Đôi dép cao su Việt Nam vươn tầm thế giới: Khách nước ngoài ai nấy đều xuýt xoa rẻ-bền-đẹp

11/08/2022 09:29 AM | Sống

Được làm từ lốp xe tải quân sự hoặc lốp máy bay tái chế, dép cao su thủ công của Việt Nam đã đi suốt chặng đường dài nhiều thập kỷ.

Tại thủ đô Hà Nội nhộn nhịp với đủ loại giày được bày bán, từ giày cao gót Gucci có giá khoảng 23 triệu đồng đến những đôi dép nhựa giá chỉ khoảng hơn 40 nghìn đồng. Nhưng đối với những người đang tìm kiếm xúc cảm từ quá khứ, thì những đôi dép cao su đế cứng đều có sẵn ở các chợ và các cửa hàng nhỏ.

ĐÔI DÉP CỦA ĐOÀN QUÂN CHIẾN THẮNG

Anh Đào Văn Quang đã mua một đôi dép cao su đế cứng tiêu chuẩn tại một cửa hàng bên ngoài viện bảo tàng Hồ Chí Minh với giá gần 200 nghìn đồng.

"Tôi đã đi dép cao su khi còn đi học vào những năm 1980", người đàn ông 47 tuổi đến từ Quảng Nam chia sẻ với hãng tin AFP. "Chúng có giá trị lịch sử, dễ đi và cũng rất đẹp".

Tại bảo tàng, đôi dép cao su mà Bác Hồ từng sử dụng được nâng niu trân quý, trưng bày trang trọng. Đôi dép của Bác thậm chí còn được nhắc đến trong các bài hát ca ngợi lối sống giản dị của Người, như lời ca "Dép này Bác trải đường dài. Đã cùng Bác vượt chông gai. Xây non nước nhà...".

Theo hãng tin AFP, người Việt Nam bắt đầu làm dép cao su từ lốp xe tải từ cuối những năm 1940. Thời đó, người Việt Nam nhận thấy loại dép này rẻ và bền, bất chấp mọi loại thời tiết ẩm ướt, chinh phục mọi loại địa hình khi những người lính cụ Hồ hành quân qua núi đồi rừng rậm, lầy lội. Và trong kháng chiến, đôi dép cao su giản đơn mà chắc chắn đã trở thành biểu tượng cho ý chí sắt son của đoàn quân chiến thắng.

Ngay cả trong thời bình, thiết kế này vẫn được ưa chuộng vì những lý do mang tính bền vững. Ông Nguyễn Đức Trường, 58 tuổi, người đã dành cả cuộc đời để chế tác sản phẩm này cho biết: "Tôi nghĩ rằng vẫn còn nhiều tiềm năng cho dép cao su".

 Đôi dép cao su Việt Nam vươn tầm thế giới: Khách nước ngoài ai nấy đều xuýt xoa rẻ-bền-đẹp - Ảnh 1.

Một công nhân đang chế tạo dép cao su. Ảnh: SCMP

MỨC ĐỘ PHỔ BIẾN NGÀY CÀNG TĂNG

Việt Nam là một trong bốn quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất giày dép, trong đó nhiều nhà máy của Việt Nam sản xuất giày dép cho các thương hiệu lớn như Nike và Adidas.

Theo số liệu của chính phủ, ngành xuất khẩu giày dép đã tạo ra gần 12 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Mặc dù dép cao su không tạo ra doanh thu nổi bật nhưng nó mang lại giá trị di sản cao và sự phổ biến như một đôi dép thông thường đang tăng lên. Hiện một đôi dép cao su tiêu chuẩn của một thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam đang được niêm yết giá bán 300 nghìn đồng.

Tại xưởng sản xuất của hãng ở Hà Nội, những người thợ đóng giày sử dụng dao sắc và đục để tạo ra những đôi dép từ những chiếc lốp xe có chiều cao gần bằng chiều cao của người trưởng thành.

Trong khi các mẫu màu đen truyền thống là những mẫu bán chạy nhất, thì kiểu dáng hiện đại đầy màu sắc đang giúp những đôi dép cao su này thu hút đối tượng trẻ.

Kề từ năm 2011, sau khi tiếp quản công việc kinh doanh từ gia đình, anh Nguyễn Tiến Cường tiết lộ, anh đã bán được hơn nửa triệu đôi dép cao su cho đến thời điểm hiện tại.

"Chúng tôi đã cố gắng làm cho chúng mềm mại và thời trang hơn. Sau khi thay đổi kiểu dáng và định dạng, chúng tôi bắt đầu có nhiều khách hàng hơn", anh nói.

TIỆN DỤNG - BỀN - ĐẸP

Hiện nay, dép cao su Việt Nam không chỉ phổ biến trong nước mà còn vươn tầm thế giới.

Chia sẻ trên diễn đàn hỏi đáp Quora, tài khoản Khan Norfolk cho biết, những đôi dép cao su Việt Nam được sản xuất và mang sang Mexico. "Tôi có một đôi để làm việc ngoài sân vườn, chúng rất rẻ, thoáng khí, dễ khô, nếu dính sạn, bạn chỉ cần giũ giũ dép là được. Bạn đã bao giờ thử đóng một chiếc đinh vào một chiếc lốp bị xì hơi chưa? Nếu từng thử, bạn biết tôi muốn nói gì về sự chắc chắn rồi đấy. Chúng cũng rất mát mẻ và thời trang nữa".

Một tài khoản tên Rand nói rằng, người này sở hữu một đôi dép cao su tiêu chuẩn được sản xuất từ nhà máy ở Việt Nam. Người này rất thích những đôi dép cao su Việt Nam vì chúng tiện dụng và bền, thích hợp trong các chuyến dã ngoại.

Một người khác thì tiết lộ, anh ta rất thích dép cao su Việt Nam nhưng tiếc rằng đã vô tình đánh mất chúng, đến giờ vẫn chưa mua lại được.

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM