Đổi giờ làm, giờ học tránh ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia giao thông nêu quan điểm về việc đổi giờ học, giờ làm để tránh ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân và lo lắng của người dân”, trả lời chúng tôi về việc 71,76% người dân Hà Nội ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông, PGS – TS Chu Công Minh – chuyên gia giao thông cho rằng, việc thay đổi giờ làm rất khó để đưa vào thực tế.
Ông Minh cho rằng điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, rất khó điều chỉnh cho tổng thể toàn thành phố.
“Theo tôi, nên chăng chúng ta quản lý dưới hình thức cục bộ sẽ hợp lý và dễ thực hiện hơn. Ví dụ như trường học chẳng hạn, thay vì khu đó, trường đó hay bị kẹt xe vào thời điểm đó thì giáo viên nhà trường chủ động, linh động cho học sinh đi học vào một thời điểm khác.
Như vậy, nạn ùn tắc ở nơi đó sẽ được cải thiện rất lớn. Đương nhiên là nó tốt hơn cho xã hội chút ít, nhưng với khu vực đó sẽ rất lớn. Tôi nghĩ nên đánh từng khu vực một sẽ có hiệu quả cao hơn thay vì làm rộng ra toàn thành phố”, ông Minh cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ, bàn bạc thêm.
Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để tránh ùn tắc không phải là vấn đề mới, trước đây đã từng làm nhưng chưa thành công.
Ông Liên cho rằng phải nghiên cứu để phù hợp với thời tiết của nước ta, điều kiện sinh hoạt của người dân.
“Tôi tin rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết khi mức sống của người dân được nâng lên. Còn hiện tại nếu muốn thực hiện sẽ rất khó vì hiện giờ giấc, sinh hoạt đã thành thói quen, không dễ gì thay đổi được”, ông Liên cho biết.
Cũng tại buổi tọa đàm, doanh nhân Phạm Quang Vinh cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu dân cộng với cư dân không đăng ký khoảng 3 triệu người, tổng khoảng 10 triệu dân, tính trung bình một ngày có khoảng 30 triệu chuyến đi.
Chưa có thành phố nào trên thế giới, xe máy, phương tiện cá nhân có thể đáp ứng tất cả 30 triệu chuyến đi trong một ngày.
Giao thông Hà Nội đang hoạt động theo kiểu làng xã, tất cả cùng đi làm, đi học trong một giờ. Môi trường tại Hà Nội cũng không đủ để chịu đựng tới năm 2030 nếu không hạn chế xe cá nhân.
"Thực tế cho thấy, cơ hội để thay đổi thói quen đi lại của người dân rất khó khăn. Không một phương tiện giao thông công cộng nào trên thế giới có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại như các bạn đi xe máy.
Nếu cứ duy trì thói quen đi lại bằng xe máy như hiện nay thì đến năm 2030, Hà Nội sẽ quá tải, không thể chịu đựng được", ông Vinh chia sẻ.