Đại biểu Quốc hội lo ngại việc người Thái nắm quyền kiểm soát Nhà máy nước sông Đuống
Phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Đầu tư hôm nay 20/11, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lo ngại về việc người Thái nắm quyền kiểm soát tại Nhà máy nước sông Đuống.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tiếp tục sáng nay 20/11 với phiên thảo luận của các ĐBQH về Luật Đầu tư (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội - bày tỏ sự lo ngại về thông tin "người Thái nắm quyền kiểm soát tại nhà máy nước sông Đuống ".
Nhấn mạnh chủ đề nước sạch đang được nhiều ĐBQH quan tâm, ông Nhưỡng cho hay, bản thân ông cũng rất bất ngờ khi nhận được thông tin có 5 nhà đầu tư người Thái Lan đang vừa là thành viên HĐQT vừa tham gia kiểm soát hoạt động của Nhà máy nước sông Đuống.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
“Nhà đầu tư Thái có thực sự làm dự án để phục vụ nhân dân hay không, có theo đúng tư cách của nhà kinh doanh hay không hay chỉ là vụ lợi lập dự án rồi sau đó nhường rủi ro cho nhà đầu tư khác và rất có thể rủi ro đó cũng sẽ đến với người dân?”, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Trong khi đó, ông Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH TP.HCM) cũng đồng tình với băn khoăn này. Ông Nghĩa nêu quan điểm, sẽ rất nguy hiểm nếu không biết rõ ông chủ thực sự của nhà máy vẫn hàng ngày cung cấp nước cho hàng triệu người dân Việt Nam, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột. Ông Nghĩa cảnh báo nguy cơ nhà đầu tư Thái sau khi mua xong lại bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư khác.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Chính phủ và cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, đánh giá về việc nhà đầu tư nước ngoài mua, nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần ở các công ty tư nhân cung cấp nước sạch trong nước. Khẳng định việc không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch nhưng theo ông Nghĩa, một số quốc gia đã hạn chế việc chuyển nhượng vốn tại các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia và Việt Nam có thể "thiết kế công cụ tương tự".
"Cấm hay hạn chế như thế nào thì do Chính phủ đề xuất nhưng những ngành liên quan đến an ninh quốc gia, sức khoẻ của người dân thì cần phải có những điều kiện trong xây dựng, chuyển nhượng, kinh doanh", ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Thông tin mới đây cho biết, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) không còn là Tổng giám đốc của công ty. Thay thế vị trí của Shark Liên là ông Tạ Đức Hoàng.
Cùng với việc thay đổi vị trí Tổng giám đốc, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cũng thay đổi thông tin về vốn điều lệ và bổ sung thêm một loạt các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ đông này chủ yếu đến từ Thái Lan, bao gồm ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, thành viên Ban Kiểm soát; bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, thành viên Hội đồng quản trị; ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, thành viên Hội đồng quản trị; ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, thành viên Hội đồng quản trị.
Hai thành viên còn lại trong Ban lãnh đạo công ty là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát và bà Lương Thị Mai Hương - Kế toán trưởng.