Doanh thu một quý đạt 7.500 tỷ, một tập đoàn hàng không vẫn lỗ ròng hơn 5.600 tỷ đồng
Tập đoàn Malaysia sở hữu thương hiệu Air Asia công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy tăng trưởng doanh thu khả quan nhưng vẫn lỗ do ảnh hưởng từ đại dịch.
Capital A Berhad (trước đây gọi là AirAsia Group Berhad) đã công bố báo cáo kết quả tài chính cho quý 2 kết thúc vào ngày 30/6. Theo đó, báo cáo hợp nhất quý 2 của tập đoàn ghi nhận doanh thu trong quý là 1.465 triệu RM (khoảng 7.586 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 277% và tăng 81% nếu so với quý báo trước đó.
Báo cáo riêng doanh thu hàng không, hãng ghi nhận tăng trưởng 520% theo năm và 115% theo quý, lên 1.292 triệu RM (6.690 tỷ đồng). Theo Capital A, sự tăng trưởng này có được nhờ vào nhu cầu giao thông hàng không được cải thiện, cả trong nước và quốc tế, cùng với việc mở cửa lại hoàn toàn biên giới ở hầu hết các quốc gia ASEAN bắt đầu từ quý 2/2022.
Các quốc gia ASEAN mở cửa biên giới là một trong những nguyên nhân giúp AirAsia tăng doanh thu. Ảnh minh họa: Dy Khoa.
Mảng hậu cần của tập đoàn, Teleport, báo cáo doanh thu đạt 99 triệu RM (512 tỷ đồng) - giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn vị này giải thích nguyên nhân do bối cảnh chuyển đổi từ việc sử dụng máy bay chở khách chỉ để chở hàng sang mô hình sử dụng khoang chở hàng trong bụng của AirAsia.
Các doanh nghiệp kỹ thuật số của tập đoàn cũng báo cáo mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Airasia Super App và BigPay tăng 192% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh về hàng không, hậu cần và kỹ thuật số đóng góp lần lượt 88%, 7% và 5% vào tổng doanh thu trong quý 2/2022. Như vậy, hàng không vẫn là nguồn thu chính của Capital A Berhad.
Tổng kết, tập đoàn ghi nhận EBITDA (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) ghi nhận mức dương, đạt 109 triệu RM (564 tỷ đồng), cải thiện 155% theo năm và 135% theo quý. Trong quý 2/2022, tập đoàn đã tăng giá vé trung bình 10%, thực hiện thành công phụ phí xăng dầu và tăng doanh thu phụ trợ lên 495% so với cùng kỳ năm ngoái để giảm thiểu các chi phí tăng, cụ thể là chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng đã tăng cao trong năm.
Báo cáo hợp nhất quý 2 của Capital A Berhad ghi nhận doanh thu trong quý là khoảng 7.586 tỷ đồng. Ảnh: Dy Khoa.
Trong quý 2, tập đoàn vẫn lỗ ròng 1,1 tỷ RM (5.696 tỷ đồng), chi phí khấu hao một lần và chi phí lãi vay cho tàu bay không hoạt động là 256 triệu RM (1.325 tỷ đồng), lỗ chênh lệch tỷ giá 45 triệu RM (233 tỷ đồng) và chia sẻ khoản lỗ các công ty liên kết 291 triệu RM (1.506 tỷ đồng). Loại trừ các khoản chi trả một lần, lỗ hoạt động ròng lên tới 235 triệu RM (1.216 tỷ đồng).
Capital A Berhad đã có dòng tiền hoạt động tích cực là 274 triệu RM (1.330 tỷ đồng) trong quý 2/2022 nhờ xu hướng tăng đặt trước trong hoạt động kinh doanh hàng không. Tập đoàn này cũng báo cáo số dư tiền mặt của họ tại thời điểm cuối tháng 6/2022 ở mức 632 triệu RM (3.272 tỷ đồng), một mức cải thiện so với quý trước.
AirAsia Aviation Group kỳ vọng đưa toàn bộ tàu bay trở lại bầu trời
Chủ tịch mảng Hàng không kiêm Group CEO của AirAsia Aviation Group (AAAGL) Bo Lingam cho biết: "AAAGL đã công bố tăng trưởng doanh thu theo quý và theo năm mạnh mẽ. Việc này có được nhờ hưởng lợi từ việc mở lại biên giới quốc tế tại các quốc gia hoạt động chính, đồng thời các hạn chế đi lại đã ít nghiêm ngặt hơn ở nhiều thị trường trọng điểm. Tập đoàn (hàng không - PV) này khai thác 65 tàu bay trong quý, tăng thêm 50 tàu bay so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được hỗ trợ bởi sự hồi sinh mạnh mẽ của lưu thông hàng không quốc tế và nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Hệ số tải đáng khen ngợi là 84% trong quý 2/2022, cao nhất kể từ năm 2020. Công suất ghế là 6,6 triệu với 5,6 triệu hành khách bay trong quý 2/2022".
AirAsia Aviation Group (AAAGL) đã công bố tăng trưởng doanh thu theo quý và theo năm mạnh mẽ. Ảnh: Dy Khoa.
Mảng kinh doanh hàng không đã mang lại doanh thu là 1.379 triệu RM (7.141 tỷ đồng) trong quý 2/2022, tăng 475% so với cùng kỳ năm ngoái do giá vé trung bình tăng từ RM194 lên RM214 (khoảng một triệu đồng lên 1,1 triệu đồng), với mức tăng trưởng 456% về số trung bình chỗ ngồi km (ASK), dẫn đến cải thiện mức tăng trưởng 38% trong doanh thu trên mỗi ASK (RASK).
AAAGL đạt EBITDA dương đầu tiên kể từ đại dịch, cải thiện đáng kể lên 115 triệu RM (595 tỷ đồng) từ EBITDA âm 125 triệu RM (âm 647 tỷ đồng) hồi một năm trước, tương đương mức tăng 221% theo năm.
Theo ông Bo Lingam, bất chấp những khó khăn trong ngành, hoạt động kinh doanh hàng không của hãng này đã giảm thiểu tác động của việc giá nhiên liệu máy bay tăng mạnh. Ông cho biết chi phí nhiên liệu chiếm 51% doanh thu của mảng hàng không quý 2. Tuy nhiên, AAAGL đã thực hiện nhiều chiến lược ứng phó bao gồm thực hiện phụ phí xăng dầu và tăng giá vé, cùng với việc cải thiện doanh thu phụ trợ để giúp bù đắp chi phí gia tăng.
Các hãng thành viên đều ghi nhận tăng trưởng hệ số tải ở hai con số trong quý 2/2022. Ảnh: Dy Khoa.
Hãng này ghi nhận giá nhiên liệu trung bình mỗi thùng tăng 31% theo quý và 68% theo năm lên mức trung bình là 151 USD trong quý 2/2022. "Sự kết hợp của đồng tiền ASEAN yếu hơn so với USD và chi phí bảo dưỡng cao hơn phát sinh do đưa tàu bay trở lại hoạt động sau hai năm ngủ đông đã kéo dài một chút tiến độ đưa kinh doanh hàng không trở lại lợi nhuận (kỳ vọng - PV). Tác động chi phí tương tự cũng khiến hãng hàng không liên kết của chúng tôi, AirAsia Thái Lan thua lỗ trong quý 2", lãnh đạo cấp cao của AirAsia nói.
Mức tăng trưởng hai con số về hệ số tải là khích lệ rất lớn với các hãng thành viên. Cụ thể, AirAsia Malaysia ở mức 84%, tăng 20 điểm phần trăm theo năm, AirAsia Indonesia là 74%, tăng 10 điểm phần trăm theo năm, AirAsia Philippines ở mức 93%, tăng 15 điểm phần trăm theo năm và AirAsia Thái Lan là 73%, tăng 14 điểm phần trăm theo năm.
AirAsia vẫn duy trì đội ngũ nhân viên trong thời kỳ đại dịch. Hãng kỳ vọng trở lại hoạt động đầy đủ từ quý 2 năm 2023. Ảnh: Dy Khoa
Trong thời gian ngừng hoạt động, AAAGL đã tiếp tục duy trì hoạt động của đội bay và đào tạo nhiều người trong các bộ phận khác để bổ sung thu nhập cho họ, bao gồm cả việc hỗ trợ các doanh nghiệp kỹ thuật số đang phát triển. Nhờ đó, tập đoàn hàng không này có thể thiết lập lại đội ngũ phi công và tiếp viên ngay khi họ được yêu cầu. "Con người của chúng tôi luôn là tài sản lớn nhất và chúng tôi tự hào nói rằng tính đến tháng 8, chúng tôi đã đưa trở lại 78% nhân viên chuyến bay được bổ sung và hy vọng số dư sẽ được lấp đầy vào cuối năm nay", Bo Lingam phát biểu đầy tự hào.
Tập đoàn hàng không này đang kỳ vọng nhu cầu của hành khách hàng không sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay. Tính đến tháng 8, tổng cộng 108 tàu bay hoạt động đã trở lại trên bầu trời và con số này dự kiến sẽ tăng lên 160 vào cuối năm nay để hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng ngày càng mạnh mẽ. Và dự kiến hoạt động trở lại đầy đủ vào quý 2 năm sau.
"AAAGL dự đoán hiệu quả kinh doanh hàng không của chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện trên tất cả các chỉ số chính trong thời gian tới với điều kiện không có thêm áp lực chi phí ngoại lai nào ảnh hưởng đến ngành hàng không", Group CEO của AirAsia Aviation Group nhận định.