Doanh nhân “quái vật” Mark Bao: Lớp 5 bán phần mềm, lớp 10 bắt đầu start-up, 17 tuổi lập 11 công ty và 3 tổ chức phi lợi nhuận

11/10/2018 14:19 PM | Kinh doanh

Khi chỉ mới là một học sinh lớp 5, Mark Bao đã viết phần mềm quản lý bài tập về nhà và bán 5 USD mỗi bản copy cho bạn học.

Mark Bao "tập tành" kinh doanh khi chỉ mới học lớp 5. Chàng trai này ứng dụng các kiến thức tự học về Visual Basic 6.0 để viết ra một ứng dụng trên máy tính có thể hỗ trợ học sinh quản lý bài tập về nhà và viết bài luận tốt hơn. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm đầu tay, Mark Bao đã sao chép chúng và bán cho bạn bè với giá 5 USD mỗi bản copy.

Chàng "doanh nhân" trẻ sau đó tìm ra đam mê tin học của mình và không ngừng học hỏi về PHP và thiết kế web. Không lâu sau đó, khi mới bước chân vào trường cấp 3, Mark Bao đã gia nhập Câu lạc bộ hùng biện của trường và nhanh chóng được bầu làm trưởng nhóm. Chàng trai này đã sử dụng kiến thức của mình để thành lập start-up tên Debateware.com, một công cụ quản lý sự kiện cho các tổ chức tranh luận và phản biện.

Start-up đầu tiên này nhanh chóng nhận được vô số lời khen ngợi và được tổ chức hùng biện lớn nhất nước Mỹ mua lại.

Tuy vẫn là một học sinh lớp 10 với trách nhiệm trưởng CLB hùng biện, Mark Bao dành mọi thời gian còn lại của mình cho hàng chục dự án khác nhau, trong đó có 4 đến 5 start-ups mang tên Threewords.me, Genevine, Supportbreeze, Classleaf …

Mark Bao còn thành lập quỹ mang tên Genevine Foundation -chuyên hỗ trợ các gia đình trong khu vực giảm thiểu tình trạng đói nghèo và vô gia cư. Và quỹ Center for Ethical Business – chuyên hỗ trợ các công ty xây dựng đạo đức nghề nghiệp.


Dự án "gây bão" - Threewords.me

Trong tất cả những start-up được thành lập trên ghế nhà trường, nổi bật nhất có thể kể đến Threewords.me. Website cực kỳ đơn giản này cho phép người dùng miêu tả về một người bạn của họ trên website hoặc trên Twitter với chỉ 3 từ.

Chỉ sau ba tuần kể từ lúc xuất hiện, Threewords.me đã có hơn 250.000 thành viên, hơn 5 triệu người truy cập, 4,3 triệu từ được miêu tả và tổng cộng hơn 17 triệu lượt xem!

Mark Bao xây dựng trang web này để thí nghiệm hai "linh tính" của mình về mạng xã hội. Một là hiệu quả thu hút khách hàng thông qua viral marketing, và hai là khai thác lòng "tham" muốn tìm hiểu ý kiến của người khác đối với bản thân mình.

"Bất cứ người dùng mạng xã hội nào cũng thích "tự sướng" một chút" - Mark Bao chia sẻ "Đó chính là lý do trang web phát triển nhanh đến thế."

Khi Threewords.me trở nên đủ lớn, Mark Bao quyết định bán start-up này vì nó ngốn quá nhiều thời gian và doanh nhân trẻ này còn muốn tập trung vào những dự án khác. Và Mark Bao cũng thừa nhận rằng mình thích làm việc với những start-up có mô hình lợi nhuận cụ thể ngay từ đầu hơn là một dịch vụ "miễn phí".

Doanh nhân “quái vật” Mark Bao: Lớp 5 bán phần mềm, lớp 10 bắt đầu start-up, 17 tuổi lập 11 công ty và 3 tổ chức phi lợi nhuận - Ảnh 1.

Ngay khi nghe tin Threewords.me có ý định bán, gần 50 nhà đầu tư đã liên hệ với Mark Bao để mua lại trang web này. Cuối cùng thì Kevin Ham, một doanh nhân sở hữu số lượng tên miền lên đến hơn 300 triệu USD, đã mua lại được Threewords.me. Số tiền cụ thể không được tiết lộ, nhưng Mark Bao nói rằng bố mẹ của mình rất hài lòng với con số trên.


Tương lai của "thiên tài" kinh doanh

Doanh nhân “quái vật” Mark Bao: Lớp 5 bán phần mềm, lớp 10 bắt đầu start-up, 17 tuổi lập 11 công ty và 3 tổ chức phi lợi nhuận - Ảnh 2.

Ở tuổi 17, Mark Bao đã tự tay thành lập 11 công ty (trong đó đã bán thành công 3 công ty), và 3 tổ chức phi lợi nhuận.

Hiện Mark Bao vẫn đang quyết tâm độc thân vì chàng trai nghĩ rằng tình yêu sẽ tiêu tốn quá nhiều thời gian. Nhưng "mọi chuyện sẽ khác khi tôi chuyển đến New York" – doanh nhân trẻ này vừa cười vừa thú nhận.

Khi được hỏi "Bạn muốn làm gì khi lớn lên?", Mark Bao đã trả lời:

"Tôi vẫn muốn tiếp tục làm doanh nhân và khởi nghiệp. Hiện tại start-up Avecora vẫn đang giúp người dùng kết nối tốt hơn và có khả năng phát triển thành một "đế chế" trong tương lai.

Tôi cũng rất đam mê với mảng phi lợi nhuận. Mong muốn cuối đời của tôi là tặng hết 80% tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện và nghiên cứu. Mục tiêu hiện tại của tôi là tích góp đủ 10 triệu USD cho đến lúc qua đời, 8 triệu USD sẽ được làm từ thiện, 1 triệu USD để thành lập Quỹ Mark Bao, nhằm hỗ trợ các tổ chức như NASA và Viện Sức khỏe Quốc gia, 500.000 USD sẽ dành cho các start-up, giúp họ phát triển và đứng vững được trên thị trường."

Mark Bao hiện đóng vai trò CTO của Branchr, một công ty truyền thông điện tử và đồng thời là đồng sáng lập của Ramamia, một ứng dụng giúp người thân trong gia đình có thể chia sẻ tin nhắn, hình ảnh, đường links và tổ chức sự kiện một cách nhanh chóng và bí mật.

Ngoài ra thì Mark Bao còn sáng lập nên EveryoneGive, một công ty phi lợi nhuận chuyên kêu gọi vốn cho các doanh nghiệp nhỏ.

Chàng trai sinh năm 92 vẫn chưa có ý định dừng lại khi trả lời phỏng vấn rằng: "Tôi vẫn luôn nghĩ mình là một doanh nhân, việc bắt đầu từ lúc còn teen chỉ là ngẫu nhiên mà thôi."

Lê Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM