Chiến dịch marketing gây ‘trầm cảm’: Nghĩ ra ‘Blue Monday’ – ngày cả thế giới nặng trĩu nỗi buồn mang tên ‘thứ Hai’

25/10/2021 11:03 AM | Kinh doanh

Cứ đầu tuần, hầu hết tất cả mọi người trên thế giới lại cảm thấy lòng mình nặng trĩu một nỗi buồn khó tả mang tên "thứ Hai".

"Blue Monday" (thứ Hai xanh hay thứ Hai buồn) là cụm từ được dùng để chỉ trạng thái mà rất nhiều người trên thế giới gặp phải trong ngày đầu tiên của tuần mới. Đây được coi là ngày gây "trầm cảm" nhất trong tuần khi khiến không ít người cảm thấy chán chường, mệt mỏi sau 2 ngày cuối tuần xả hơi.

Ý tưởng về "Thứ Hai buồn" được Tiến sĩ Cliff Arnall giới thiệu lần đầu tiên năm 2005 và do công ty du lịch Sky Travel công bố trong một thông cáo báo chí.

Arnall đã tạo ra một công thức để xác định ngày buồn nhất trong năm, dựa trên một số yếu tố như thu nhập, thời tiết… Kết quả là ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng Một được chọn là ngày buồn và u ám nhất trong năm. Ngoài ra, chiến dịch "Stop Blue Monday" đã đem lại kết quả kinh doanh tích cực cho Sky Travel.

Chiến dịch marketing gây ‘trầm cảm’: Nghĩ ra ‘Blue Monday’ – ngày cả thế giới nặng trĩu nỗi buồn mang tên ‘thứ Hai’ - Ảnh 1.

Dù được tạo ra như một công cụ của chiến lược marketing mà Sky Travel sử dụng để thu hút mọi người đặt các chuyến du lịch nhiều hơn, "Blue Monday" đã dần trở thành cụm từ được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ đời thường.

Khi cụm từ này ngày càng được dùng rộng rãi, mọi người lại càng có xu hướng cảm thấy chán chường vào mỗi thứ Hai hàng tuần. Họ đi làm với gương mặt ủ rũ, chậm chạp, đôi khi là cáu kỉnh, khó chịu với người xung quanh. Một nghiên cứu cho thấy số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở nam giới dưới 50 tuổi vào thứ Hai cao hơn 19% so với các ngày khác trong tuần.

Một số chuyên gia cho rằng trên thực tế, "Blue Monday" chỉ là một chiến dịch markerting không hơn không kém và sẽ thật buồn cười khi mọi người cứ tiếp tục tin vào đó để khiến ngày thứ Hai của mình ảm đạm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hội chứng ngày thứ Hai mệt mỏi là do tình trạng rối loạn tâm lý và do đột ngột thay đổi thói quen khiến cơ thể chưa kịp thích nghi.

Chiến dịch marketing gây ‘trầm cảm’: Nghĩ ra ‘Blue Monday’ – ngày cả thế giới nặng trĩu nỗi buồn mang tên ‘thứ Hai’ - Ảnh 2.

Dưới đây là một số cách để bạn cảm thấy tốt hơn vào thứ Hai, theo Margaret Seide, một bác sĩ tâm thần hiện làm việc tại New York:

Lên kế hoạch cho điều thú vị vào giữa tuần

"Chúng ta cần bớt cứng nhắc và đừng để dành mọi thú vui hay giải trí cho cuối tuần. Lên kế hoạch làm một điều gì đó thú vị vào giữa tuần sẽ giúp giảm bớt cảm giác phải chờ từ thứ Hai đến thứ Sáu để xả hơi", Seide viết.

Đó có thể là một lớp học nấu ăn trực tuyến, gọi điện cho bạn bè hay một cuộc hẹn ăn uống. Tuy nhiên, Seide lưu ý rằng bạn không nên tận hưởng quá đà vì cần duy trì sự tỉnh táo cho ngày làm việc tiếp theo.

Tạo không gian "chill" của riêng mình

Nếu không muốn ra ngoài vào giữa tuần, bạn vẫn có thể thư giãn ngay tại nhà. Hãy tạo ra không gian sống ấm cúng, thoải mái để nhâm nhi một cốc trà, đọc sách hay xem phim.

Ngoài ra, bạn có thể thay đổi bài trí trong nhà để cảm thấy mới mẻ hơn. Thay ga trải giường, sắp xếp lại giá sách hay một số vật dụng khác sẽ giúp mọi thứ bớt ảm đạm hơn rất nhiều.

Chuẩn bị cho thứ Hai

Bên cạnh đó, bạn cũng nên cố gắng hoàn tất công việc trong tuần vào thứ Sáu để có thể bắt đầu tuần mới mà không phải lo lắng vì có quá nhiều việc cần xử lý. Tối Chủ Nhật, hãy ngủ sớm để minh mẫn và khỏe mạnh khi thức dây. Sáng thứ Hai, bạn nên dậy sớm hơn một chút để có nhiều thời gian chuẩn bị đi làm hơn.

Nguồn: Health

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM