Đổi mới sáng tạo: Việt Nam mãi không bằng Thái Lan, còn xa mới đuổi kịp Malaysia, Singapore

09/09/2016 15:40 PM | Kinh tế vĩ mô

Sức đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ ở mức trung bình trên toàn thế giới, gần như chưa bao giờ vượt được Thái Lan và đang bị sức đổi mới sáng tạo của Malaysia, Singapore bỏ lại quá xa.

Mới đây, Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO, một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc) cùng với Đại học Cornell và trường kinh doanh INSEAD đã công bố bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 (The Global Innovation Index 2016).

Chỉ số đổi mới toàn cầu được xem là một thước đo khách quan dùng để đánh giá tổng thể về các hoạt động trí tuệ thực hiện bởi cư dân ở một quốc gia.

Chỉ số này xem xét sự sáng tạo đổi mới không chỉ dưới góc độ những bài báo khoa học, những kết quả trong những phòng thí nghiệm, mà còn bao gồm cả những đổi mới, sáng tạo về tổ chức quản lý xã hội cũng như về các mô hình kinh doanh

Nhân số liệu này, chúng tôi đã thống kê lại thứ bậc của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, để qua đó thực hiện phép so sánh đổi mới sáng tạo Việt Nam với các nước trong khu vực.

Sức đổi mới sáng tạo Việt trồi sụt thất thường

Năm nay, với số điểm 35,37, Việt Nam được xếp hạng thứ 59/128. So với năm ngoái, chúng ta đã tụt 7 bậc và để Thái Lan vượt qua với xếp hạng thứ 52. Trong các quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình dưới, Việt Nam xếp thứ 3, cũng bị tụt 1 bậc.

Hệ thống chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đã được WIPO đưa ra và xếp hạng từ năm 2007. Trong suốt thời gian đó, thứ hạng của Việt Nam là một sự trồi sụt rất thất thường.


(Lưu ý: Thứ hạng càng cao nghĩa là sức đổi mới sáng tạo càng kém)

(Lưu ý: Thứ hạng càng cao nghĩa là sức đổi mới sáng tạo càng kém)

Năm 2011, chúng ta từng vui mừng khi Việt Nam ngoi lên nửa trên trung bình thế giới về đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi liền 3 năm sau, thứ hạng Việt Nam tụt sâu xuống nửa dưới của thế giới.

Thời điểm đó, nếu như nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự đánh giá thì có thể nói, Việt Nam đã có bước lùi trên trường quốc tế về sức đổi mới, khi mà thứ hạng đã giảm hơn 20 bậc. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, thứ hạng của đổi mới sáng tạo Việt đã có sự cải thiện trở lại.

Vẫn không bằng Thái Lan và đang bị Malaysia, Singapore bỏ quá xa

Cần biết rằng, thứ bậc đơn lẻ không nói lên được nhiều điều mà cần phải có sự so sánh với các bạn bè xung quanh thì mới biết được chính xác sức đổi mới sáng tạo Việt Nam đang đứng đâu trên bản đồ thế giới. Và khi nhìn ra khu vực, có một thực tế là Việt Nam vẫn còn thua Thái Lan và đang bị Malaysia, Singapore bỏ quá xa.


Một cách dễ hiểu, nếu con số tính ra là 1% thì sức đổi mới sáng tạo của quốc gia ấy đang cao hơn trung bình thế giới là 1%; nếu con số là -1% thì sức đổi mới sáng tạo quốc gia ấy đang thấp hơn trung bình thế giới là 1%.

Theo đó, so với thế giới, đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có nhiều năm cúi đầu ở dưới mức trung bình như 2010, 2012, 2013, 2014. Những năm khác, Việt Nam cũng chỉ ngang ngửa trung bình hoặc nhỉnh hơn không nhiều. Như vậy, qua gần 10 năm, sức đổi mới sáng tạo của chúng ta vẫn quanh quẩn ở trung bình của thế giới.

So với Thái Lan, ngoại trừ năm 2015 bất ngờ vượt, có thể thấy sức đổi mới Việt Nam vẫn chưa từng có lúc nào hơn nước bạn khi người Thái luôn trên trung bình thế giới.

So với Malaysia và Singapore, Việt Nam đang bị bỏ quá xa. WIPO đánh giá sức đổi mới sáng tạo của người Malaysia luôn giữ mức cao hơn trung bình chung thế giới khoảng 40% - 60% trong nhiều năm. Trong khi đó, Singapore thì đã ở quá cao so với Việt Nam khi luôn có mặt ở top 10 về đổi mới sáng tạo toàn thế giới.

Sau những nhận định này, các chuyên gia có thể sẽ tiếp tục đi tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi “Vì sao người Việt có số lượng giáo sư tiến sỹ thuộc hàng nhiều nhất thế giới nhưng sức đổi mới sáng tạo vẫn thua kém bạn bè quốc tế ?”.

Đổi mới sáng tạo giờ đây là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Bởi lẽ khi một đất nước yếu trong đổi mới sáng tạo, thì sẽ rất khó để bắt kịp với đà phát triển thế giới.

Chỉ số đổi mới toàn cầu được xem là một thước đo khách quan dùng để đánh giá tổng thể về các hoạt động trí tuệ thực hiện bởi cư dân ở một quốc gia.

Chỉ số này xem xét sự sáng tạo đổi mới không chỉ dưới góc độ những bài báo khoa học, những kết quả trong những phòng thí nghiệm, mà còn bao gồm cả những đổi mới, sáng tạo về tổ chức quản lý xã hội cũng như về các mô hình kinh doanh.

Các tiêu đầu vào (Innovation Input) dùng để tính chỉ số này bao gồm (1) Các tổ chức nhà nước, (2) Nguồn lực con người, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Độ chín của thị trường, và (5) Mức hoàn thiện của kinh doanh.

Các tiêu chí đầu ra (Innovation Output) chỉ số này xem xét bao gồm (6) Kết quả khoa học và (7) Các thành quả sáng tạo.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM