vọng", ông Đồng nêu hiện trạng.

Theo ông Đồng, phương án hai là sử dụng dịch vụ thu hồi nợ. Dịch vụ này thường không lấy phí trước mà chỉ lấy phí khi nào đòi được tiền, tỷ lệ phí từ 30 đến 50% khoản nợ. Đây là mức rất cao, nhưng xét về khả năng thu hồi của chủ nợ vẫn từ 50 đến 70%, cao hơn nhiều so với mức 32% của thi hành án.

"Thời gian thu hồi chỉ trong 1, 2 tháng, không cần phải đi lại. Biện pháp thu hồi nợ do bên làm dịch vụ tự sắp xếp, chủ nợ không cần quan tâm. Rõ ràng, đứng ở góc độ của chủ nợ thì dịch vụ thu hồi nợ nhanh, gọn hơn tòa và thi hành án rất nhiều", ông Đồng nêu.

Từ những phân tích của mình, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị bày tỏ sự đồng ý với nhiều ý kiến nên tăng cường quản lý dịch vụ đòi nợ thuê. Nếu cho phép kinh doanh loại hình này thì cần có quy định cụ thể khai báo nhân sự, chứng chỉ hành nghề, lưu trữ giấy tờ để phục vụ thanh, kiểm tra.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đoàn Hà Tĩnh thì cho rằng không nên đưa quy định về dịch vụ kinh doanh đòi nợ vào vào ngành, nghề cấm kinh doanh vì đây cũng là một hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu cuộc sống của khách hàng.

Theo bà Thơ, thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã dẫn đến truy sát cả gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm. Bởi nếu kiện ra Tòa thì thứ nhất là thời gian mất rất lâu. Thứ hai, chi phí kiện tụng không phải là nhỏ và thứ ba, nếu như những người đi vay bị xử đi tù thì điều quan trọng nhất là món nợ của họ cũng không đòi được.

"Và liệu việc quy định này có ngăn chặn được hiện tượng đòi nợ thuê xảy ra khi hàng loạt các công ty tài chính mọc lên với chức năng là cho vay nặng lãi và sau đó là đòi nợ diễn ra tương đối phổ biến hiện nay. Tôi cho rằng vấn đề là các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi bạo lực côn đồ chứ không phải là quản lý không được rồi ngăn chặn và cấm", bà Thơ cho biết.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM